Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiền làm Sổ đỏ năm 2020 thay đổi thế nào?

Bảng giá đất được ban hành định kỳ 5 năm một lần tại các tỉnh, thành phố, mục đích ban hành bảng giá đất, khung giá đất và giá đất cụ thể được Luật đất đai năm 2013 quy định. Năm 2020, bảng giá đất sẽ thay đổi, theo đó tiền làm Sổ đỏ cũng có sự thay đổi tương ứng.

 Có bảng giá đất mới, tiền làm Sổ đỏ năm 2020 sẽ thay đổi thế nào?. (Ảnh minh họa)

Bảng giá đất được sử dụng để làm gì?

Bảng giá đất là Bảng tập hợp các mức giá đất cho mỗi loại đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố trên cơ sở quy định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.

Theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại Khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013 có quy định bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:

- Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.

- Tính thuế sử dụng đất.


- Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

- Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

- Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.

- Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Bảng giá đất của các địa phương hiện nay (giai đoạn 2014 - 2019) đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Vì vậy, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng bảng giá đất mới cho giai đoạn 2020 – 2024.

Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020-2024 được tính từ ngày 19/12/2019 với mức điều chỉnh tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019.

Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Ở khu vực này, khung giá đất mới quy định giá đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 65 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Giá đất khu vực này được quy định với các loại đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 162 triệu đồng/m2, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2.

Với nhóm các tỉnh vùng Bắc Trung bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có khung giá tối đa là 65 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2.

Giá đất đô thị từ loại I đến loại V của vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận được quy định ở mức tối đa là 76 triệu đồng/m2, tối thiểu 50 nghìn đồng/m2.

Tại vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, khung giá đất đô thị tối đa là 48 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2.

Vùng Đông Nam bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM. Ở đây, mỗi mét vuông đất đô thị từ loại I đến loại V có mức giá tối đa là 162 triệu đồng, tối thiểu là 120 nghìn đồng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau có khung giá đất đô thị từ loại I đến loại V, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2.

Các loại chi phí làm Sổ đỏ

Khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), người có yêu cầu phải nộp một số khoản tiền nhất định, gồm: Lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ, tiền sử dụng đất (nếu có).

Theo Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP lệ phí trước bạ khi làm Sổ đỏ được tính như sau:

Lệ phí trước bạ phải nộp = (Giá đất tại Bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%

Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký QSDĐ xác định và cung cấp cho cơ quan Thuế.

Ngoài ra, khi làm sổ đỏ, người có yêu cầu thuộc một số trường hợp sau thì phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp 1, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân được cấp Sổ đỏ và phải nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 02 điều kiện sau:

- Đang sử dụng đất không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai.

- Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Sổ.

Tiền sử dụng đất phải nộp khi làm Sổ đỏ áp dụng với trường hợp 1 được hướng dẫn tại đây.

Trường hợp 2, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014 khi được cấp Sổ đỏ mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì phải thực hiện nộp tiền.

Cụ thể:

- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở (giao đất mới) từ ngày 15/10/1993 - 1/7/2004, nếu được cấp Sổ mà chưa nộp tiền thì phải nộp với mức tiền như sau:

+ Nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá đất ở tại thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Sổ theo giá đất tại Bảng giá đất.

+ Nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở tại thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Sổ theo giá đất cụ thể.

- Hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước giao đất làm nhà ở (giao đất mới) từ sau ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014, nếu được cấp Sổ mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp với mức tiền như sau:

+ Nếu tiền sử dụng đất phải nộp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và thông báo và phù hợp với quy định thì được tiếp tục nộp tiền sử dụng đất theo mức đã được thông báo và phải nộp tiền chậm nộp.

+ Nếu tiền sử dụng đất phải nộp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và thông báo, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì nộp theo xác định của cơ quan thuế…

Theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí cấp Sổ đỏ thực hiện theo mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Ngoài các khoản tiền phải nộp trên, khi xin cấp Sổ đỏ, người có yêu cầu phải nộp các khoản phí khác như: Phí đo đạc, phí thẩm định thửa đất… mức thu tùy theo quy định cụ thể của từng địa phương.

Như vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng cũng khiến nhiều phí, lệ phí liên quan đến bất động sản tăng theo.

Tác giả: Hoàng Mai

Nguồn tin: Báo Người đưa tin