Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Năm 2020, những ai phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?

Từ năm 2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước. Trình tự cấp thẻ Căn cước công dân đã được Bộ Công an sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 48/2019/TT-BCA có hiệu lực. Vậy ai phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?

 Năm 2020, những ai phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?. (Ảnh minh họa)

Căn cước công dân dùng để làm gì?

Giống với chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân được cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi và là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam (khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân).

Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân còn được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu.

Ngoài ra, Căn cước công dân được xuất trình khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu để kiểm tra về căn cước.

Lưu ý, khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin trong thẻ Căn cước.

Ai phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân?

Theo quy định tại Luật số 59/2014/QH13 – Luật căn cước công dân đã quy định nhũng mốc tuổi cần phải đi đăng ký chuyển đổi chứng minh nhân dân thành căn cước công dân.

Cụ thể, thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Cần lưu ý độ tuổi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi để thay đổi chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân như quy định, trừ trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các mốc tuổi quy định nêu trên.

Ngoài ra, các trường hợp sau cũng phải đổi chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân:

- Chứng minh nhân dân hết hạn

- Bị mất chứng minh nhân dân

- Chứng minh nhân dân hư hỏng, không sử dụng được

- Người thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh

- Người thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Người có thay đổi đặc điểm nhận dạng

Khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Bằng lái xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Cách để xác nhận chứng minh nhân dân khi chuyển sang Căn cước công dân

Theo đó, khi đổi từ chứng minh nhân dân 9 số sang Căn cước công dân sẽ được cấp số mới (chứng minh nhân dân 12 số được giữ nguyên số), do vậy, muốn xác nhận chứng minh nhân dân và Căn cước công dân, có thể dùng 2 cách.

Cách 1, dùng chứng minh nhân dân cắt góc.

Trước đây, khi chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân, trường hợp chứng minh nhân dân còn rõ nét (ảnh, số chứng minh nhân dân và chữ) sẽ được cắt góc phía trên bên phải mặt trước của chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục.

Song, từ ngày 18/11/2019, trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân sẽ chưa cắt góc chứng minh nhân dân mà được dùng để sử dụng trong thời gian này (khoản 4 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA).

Thay vào đó, khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ cùng với chứng minh nhân dân và lúc này mới tiến hành cắt góc chứng minh nhân dân trả cho người đến nhận thẻ Căn ước công dân.

Ngoại trừ trường hợp, công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước qua bưu điện thì mới cắt góc chứng minh nhân dân ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.

Theo đó, chứng minh nhân dân bị cắt góc sẽ không còn giá trị pháp lý nhưng được dùng để chứng minh chứng minh nhân dân loại 9 số nếu công dân đã chuyển sang Căn cước công dân trong khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng và các giao dịch khác...

Cách 2, dùng Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân.

Theo đó, cũng từ ngày 18/11/2019, tất cả các trường hợp chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân đều sẽ được cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân.

Trước đây, công dân có yêu cầu cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân khi chuyển sang thẻ Căn cước công dân phải điền “Có” vào mục 22 tại Tờ khai Căn cước công dân, hiện nay thì không cần nữa (Mẫu Tờ khai Căn cước công dân đã được thay đổi từ ngày 18/11/2019 theo Thông tư 41/2019/TT-BCA).

Theo đó, Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân được trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, ngoài việc dùng chứng minh nhân dân cắt góc thì người dân còn có thể sử dụng Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân để đối chiếu chứng minh nhân dân cũ và thẻ Căn cước công dân là của một người.

Lưu ý, trường hợp chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số chứng minh nhân dân và chữ) sẽ bị thu, hủy và được cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân nên dù trong bất cứ tình huống nào, người dân vẫn sẽ được cấp Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân để sử dụng.

Tác giả:Hoàng Mai

Nguồn tin: Báo Người đưa tin