Nội dung YouTube cho trẻ “trôi nổi”: Những “lưỡi dao” vô hình
- 09:40 16-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi trẻ em vô tình thành “công cụ” kiếm tiền
Cụ thể, một kênh YouTube có tên “Toy Planet”, với gần 4 triệu người đăng ký vì chuyên đăng tải các video có nhan đề dễ gây hiểu lầm cho trẻ nhỏ như ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát... đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng về không gian mạng xã hội.
Hiện nay, cách xây dựng kênh YouTube để kiếm tiền diễn ra khá tràn lan, nhiều nội dung liên quan đến trẻ em hoặc hướng đến trẻ em... đang ngày càng bị lạm dụng.
Trước thực trạng trên, cô Hoàng Thanh Sâm, một giáo viên trường mầm non Ánh Dương (Lào Cai) cũng là một người mẹ có con nhỏ bày tỏ sự lo lắng: “Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, không ít bậc phụ huynh vì không thể dành nhiều thời gian cho con mình nên có tâm lý đưa cho con dùng smartphone, ipad,... để xem các video clip trên mạng xã hội để con “tạm ngoan” trong thời điểm đó.
Chính vì vậy, nhiều khi, trẻ tự mở những kênh YouTube lên xem, nguy cơ giữa những video clip bổ ích là nhiều video clip với nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ... Điều đó thật đáng nguy hiểm!”.
“Giữa hàng loạt kênh YouTube mọc lên như hiện nay, các bậc phụ huynh có thể sẽ tìm hiểu và chọn lựa những nội dung để xem, còn đối với trẻ em, khi bố mẹ đưa cho một chiếc ipad hay smartphone là chỉ biết mở xem liên tiếp những video, có thể sẽ bấm vào những kênh nội dung không phù hợp.
Kênh YouTube từng khiến nhiều phụ huynh bức xúc trước những tiêu đề không phù hợp cho trẻ em. (Ảnh chụp màn hình). |
Đặc biệt, với những kênh “gắn mác” dành cho trẻ em, thoạt nhìn, bố mẹ sẽ yên tâm để con trẻ xem, nhưng khi đưa cho con xem, thì những nội dung lại hoàn toàn nguy hiểm đối với sự phát triển của trẻ... Tôi vẫn luôn khuyên phụ huynh nên dành thời gian cho con nhiều hơn là cho con chơi ipad, smartphone...”, cô Sâm chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, ông Lê Đình Nhân, Giám đốc phụ trách đào tạo, trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena cho rằng: “Những đứa trẻ ở khoảng 5-6 tuổi hiện nay được phụ huynh đưa cho những chiếc smartphone hoặc ipad, trong một khoảng thời gian “tự chơi” sẽ có thể click biết bao nhiêu lượt vào một video trên YouTube, chính những đứa trẻ đó khiến lượt xem tăng lên nhiều, vô hình chung lại góp phần mang đến lợi nhuận cho những kênh YouTube đó.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều người muốn lập thêm kênh YouTube và lợi dụng điều này để kiếm lợi nhuận”.
Luật an ninh mạng vẫn còn “lỗ hổng”
Theo ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, trường đại học Sư phạm Hà Nội, những nội dung không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội, đặc biệt trên YouTube có thể ảnh hướng rất lớn đến tâm lý của một đứa trẻ, bởi trẻ rất dễ thực hành theo cơ chế “bắt chước”...
Đồng tình với ý kiến đó, ông Lê Đình Nhân phân tích: “Vì trẻ em là người xem dễ dàng bị lợi dụng nên nhiều người muốn lập kênh YouTube dành cho trẻ em. Tuy nhiên, để duy trì một kênh YouTube không dễ dàng, khi những người xây dựng nội dung đã cạn ý tưởng, ngày càng gặp sức ép về ý tưởng sản xuất video, sẽ nảy ra những ý tưởng “xấu”, nội dung không phù hợp, có thể là “xúi bậy” trẻ em... Tất nhiên những nội dung như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Những video với nội dung không phù hợp chẳng khác nào đang “đầu độc” trẻ em. Trẻ xem xong những video kích động bạo lực, rất dễ bắt chước, rất dễ làm theo. Bên cạnh đó, những video với nội dung xấu như vậy sẽ tác động tiêu cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ, có thể hủy hoại một tương lai...
Hiện tại, trên YouTube, ở mỗi video sẽ có kèm xác nhận có dành cho trẻ em hay không, người đăng tải phải xác nhận. Nếu những kênh YouTube nào có một video bị ai đó báo cáo không phù hợp, kênh sẽ có thể bị vô hiệu hóa”.
“Tuy nhiên, lại có một vấn đề ở đây. Những video nếu được đăng tải lên mạng, sẽ được xử lý bởi trí tuệ nhân tạo, những người làm video vẫn có cách để “luồn lách”, thì video đó vẫn sẽ “qua mặt” được trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, rất có thể, một video có phần mở đầu phù hợp với trẻ em, với nội dung tích cực, lành mạnh, nhưng đoạn giữa đến cuối video lại toàn nội dung bạo lực, hay những trò nghịch dại, “xúi bậy” trẻ thì sao? Những bậc phụ huynh thường chỉ dành vài giây kiểm tra nội dung ở đầu video rồi yên tâm cho trẻ xem, nhưng nếu người thực hiện video muốn sử dụng “chiêu trò” như vậy thì sẽ thật khó phát hiện...
Ông Lê Đình Nhân, Giám đốc phụ trách đào tạo, trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena |
Vì vậy, tôi cho rằng, phụ huynh nên kiên nhẫn hơn, kiểm tra kỹ lưỡng, có thể “tua” đoạn giữa, đoạn cuối video để đảm bảo nội dung cho con mình xem là hoàn toàn phù hợp!”, ông chia sẻ.
Sau khi chỉ ra những tiềm ẩn đáng sợ đối với trẻ, vị đại diện trung tâm Athena nhấn mạnh: “Hiện nay, luật cũng chưa rõ ràng, chúng ta mới chỉ có khung luật An ninh mạng, còn nội dung về an ninh mạng đối với những sản phẩm dành cho trẻ em thì chưa được quy định rõ. Và theo tôi, những quy định đó là rất cần thiết!”.