Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tướng Nguyễn Hữu Cầu: "Công an muốn uống rượu phải gửi điện xin phép"

"Hơn 2 năm trước, lúc tôi nói về việc ra nghị quyết cấm uống rượu, anh em trong Ban giám đốc nói 'khó quá anh ạ'. Tôi bảo khó cũng phải làm", thiếu tướng Nguyễn Hữu cầu chia sẻ với Zing.vn.

Người đầu tiên đưa ra chủ trương cấm uống rượu trong Công an Nghệ An là thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh. Ở địa phương, ông được biết đến là người đứng đầu mang lại nhiều luồng gió mới cho hoạt động công an với những chủ trương như thường xuyên đối thoại với cán bộ chiến sĩ, cấm uống rượu trong lực lượng. Ở Trung ương, vào mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri nhận ra ông bằng những phát biểu sắc sảo, tranh luận gai góc...

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, hơn 40 năm gắn với nghiệp điều tra, đối mặt, đấu tranh với rất nhiều tội phạm sừng sỏ, nhưng mỗi lần phóng viên đề nghị phỏng vấn, ông đều ngần ngại vì “không muốn nói nhiều về mình”. Nhân dịp đầu năm mới, ông dành cho Zing.vn cuộc phỏng vấn để chia sẻ về bản thân mình và về nghề.

Muốn uống rượu phải xin phép

- 5 năm ông giữ cương vị Giám đốc, Công an Nghệ An đã có nhiều thay đổi trong hoạt động của lực lượng trên địa bàn, đặc biệt là việc Công an tỉnh tuyệt đối không sử dụng rượu bia trong và ngoài giờ làm việc. Xin ông chia sẻ quá trình để có được kết quả này?

- Thực tế, trong lực lượng công an chúng tôi thấy có chiến sĩ thường xuyên uống rượu. Với cương vị người đứng đầu, tôi trực tiếp đối thoại và hỏi sao họ lại uống nhiều thế. Anh em giải thích là công việc hay phải đi các huyện miền núi, nhưng tôi nói tôi từng đi và ở miền núi mấy năm cũng không như thế.

Sau đó, qua thời gian nghiên cứu, năm 2017 Công an Nghệ An là đơn vị đầu tiên ban hành Nghị quyết 12 về cấm công an uống rượu trong và cả ngoài giờ.

Sau đó, chúng tôi quyết tâm bàn đi bàn lại để xây dựng dự thảo, chuyển cho Ban giám đốc và công an các địa bàn trong tỉnh góp ý để hoàn thiện. Từ năm 2017, Nghị quyết chính thức được ban hành và có hiệu lực và đến nay, việc này được áp dụng triệt để.

Chúng tôi yêu cầu các phó giám đốc, lãnh đạo công an tỉnh, phòng xuống địa phương phải kiên quyết từ chối, ra về khi được mời rượu. Như vậy, chủ trương này được công an tỉnh thực hiện từ trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau một thời gian thực hiện, việc này đã thành thói quen. Khách đến công an Nghệ An, chúng tôi cũng không uống rượu.

- Thực hiện lệnh cấm trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống khá lâu, bản thân ông ghi nhận những phản ứng gì?

- Lúc tôi nói về việc ra nghị quyết này, anh em trong Ban giám đốc nói "Khó quá anh ạ. Anh em mình đi tiếp khách mà không uống rượu thì rất khó". Tôi bảo "Khó cũng phải làm".

Trong khi đó, vợ các cán bộ chiến sĩ lại gọi điện cho tôi chia sẻ: "Anh làm thế là đúng".

Nhưng thực tế cũng có những trường hợp cần linh hoạt. Ví dụ, cuối năm thường tổng kết liên hoan, nếu muốn uống rượu trong buổi liên hoan đó, trưởng công an huyện phải làm điện gửi cho Giám đốc xin phép cho anh em được uống rượu trong buổi liên hoan. Giám đốc phê đồng ý và yêu cầu chỉ được uống trong giới hạn cho phép, họ chấp hành ngay.

Thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý cho uống rượu chỉ có Giám đốc Công an tỉnh và phó giám đốc xây dựng lực lượng. Khi phê đồng ý, phải phê luôn số lượng cụ thể rượu được uống là bao nhiêu.

- Công an luôn là một trong những lực lượng gương mẫu, đi đầu, chịu nhiều vất vả và áp lực nhất. Song, khi nhắc đến công an, nhiều người dân vẫn chưa hài lòng. Ở cương vị lãnh đạo, ông nghĩ gì về điều này?

- Thực tế, có người dân góp ý rất chân tình khi thấy chỗ nọ chỗ kia làm chưa tốt, mình thấy vậy phải cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay.

Là công an, lại là lãnh đạo, khi bị dân phê bình tôi chỉ thấy trăn trở chứ không buồn. Nhưng cũng có những người dân thậm chí còn chửi, mạt sát công an, chúng tôi coi đó là việc bình thường. Bởi một khi có vấn đề đụng chạm đến lợi ích của ai đó mà chưa được giải quyết triệt để thì người ta có thể nặng lời với mình.

 

Với mỗi phản ánh của người dân về cán bộ chiến sĩ, tôi đều tiếp nhận và cho kiểm tra, xác minh. Nếu cán bộ sai sẽ nghiêm khắc xử lý. Để hạn chế sai phạm của cán bộ khiến dân phải có ý kiến, tôi định kỳ tổ chức đối thoại với cán bộ chiến sĩ. Khi đó, tất cả lực lượng ngồi dưới, Giám đốc ngồi trên sẽ trả lời mọi câu hỏi anh em đưa ra.

Làm công an, đặc biệt lãnh đạo, điều tối kỵ là nóng với dân. Dân có chửi, mình cũng phải kiềm chế. Với cán bộ chiến sĩ cấp dưới cũng vậy, có những khi vô tình nặng lời là tôi đã cảm thấy có lỗi.

Đặc biệt, tôi yêu cầu công an Nghệ An cho tôi lập danh sách, gồm 138 cán bộ “chậm tiến”, có nguy cơ phải ra khỏi ngành. Để cho anh em một cơ hội, tôi đã đối thoại với họ.

Được chia sẻ tâm tư với Giám đốc, nhiều cán bộ đã “xin thủ trưởng thêm một cơ hội”. Tôi khẳng định luôn mở rộng cánh cửa để anh em phấn đấu. Và rất mừng là sau đối thoại, trong 138 người chậm tiến có 11 người đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Có những anh em vay tiền nhiều, tôi hỏi lý do thì họ trả lời do hoàn cảnh, điều kiện của gia đình khó khăn. Ngay lập tức, tôi quyết cho nhận lương trước mấy tháng để hỗ trợ, nhưng cũng đề nghị cán bộ tiết kiệm chi tiêu để trả nợ.

Tết không trọn vẹn nhưng đó là lựa chọn

- Tôi từng nghe nhiều chiến sĩ công an chia sẻ, họ đánh án và đối mặt với tội phạm quanh năm nhưng Tết là khoảng thời gian khiến họ chạnh lòng nhiều nhất. Từng là chiến sĩ và nay là Giám đốc Công an tỉnh, ông thấm thía tâm lý này như thế nào?

- Điều trăn trở của anh em cũng là một thực tế. Nhưng vốn dĩ, nghề công an là nghề những lúc nào dân vui chơi hay có sự kiện tập trung đông người, thì công an phải có trách nhiệm bảo vệ.

Anh em làm từ năm này qua năm khác như thế nên quen rồi và thấy vui vẻ thôi. Khi mình đã quen thì gia đình, vợ con cũng phải quen. Giao thừa trực ở cơ quan và cứ 5h sáng mùng 1 Tết, các kíp trực đã có mặt trên đường để làm nhiệm vụ.

Tính đến nay, tôi đã có hơn 40 năm công tác trong ngành, gắn với nghiệp điều tra hình sự. Khi còn là cán bộ chiến sĩ, cũng có Tết được nghỉ, tết không. Nhưng khi làm lãnh đạo thì hầu như mọi Tết tôi đều xung phong ở lại trực đêm 30 và ngày mùng 1 Tết vì trách nhiệm của người đứng đầu rất là lớn.

Có những khi lái xe còn ái ngại vì “Thủ trưởng đi thế này thì không thắp hương đêm giao thừa được”, nhưng tôi luôn chủ động sắp xếp mọi việc. Không có Tết nào được đón giao thừa với gia đình thì tôi sắp xếp nghỉ sau một chút. Dù Tết không trọn vẹn, nhưng đó là lựa chọn.

Nhiều người hỏi chúng tôi có cảm thấy thiệt thòi không. Chúng tôi không bao giờ coi đó là thiệt thòi. Trở thành công an, chúng tôi xác định sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, vào bất cứ thời điểm nào.

 

Đương nhiên, khi anh em đi làm nhiệm vụ, thấy những gia đình khác cùng bên nhau trong đêm giao thừa hay ngày đầu năm mới trong khi mình phải xa vợ, xa con thì cũng thấy không khỏi chạnh lòng. Nhưng đó là tâm lý bình thường thôi, còn trong tư tưởng, anh em vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Vậy ông có thể chia sẻ về những đêm giao thừa đáng nhớ của mình và đồng đội?

- Tôi còn nhớ thời khắc giao Tết Nguyên đán năm 1991 khi tôi còn là trạm phó phụ trách điều tra thì trên địa bàn rộ lên tình trạng khai thác đá đỏ.

Người dân sợ sự kiểm soát của an ninh nên tranh thủ đêm giao thừa đi đào đá. Đúng đêm đó, khi chúng tôi đang trực thì nhận được tin xe của người dân bị chặn và cướp tất cả mọi thứ trên xe.

Từ đơn vị xuống hiện trường cách 12 km. Chúng tôi cả đêm huy động lực lượng xuống tiến hành điều tra thì phát hiện được một nhóm cướp, nếu không bắt ngay sẽ không biết có bao nhiêu xe bị cướp nữa.

Nhưng khi vây bắt, các đối tượng chống trả rất quyết liệt, buộc công an phải nổ súng bắn bị thương một người. Tên này bị thương nhưng vẫn kích động “giết công an đi”. Dù vậy, các chiến sĩ vẫn cõng anh ta xuống bệnh viên cấp cứu và túc trực ở đó đến sáng hôm sau.

Khi tôi làm Phó giám đốc Công an tỉnh phụ trách điều tra, cũng có một vụ việc đáng nhớ vào thời khắc giao thừa của Tết Dương lịch.

Khi đó, ở khu vực Đại Sơn, huyện Đô Lương, có một khu vực nhà máy lợn, trong đó có trại chăn nuôi lợn Thái Dương gây ô nhiễm môi trường, khiến dân rất bức xúc.

Đúng trưa 30/12/2012, khi tôi đang chuẩn bị bàn giao để về nghỉ thì Giám đốc Công an tỉnh gọi bảo có việc đột xuất, tình hình ở Đại Sơn rất phức tạp, dân kéo ra bao và đập phá toàn bộ trại lợn. Từ sáng, các lãnh đạo tỉnh giải quyết nhưng chưa ổn thỏa nên đề phòng hậu quả lớn xảy ra, tôi phải lên hiện trường.

Khoảng 14h, tôi huy động hơn 300 cảnh sát cơ động lên làm nhiệm vụ nhưng phải ở cách hiện trường khoảng 1 km, không tiến vào được vì dân đã bao vây, cắm trại ở đó.

Ba tiếng sau, người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, bất ngờ phía trong rộ lên nhiều âm thanh. Họ bắt đầu phá cửa, thả khoảng 4.000 con lợn ra, phủ trắng cả cánh đồng.

Lúc đó, tôi quyết định đưa quân tiến lên. Một số người dân tuyên bố nếu công an không rút sẽ đánh công an. Tôi yêu cầu anh em tập hợp quân, dồn lên để hành quân về phía trước, nhiều anh em lo ngại nhưng tôi động viên cứ tiến lên.

Tôi đi đầu, phía sau là 2 đoàn quân. Là người chỉ huy cao nhất của lực lượng ở đó, tôi tuyên bố đây là lực lượng đi làm nhiệm vụ, ai chống đối sẽ bị bắt. Ngay lập tức, có một người dân lao vào định đánh công an, chúng tôi khống chế luôn.

Vào đến hiện trường, một số đối tượng xấu dùng đá ném tới tấp nên anh em buộc phải triển khai đội hình chiến đấu. Giải tán xong đám đông, anh em tản xuống dưới đồng thu lợn hang nghìn con lợn về.

Đêm 30 hôm đó, khi xong việc anh em đều đói lả, không còn sức. Bất chợt một chiến sĩ hỏi: “Thủ trưởng có nhớ hôm nay là ngày gì không?”, mà tôi không nhớ nổi.

Anh em nói giờ là giao thừa của Tết Dương lịch. Nhìn chiến sĩ kiệt sức, tôi vào gặp chủ trại lợn nói chuyện và chủ trại đồng ý mổ lợn cho anh em ngay tại hiện trường. Đó cũng là đêm giao thừa mà tôi nhớ mãi.

Điện thoại luôn để chuông vào ban đêm

- Nhiều công an chia sẻ họ sợ nhất những cuộc điện thoại lúc về đêm, với ông thì sao?

- Với tôi, điện thoại gọi vào ban đêm là liên tục. Tôi có một cơ chế là cho anh em số điện thoại và cán bộ, chiến sĩ có thể gọi bất cứ lúc nào.

Ví dụ khi anh em bắt một vụ án cần phải có sự chỉ đạo hay có gặp khó khăn gì, anh em gọi điện xin ý kiến, nếu cần, tôi trực tiếp đi ngay. Hoặc khi anh em cần tư vấn nghiệp vụ, hướng dẫn giải quyết vụ việc đều gọi điện cho tôi.

Vì thế thành quen rồi, điện thoại không bao giờ để chế độ rung mà luôn để chuông, đề phòng ngủ quên thì đã có chuông báo. Bởi vậy với tôi, đêm hầu như rất ít ngủ. Sau mỗi cuộc điện thoại, nếu không đến hiện trường thì ở nhà cũng canh cánh nỗi lo, không biết anh em giải quyết, xử lý thế nào, có khó khăn gì không.

 

Cũng có đêm, người dân gọi điện báo cho Giám đốc về việc tổ chức đánh bạc ở một số địa điểm và đề nghị Giám đốc chỉ đạo. Mỗi lần như vậy, tôi phải cảm ơn tin báo của người dân, chỉ đạo công an sở tại kiểm tra và xử lý ngay. Sau đó, phải hỏi lại kết quả để thông tin lại cho người dân đã báo tin cho mình.

Rất nhiều người dân biết số điện thoại của tôi, họ vẫn hay điện. Tôi đi họp Quốc hội họ vẫn điện, và tôi coi những nguồn thông tin người dân cung cấp rất giá trị.

Hạ mũ "cảnh sát" để làm gương

- Không chỉ là Giám đốc Công an một tỉnh đông dân, tình hình an ninh trật tự phức tạp, trên cương vị đại biểu Quốc hội ông nhiều lần có những phát biểu rất sâu sắc. Vậy ông cân đối thời gian thế nào để vừa có thời gian nghiên cứu các vấn đề ở Quốc hội, vừa đảm bảo công tác lãnh đạo ở địa phương?

- Công việc rất nhiều nhưng để phân phối thời gian thì cũng không đến mức quá nặng nề.

Ví dụ khi ở tỉnh thì tập trung vào việc chuyên môn ở công an tỉnh, còn khi đi họp Quốc hội thì giao cho một phó giám đốc điều hành, còn mình toàn tâm tập trung cho kỳ họp. Khi có lịch họp Quốc hội, tôi sẽ dành thời gian nghiên cứu nội dung và định hình trong những nội dung ấy, mình sẽ phát biểu cái nào để tìm tài liệu đọc và chuẩn bị cho tốt.

Ra đến Hà Nội, mỗi sáng tôi đều dậy lúc 5h để đi thể dục, vừa đi vừa suy nghĩ cho bài phát biểu, sau đó khi thể dục xong về sẽ lấy máy tính ra viết, và phải viết căn đủ thời gian 7 phút cho mỗi bài phát biểu.

- Để lãnh đạo tốt thì người lãnh đạo phải “toàn tâm toàn ý” với công việc. Như vậy đồng nghĩa với quỹ thời gian dành cho gia đình sẽ eo hẹp. Ông xử lý mối quan hệ này thế nào?

- Đúng là rất nhiều lần tôi phải bỏ việc gia đình để đi lo công việc cơ quan.

Tôi nhớ nhất năm 2012, khi 2 cậu con trai sinh đôi của tôi đi thi đại học, tôi xin nghỉ phép để đưa con đi.

 

Nhưng lúc đó lại xảy ra vụ việc phức tạp khi xảy ra ẩu đả giữa một số người ở Giáo xứ Quan Lãng với dân địa phương, rồi bộ đội biên phòng vào cũng bị bao vây. Ngoài ra, họ còn bắt một phó chủ tịch huyện và một trưởng công an huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Hồ Đức Phớc (nay là Tổng Kiểm toán Nhà nước), còn Bí thư Tỉnh ủy là ông Phan Đình Trạc (nay là Trưởng ban Nội chính Trung ương) trực tiếp gọi điện yêu cầu tôi phải đi giải quyết vụ việc, nên dù đã xin nghỉ phép, tôi vẫn chấp hành.

Tối hôm ấy, tôi lên đến Con Cuông là 11h30. Đến 3h sáng, tình hình vẫn căng thẳng, Chủ tịch huyện Con Cuông “phát khùng” lên, đề nghị tôi xử lý sớm vì sợ phó chủ tịch và trưởng công an huyện sẽ bị làm hại.

Tôi nói cứ bình tĩnh. Kinh nghiệm của tôi là họ không bao giờ dám hại cán bộ vì ở đó có 2 linh mục, mà khi có linh mục thì không con chiên nào dám hại người ở. Tôi cam kết nếu có chuyện gì thì tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Tới 5h sáng, tôi dẫn đầu 2 hàng quân đi vào. Phía bên trong một nhóm người dùng gạch, đá, dao đe dọa. Còn một ôtô chở 2 linh mục với hai hàng người dân đi bên cạnh bảo vệ với khí thế hừng hực.

Tôi cầm loa yêu cầu mọi người dừng lại, rồi tiến đến và giới thiệu tôi là người chỉ huy công an cao nhất ở đây, đề nghị mọi người bỏ vũ khí xuống.

Một người phụ nữ hỏi tôi là ai, tôi nói: Tôi là Nguyễn Hữu Cầu, Phó giám đốc Công an tỉnh, trực tiếp chỉ đạo ở đây”.

 

Để người dân tin tưởng, tôi hạ chiếc mũ cảnh sát trên đầu xuống và đưa cho họ làm tin, đồng thời cam kết nếu tôi làm sai “cứ nhằm đầu tôi mà đánh”.

Khi dân tin tưởng, họ hô hào nhau bỏ vũ khí xuống. Tôi yêu cầu lực lượng dẹp sang hai bên để bảo vệ cho người dân ra ngoài bình yên. Khi ra ngoài, một số người còn quay lại vẫy tay chào.

Đêm hôm ấy, giải quyết xong việc, tôi ra Hà Nội từ tờ mờ sáng, khi đến nơi thì các con đã thi xong môn thứ nhất rồi. Sau này, cả 2 con tôi đều theo nghiệp bố. Các con rất hiểu và luôn động viên để bố yên tâm đi làm, còn vợ tôi là con công an, nên việc thấy chồng rời gia đình để đi làm thì cũng coi đó là chuyện bình thường.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Hoài Thu - Hải Nam

Nguồn tin: Zing.vn