Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sầm Sơn - Thanh Hóa: Hàng loạt gói thầu trúng sát giá, vốn đầu tư công có thất thoát?

Thời gian qua, trình trạng thầu trúng rất sát giá trong các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn (BQLDA TP Sầm Sơn) tổ chức đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhiều gói thầu có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng chênh lệch giá trúng thầu so với giá dự toán chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Điệp khúc trúng thầu sát giá

Năm 2019, BQLDA TP Sầm Sơn đã mời 86 gói thầu, công bố kết quả của 32 gói, trong đó 81 gói có kết quả mà không hề có Thông báo mời thầu hay Thông báo mời sơ tuyển (theo dữ liệu thống kê của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia). Đa số những gói thầu này đều có kết quả trúng thầu sát giá, phần lớn là rơi vào các gói thầu trong lĩnh vực xây lắp và điều này dường như đã xảy ra từ nhiều năm nay.

 BQLDA TP Sầm Sơn

Đơn cử, năm 2018, Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng DECO, Công ty CP xây dựng Long Thành Hưng, Công ty TNHH xây dựng Khánh Hưng trúng ba gói thầu do BQLDA TP Sầm Sơn tổ chức, mỗi gói trị giá hơn 5 tỷ đồng, trúng thầu thấp hơn so với giá dự toán lần lượt là: 2,6 triệu; 2,7 triệu và 3,7 triệu đồng.

 QĐ số 222/QĐ-UBND phê duyệt gói thầu do BQLDA TP Sầm Sơn tổ chức

Đến ngày 07/01/2019, ông Nguyễn Văn Quang, Phó giám đốc BQLDA TP Sầm Sơn ký thông báo số 19/CV-QLDA kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 4: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả mua sắm, lắp đặt thiết bị) thuộc dự án Khu tái định cư đồng Bông, đồng Sác, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng Vũ Phong - Công ty CP xây dựng và du lịch Như Vũ với giá trúng thầu là 77.943.018.000 đồng (tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách là 0,8%). Đặc biệt, trong danh sách nhà thầu không trúng thầu gói này có Tổng công ty CP Miền Trung với lý do: “Các nhân sự cán bộ kỹ thuật chưa có tài liệu chứng minh đã từng là cán bộ kỹ thuật 01 công trình tương tự”.

Nhưng ngay sau đó, Tổng công ty CP Miền Trung đã trúng một gói thầu tương tự tại dự án Khu tái định cư Đồng Hón, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn với giá trị là 69.526.838.000 đồng, cũng chỉ thấp hơn 57 triệu so với giá dự toán ban đầu.

Đến đây, dư luận thắc mắc: lý do trượt thầu đối với một doanh nghiệp đã từng thi công, xây lắp nhiều công trình như Tổng công ty CP Miền Trung là rất khó hiểu hay có “uẩn khúc” gì trong gói thầu số 4?

Hiện tượng trúng thầu sát giá cũng diễn ra tại hàng loạt các gói thầu khác, trong đó có Công ty CP Hưng Phát khi đơn vị này trúng thầu gói Cải tạo, nâng cấp đường Thanh Niên (đoạn từ chân núi Trường Lệ đến đường Tống Duy Tân), TP. Sầm Sơn với giá 51.818.529.433 đồng, thấp hơn 66.077.567 đồng so với dự toán ban đầu: 51.884.607.000 đồng. Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Luật Đấu thầu, một trong những điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu tham dự thầu là đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thế nhưng, không thể tìm ra bất cứ thông tin đăng ký nào của Công ty CP Hưng Phát. Mặt khác, hiện trường công trình thi công của đơn vị này hết sức bừa bãi và nguy hiểm khi có những đoạn không hề có biển cảnh báo hay hướng dẫn, nhiều hạng mục thi công nham nhở, rất mất mỹ quan và gây nguy hiểm thường trực cho người tham gia giao thông, nhất là khi tối trời.

 Hiện trường thi công đường Thanh Niên của Công ty CP Hưng Phát

Có một điểm chung ở đây là các gói thầu tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp đều do ông Phạm Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn ký phê duyệt.

Về những dấu hiệu bất thường dư luận quan ngại, luật sư Diệp Năng Bình phân tích, hành vi “thông thầu” có thể hiểu đơn giản là việc các bên dự thầu giàn xếp, thỏa thuận cùng hành động để một hoặc các bên trong số họ thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

“Khi đó chủ đầu tư sẽ không thể lựa chọn nhà thầu tốt nhất, hay chính chủ đầu tư đã “giàn xếp” kết quả thắng thầu để ăn chia với nhà thầu… Điều này sẽ gây thâm hụt ngân sách Nhà nước, ăn chặn tiền đầu tư dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác”, luật sư Bình chia sẻ.

“Những bất thường là bình thường”

Phóng viên đã liên hệ với UBND thành phố Sầm Sơn để làm rõ hơn vấn đề thì được giới thiệu sang Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn làm việc.

Tại buổi tiếp xúc khá cởi mở, ông Lê Huy Hưng – Giám đốc BQLDA TP Sầm Sơn cho biết: “Tất cả các dự án mà dư luận đặt nghi vấn, đều được tổ chức đúng theo các trình tự, quy định của Luật đấu thầu. Việc nhà thầu trúng sát giá là do năng lực bóc thầu của họ thôi. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các tài liệu Nhà báo yêu cầu”.

Sau đó, phía đơn vị này đã cung cấp các Biên bản, báo cáo và Quyết định có liên quan. Nhìn bề ngoài, những tài liệu này khá hợp quy và minh bạch khi có đầy đủ sự chứng kiến của các cơ quan theo quy định. BQLDA TP Sầm Sơn cũng đã đưa ra các tài liệu liên quan đến trình tự tổ chức hai gói thầu của Công ty CP Hưng Phát và Tổng Công ty CP Miền Trung.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ năng lực của hai nhà thầu trên thì đại diện BQLDA TP Sầm Sơn từ chối với lý do: “bảo mật và chờ xin ý kiến của cấp trên”. Theo quy định, hồ sơ năng lực các nhà thầu tham dự phải được công khai để đảm bảo tính khách quan và trung thực, tạo cơ chế giám sát rộng rãi.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân của việc này là bởi luật pháp chưa được thực hiện một cách nghiêm minh. Yếu tố con người cũng rất quan trọng, cần làm rõ có hay không sự móc nối giữa các nhà thầu và đơn vị mời thầu để cùng ăn chia hoa hồng”.

“Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ có những khuất tất như thế nào và kịp thời xử lý nghiêm, tránh dư luận xấu, ngăn chặn thất thoát ngân sách Nhà nước cũng như không để những gói thầu được phê duyệt dễ dàng, ảnh hưởng chất lượng công trình khi đi vào sử dụng”, ông Đào chia sẻ.

Tác giả: Lê Tuấn – Duy Trung

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật