Lung linh sắc màu đón xuân từ những cây nêu trên các làng quê Nghệ - Tĩnh
- 16:15 22-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thay vì dựng nêu bằng cây tre, cây mét như những năm trước, người dân tại một số bản làng của huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An như làng Khe Bố, làng Mỏ, Làng Nhùng… (xã Tam Quang) đã chuyển sang dùng những ống thép hàn kết vào nhau như những cây tre để chưng tết.
Lung linh sắc màu đón xuân từ những cây nêu trên các làng quê |
Anh Nguyễn Văn Tuân, một thợ cơ khí trên địa bàn xã Tam Quang cho biết, từ đầu mùa cho đến nay anh hàn hơn 40 cây nêu cho hơn 40 hộ gia đình trong xã Tam Quang. Ngoài anh Tuân còn có khá nhiều người làm nghề này cũng quần quật suốt đêm cho người dân kịp trang trí tết.
Thay vì dựng nêu bằng tre, nứa như truyền thống, nhiều người dân dùng ống sắt để đảm bảo không bị ngã, đổ và trang trí được đẹp hơn |
Cây nêu bằng ống thép được người dân trong vùng gọi đùa là "cây nêu tiền triệu, cây nêu ngàn năm" vì sự bền bỉ của sắt thép. Tuy nhiên, để đầu tư một cây nêu bằng ống thép người dân phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Có những cây nêu lên đến hơn 1 triệu đồng.
Màu sắc lung linh làm rực sáng nhiều làng quê |
Với giá trị mỗi cây nêu bằng tre mét trên địa bàn là 30 ngàn đồng/1 cây. Vị chi, một cây nêu bằng sắt có thể mua được 30 đến 40 cây nêu bằng tre mét. Không những thế, mỗi lúc đưa lên đặt xuống cũng rất phức tạp và mất nhiều công sức hơn. Để dựng một cây nêu bằng tre nứa chỉ cần 2 người đàn ông, còn cây nêu bằng ống thép cần tới 4 đến 5 người đàn ông to khỏe.
Vào ngày Tết, mỗi đồng bào dân tộc như Kinh, Thái, Mông… đều có những quan niệm và cách trang trí khác nhau đối với cây nêu ngày Tết. |
Điểm thuận lợi của những cây nêu bằng sắt là tồn tại lâu dài, đến những ngày Tết, ngày lễ không mất thời gian đi tìm cây nêu. Hơn nữa, những cây nêu bằng ống thép dễ trang trí hơn. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ lo lắng về sự mai một của văn hóa cây nêu trong ngày Tết của người Việt.
Không khí Tết đang tràn ngập các làng quê ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh |
Vào ngày Tết, mỗi đồng bào dân tộc như Kinh, Thái, Mông… đều có những quan niệm và cách trang trí khác nhau đối với cây nêu ngày tết.
Trên đỉnh nêu được trang trí lá cờ Tổ quốc, đèn lồng và ngôi sao vàng |
Theo phong tục dân gian Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng chạp - ngày Táo quân lên chầu trời. Bởi, từ ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ,…. hay treo những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như lá phướn, chuông gió.
Theo phong tục địa phương, ngày dựng cây gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu |
Khi có gió thổi, chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu. Buổi tối, người ta treo thêm một chiếc đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Văn hóa dựng nêu trở nên quen thuộc mỗi khi xuân về |
Ngày dựng cây gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người H'mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.
Xuân đã về trên những vùng quê |
Với người đồng bào dân tộc Thái, thay bằng treo những vật dụng trên cây nêu thì họ thường treo một loại cây có tên gọi là cây thơm trên cây nêu truyền thống. Ngày dỡ cây nêu cũng là 7/1 âm lịch hàng năm.
Tại một số xã như Hộ Độ, Ích Hậu… của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), người dân trang trí trên đỉnh cây nêu bằng cờ Tổ quốc, đèn chiếu sáng... tạo nên một rừng màu sắc rực rỡ trên các ngả đường.