Chuyện về bộ ba huyền thoại làm nên thành công của "Ván bài lật ngửa"
- 08:54 09-01-2020
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín
|
Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín đã qua đời ngày 4/1/2020 hết sức bất ngờ và đột ngột. Vợ của nghệ sĩ, ca sĩ Bích Trâm chia sẻ với báo chí và đồng nghiệp của chồng rằng nam tài tử chỉ bị một vài bệnh phổ biến của người có tuổi, nhưng anh đi khám và uống thuốc đều, không có gì nguy hiểm tới tính mạng. Vài hôm trước, anh có bảo thỉnh thoảng bị nhói ở tim, nhưng không có gì nguy hiểm cả. Sáng 4/1/2020, chị Bích Trâm qua phòng chồng lay anh dậy thì anh đã ra đi từ lúc nào.
Các nghệ sĩ đến viếng như Hữu Nghĩa, Quyền Linh đều nói họ vô cùng sốc trước sự ra đi của nghệ sĩ Chánh Tín, vì anh vẫn rất phong độ, thậm chí có nhiều dự định làm phim cũng như gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ Hữu Nghĩa nói: “Anh Chánh Tín ra đi trong giấc ngủ say, không đau đớn gì, nhưng đối với tất cả mọi người, đây là sự mất mát quá lớn lao”.
Nghệ sĩ Chánh Tín là một tài năng đa dạng, anh là ca sĩ, có sáng tác âm nhạc, làm đạo diễn, đầu tư sản xuất phim, song anh được yêu mến nhất trong vai Đại tá tình báo chiến lược Nguyễn Thành Luân phim “Ván bài lật ngửa”. Đây là bộ phim trinh thám, dài 8 tập, có chất lượng nghệ thuật rất tốt, được sản xuất trong giai đoạn kinh tế đất nước vô cùng khó khăn.
Quyền Linh nói: “Không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta, trong tâm khảm đều tràn ngập hình ảnh đẹp đẽ của người anh hùng Nguyễn Thành Luân”. Quyền Linh cũng nói: “Cuộc đời Chánh Tín là một bức tranh đẹp”.
Nhiều nghệ sĩ đến viếng, khi ngắm nhìn khuôn mặt của Chánh Tín lần cuối, cũng thấy nam nghệ sĩ ra đi hiền hậu, nhẹ nhàng và đẹp như trong một giấc ngủ say ở tuổi 68. Tang lễ của Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín kéo dài từ ngày 4-8/1/2020 để chờ con trai anh từ Canada trở về nhìn mặt cha lần cuối. Thi hài của nghệ sĩ Chánh Tín được hỏa táng.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa
|
Đạo diễn bộ phim “Ván bài lật ngửa” Lê Hoàng Hoa mất vào ngày 30/7/2012 cũng hết sức bất ngờ. Thời điểm đó, Lê Hoàng Hoa hoàn toàn khỏe mạnh, ông đang định cư ở nước ngoài và về Việt Nam để chuẩn bị làm một bộ phim mà ông ấp ủ bấy lâu. Về nước, ông sống một mình trong căn nhà của mình tại quận 3, TPHCM, bên cạnh không có ai.
Lê Hoàng Hoa rất yêu thích võ thuật và ông là đạo diễn cho bộ phim “Ván bài lật ngửa” với những pha võ thuật kinh điển của điện ảnh Việt Nam, song ông lại vướng vào một tai nạn hy hữu là trượt chân trên sàn nhà và ngã vào cái quạt nên bị gãy chân. Do xung quanh không có ai, ông gọi điện cho người thân đến đưa đi bệnh viện.
Theo người thân của đạo diễn thì sau đó Lê Hoàng Hoa đã ra đi rất bất ngờ. Số là anh được đưa vào một bệnh viện tư để mổ ghép lại xương. Trao đổi với chính người viết bài này, ông Cảnh là em kết nghĩa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa lúc đó kể lại: “Đại phẫu xong, anh Lê Hoàng Hoa vẫn khỏe, ăn cháo, đòi uống cô-ca. Tự dưng khoảng 10 tiếng sau anh mệt mỏi, khó thở, đi vào hôn mê. Gia đình chuyển anh sang bệnh viện viện 115 (của nhà nước), nhưng không cứu được nữa”.
Nghe tin cha bị tai nạn, con của ông từ nước ngoài cũng bay về Việt Nam. Khi đó, Lê Hoàng Hoa cũng đã hôn mê, song nghe tiếng con, ông vẫn rơi nước mắt. Thi hài của đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng được hỏa táng.
Nhà văn Trần Bạch Đằng
|
Bộ phim “Ván bài lật ngửa” đã đoạt Giải đặc biệt của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983. Một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim chính là kịch bản bộ phim rất hấp dẫn và giàu hình tượng, kịch bản đã được viết dựa vào bản thảo cuốn tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” (Sau đổi tên thành "Ván bài lật ngửa") của nhà văn Trần Bạch Đằng (Bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý).
Cuốn truyện được tác giả Trần Bạch Đằng đề tặng: "Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng". Trần Bạch Đằng đã từng giải thích Chín T, tức là Chín Thảo (Phạm Ngọc Thảo).
Hình ảnh Đại tá tình báo chiến lược Nguyễn Thành Luân xuyên suốt bộ phim “Ván bài lật ngửa” chính là hình ảnh Nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo, người anh hùng đã bị địch thủ tiêu năm 1965.
Ông Trần Bạch Đằng từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng như bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam…
Nhà văn Trần Bạch Đằng mất ngày 16/4/2007 thọ 82 tuổi. Có câu: “Thất thập cổ lai hy”, người thọ 70 đã là hiếm, song với nhà văn Trần Bạch Đằng, một trí thức lớn và một người tâm huyết với sự phát triển của đất nước, sự ra đi của ông lúc đó cũng gây ra sự sững sờ, tiếc nuối lớn. Bởi lúc ấy ông vẫn thường được các báo đặt bài viết nhiều đề tài hay và đông người đọc.
Nghe tin Trần Bạch Đằng qua đời, nhà thơ Trần Thanh Thảo viết: “Dù bây giờ Việt Nam đã gia nhập WTO, đã hội nhập vào thế giới, thì vẫn còn biết bao việc phải làm để “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ và văn minh”. Trong cuộc đấu tranh đầy gian khó ấy, cần biết bao những “ngòi bút có lửa” như ngòi bút Trần Bạch Đằng. Sự ra đi đột ngột của ông chắc chắn sẽ để lại một khoảng trống, một sự hụt hẫng trong “làng báo” nước nhà”.
Đám tang của Trần Bạch Đằng có 577 đoàn đến viếng. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi trong số tang: "Anh là đồng chí, là nhà cách mạng kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ và giàu nghị lực. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoài bão của anh".
Sự ra đi của Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín cũng là sự ra đi cuối cùng của bộ ba huyền thoại đã làm nên bộ phim “Ván Bài Lật Ngửa” là nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diên Lê Hoàng Hoa, diễn viên Nguyễn Chánh Tín.
Bộ ba Trần Bạch Đằng, Lê Hoàng Hoa, Nguyễn Chánh Tín cùng với các nghệ sĩ khác để lại cho cuộc đời tác phẩm lớn “Ván bài lật ngửa”, tác phẩm đã vinh danh điện ảnh và con người Việt Nam.