Thực hiện Luật Giáo dục Đại học: Siết xử phạt vi phạm!
- 10:52 10-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nếu các cơ sở sai phạm, Bộ sẽ phối hợp với Công an xử lý nghiêm. Ảnh minh họa |
Hội đồng trường phải có thực quyền!
Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi (Luật 34) có một quy định đặc biệt được quan tâm, đó là những việc trước đây mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hay Bộ chủ quản chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở ĐH thông qua cơ chế giao quyền cho Hội đồng trường (HĐT).
Như vậy, HĐT sẽ có thực quyền và là yếu tố cốt lõi để đẩy mạnh tự chủ GDĐH. Việc này được kỳ vọng sẽ nâng chất GDĐH Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, HĐT phải thực quyền, thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống.
Hiện nhiều lý do mà HĐT tại nhiều cơ sở GDĐH chưa thực quyền nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt. Để triển khai Luật 34 và Nghị định 99, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu một số nhóm vấn đề quan trọng cần được thống nhất thực hiện. Một là cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường đại học trong đại học, điều kiện để từ trường đại học sang đại học… Hai là, liên quan đến thiết chế đó là HĐT.
ADVERTISEMENT
“HĐT phải thực quyền, chỉ khi thực quyền thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện nhiều HĐT chưa thực quyền nhưng khi luật hóa như hiện nay thì không thể còn tình trạng này. Cơ quan chủ quản tránh tình trạng can thiệp hành chính vào HĐT vì tính tự chủ, trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, tên giao dịch quốc tế của cơ sở GDĐH cần phải thống nhất, nếu không thống nhất thì rất khó để hội nhập. Hơn nữa, tự chủ đại học không đơn thuần là trường thực hiện tự chủ hay cán bộ quản lý mà tinh thần tự chủ phải được từng giảng viên, từng đơn vị trong cơ sở GDĐH hiểu đúng, hiểu đủ. Tự chủ không phải chỉ với cơ sở GDĐH mà phải ngấm đến từng bộ phận, từng giảng viên.
Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết, các quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới HĐT. Theo đó, nhiệm kỳ của HĐT được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của HĐT.
Như vậy, đối với hiệu trưởng, Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao nhiêu năm, nhưng HĐT sẽ quyết định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ của HĐT. Quy định này đã nêu rất là rõ trong Luật.
Băn khoăn HĐT
Vụ trưởng Vụ GDĐH cũng chia sẻ một số vấn đề khác liên quan đến HĐT, như thẩm quyền công nhận HĐT của các trường
đại học thành viên, việc thành lập HĐT chưa đúng quy định của Luật hiện hành nhưng chưa hết nhiệm kỳ sẽ được giải quyết như thế nào. “Nghị định 99 quy định rằng tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở GDĐH phải thành lập HĐT theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập HĐT phải xong”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý.
Tuy nhiên, việc triển khai HĐT đang còn nhiều vướng mắc. PGS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho hay, trường này hiện chưa có HĐT và đang chuẩn bị thực hiện theo đúng quy định. Theo PGS Diệu, trường tư thục có 3 thành phần gồm nhà đầu tư, thành viên trong trường (đại diện giảng viên và người lao động) và thành viên ngoài trường.
Trong đó, nhà đầu tư quyết định đầu vào và thành viên ngoài trường cũng do hội nghị của nhà đầu tư quyết định. Tuy nhiên, theo PGS Diệu, trong hướng dẫn triển khai, cơ quan quản lý trực tiếp đương nhiên là thành viên ngoài trường trong HĐT, vậy có đúng?
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng bày tỏ sự băn khoăn khi trường nằm trong hệ thống của ĐHQG TP HCM, vậy các thành viên của hai HĐT có trùng nhau hay không?
Còn GS Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch HĐT ĐH Thủy lợi cho rằng, để thực hiện tốt chủ trương tự chủ thì cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. Vì hiện nay các trường thuộc Bộ GD-ĐT được chỉ đạo của Bộ trưởng thì rất thuận lợi; còn các trường thuộc bộ, ngành khác phải chấp hành rất nhiều văn bản quy định riêng của từng bộ, ngành nên rất khó cho việc thực hiện.
Đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ; công tác thống nhất cơ cấu nhân sự HĐT. Cụ thể, Quy định 105 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã nêu quy trình bổ nhiệm rất rõ; hay theo quy định về quản lý công chức thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng là công chức.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thì lại không hề nhắc gì tới quy trình trên. Vậy các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Trường Đại học Thủy lợi sẽ phải làm sao?
Tác giả: Uyên Na
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam