Món ăn trong mâm cỗ Tết miền Nam
- 11:01 24-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Canh khổ qua
Theo quan niệm dân gian, món canh khổ qua ngày Tết thể hiện mong muốn cho những vất vả, khó khăn của năm cũ qua đi và cầu cho may mắn, tốt đẹp hơn sẽ đến trong năm mới. Món canh này còn có tác dụng giải nhiệt, chống ngán... hữu hiệu trong những ngày Tết.
Món canh khổ qua mang ý nghĩa những vất vả, khó khăn đã qua. |
Bánh tét
Miền Bắc có bánh chưng, miền Nam và miền Trung đón Tết với bánh tét. Từ bao đời nay, bánh tét trở thành "linh hồn Tết" của người miền Nam, nhất là ở các tỉnh miền Tây. Giống như bánh chưng, bánh tét có nhiều loại như: bánh tét mặn, nhân thập cẩm, ngọt hay chay.
Củ kiệu tôm khô
Kiệu là loại củ đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu... Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nào cũng phải muối hũ kiệu trắng giòn trộn với tôm khô ăn Tết. Món ăn giản dị từ nguyên liệu đến cách làm nhưng mang hương vị chua ngọt đặc trưng của ẩm thực miền Nam.
Củ kiệu - món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Nam. |
Nem rán chua ngọt
Nem rán là món ăn phổ biến khắp nước ta nhưng giữa các vùng miền có sự điều chỉnh về khẩu vị. Nem rán miến Bắc có vị mặn, còn miền Nam có vị chua ngọt đặc trưng. Miếng nem rán giòn rụm, bùi béo với lớp nhân thịt khiến mọi người trong gia đình đều yêu thích.
Thịt kho tàu
Đây là món ăn xuất hiện cả trong bữa cơm hàng ngày và trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Nam. Với nguyên liệu phổ biến, thịt được ướp gia vị và nấu nhừ cùng trứng chim cút. Món thịt kho tàu đạt yêu cầu khi có màu vàng cánh gián của nước sốt béo ngậy.
Món thịt kho tàu thường xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. |
Gỏi cuốn
Món ăn này được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như: thịt, cá, tôm cùng với các loại rau, trái cây và bún, được bao bọc bởi lớp vỏ bánh mềm mướt. Miền Bắc hoặc miền Trung thường gọi là bánh cuốn nhưng Nam Bộ thường sử dụng tên phổ biến là gỏi cuốn, món ăn thanh mát, chống ngấy ngày Tết.
Tác giả: Hà Hiền
Nguồn tin: Báo VnExpress