Vì sao nhiều thầy cô 'nhúng chàm'?
- 11:19 30-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên tiếp các vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo
Vụ việc Hiệu trưởng Trường nội trú ở Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt vì dâm ô với nhiều học sinh nam; thầy giáo ở Gia Lai bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi hiếp dâm một học sinh xảy ra vào cuối năm 2018 chưa lắng xuống thì đầu năm 2019, xã hội lại “choáng váng” trước thông tin một thầy giáo Trường THCS Thượng Hà 2, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai xâm hại học sinh nữ bán trú ngay tại trường nhiều lần, dẫn đến có thai.
Đến cuối tháng 10/2019, vụ việc một giáo viên 55 tuổi của Trường THPT Sóc Sơn, thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị tố có quan hệ tình dục với một nữ sinh lớp 12 từ khi em đang học lớp 10 tiếp tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh thân mật của thầy giáo này và học sinh nữ, kèm theo đó là bản “Tự nguyện yêu thầy” được cho là do chính học sinh nữ này viết. Dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng vụ việc này đã gây “sốc” với rất nhiều phụ huynh.
Tháng 10/2019, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa ra xét xử bị cáo Đinh Bằng My, cựu Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn về tội danh “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian cuối năm 2016 - 2018, với vai trò là Hiệu trưởng, ông My đã nhiều lần gọi các nam sinh của trường lên phòng làm việc để hỏi thăm hoặc nhắc nhở. Tại đây, ông My đã có hành vi xâm hại tình dục các nam sinh. Cơ quan điều tra đã xác định có đến 9 nam sinh của trường bị ông My xâm hại, trong đó, nạn nhân nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005.
Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo My tổng cộng 8 năm tù về hai tội và buộc phải bồi thường từ 17 đến 20 triệu đồng/bị hại.
Bên cạnh đó, các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh hay cư xử không đúng chuẩn mực với học sinh cũng liên tục được truyền thông đăng tải, như: Một cô giáo ở Trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng tát, đánh nhiều học sinh lớp 2 trong giờ kiểm tra; một cô giáo ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP HCM nhiều lần dùng thước đánh vào người, nhéo tai, tát tai và mắng chửi các học sinh; cô giáo Trường Tiểu học C, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu chấm bài xong, quăng vở học sinh xuống bục giảng rồi gọi các em lên nhặt vở...
Giáo viên cần có kĩ năng quản lý cảm xúc
Trong một buổi giao lưu trực tuyến mới đây về đạo đức nghề giáo, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, người làm nghề giáo cũng là một người bình thường, có áp lực, có cảm xúc, tình cảm. Thế nhưng, người thầy cần phải nỗ lực, cố gắng hằng ngày, hằng giờ để không chỉ bảo vệ uy tín của bản thân mình và còn bảo vệ được vị thế, uy tín của danh từ chung “thầy, cô giáo”.
“Và hiện nay, giáo viên cần học được kĩ năng lắng nghe học sinh; không chỉ lắng nghe bằng đôi tai mà phải bằng con mắt, bằng trái tim để hiểu cảm xúc đằng sau lời nói của các em. Người giáo viên cũng cần biết tại sao học sinh của mình lại ứng xử sai. Mục đích của hành vi ứng xử sai bản chất của nó là gì.
Ví dụ như, hành vi đó do các em đang thiếu kĩ năng, đang muốn tìm kiếm sự chú ý; hay đó là do các em sợ hãi và muốn thoái thác nhiệm vụ mà các em nghĩ mình sẽ không đáp ứng được kì vọng của người giáo viên…, để từ đó đưa ra hình thức động viên, khuyến khích phù hợp” - PGS TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, “nguyên nhân gốc rễ có lẽ là kĩ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên trong những tình huống thực tiễn. Tôi tin rằng, các thầy cô đều hiểu biết rất rõ về các quy định; biết mình cần làm gì, làm thế nào trong các tình huống ứng xử với học sinh.
Do đó, ở trong những điều kiện cụ thể, tình huống cụ thể, khi hành vi của học sinh cũng “leo thang”, làm giáo viên không đủ bình tĩnh để đưa ra những quyết định một cách chính xác. Mỗi người đều có những “điểm sôi” cảm xúc và trong một số tình huống, giáo viên không thể dừng lại ở “điểm sôi” cảm xúc dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra”.
Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như áp lực cuộc sống, áp lực nghề nghiệp. Bên cạnh đó, giáo viên còn bị áp lực bởi kì vọng của cha mẹ học sinh, xã hội, với công việc của mình.
PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ, hiện nay lại càng cần khẳng định nghề giáo là nghề cao quý vì họ giáo dục nhân cách bằng chính nhân cách của mình. Và trong các nghề quan trọng như bác sỹ, luật sư họ đều có Bộ quy điều đạo đức hành nghề.
Tại sao chúng ta không xây dựng Bộ quy điều đạo đức hành nghề nói chung cho nhà giáo khi vấn đề này đang rất được quan tâm, xuất phát từ những giá trị căn cốt. Việc đưa ra quy điều đạo đức hành nghề vừa giúp bảo vệ nhà giáo, vừa thể hiện tính chuyên nghiệp của nghề giáo.
Còn thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân, Trường THPT Phúc Đồng cho biết, đạo đức của nhà giáo được quy định bởi 4 tiêu chí chính. Đó là phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống phong cách và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
Đối với đội ngũ các nhà giáo, đại đa số là các nhà giáo có tư cách đạo đức tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, có phong cách, lối sống giản dị phù hợp với nghề và luôn bảo vệ truyền thống đạo đức đã được cha ông ta gây dựng từ ngàn đời về đạo đức nhà giáo.
Nhà giáo tôn trọng các giá trị của mỗi học sinh cũng như quyền riêng tư, đảm bảo tính bảo mật và quyền tự quyết của học sinh. Cân bằng và kiểm soát cảm xúc, tránh kiệt sức hoặc tổn thương sức khỏe tinh thần.
Có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Bản thân nhà giáo cũng cần xem việc tự cân bằng là một nguyên tắc đạo đức để họ có thể phục vụ tốt cộng đồng, vì thực tế nhiều việc xảy ra là do họ không biết cách tự chăm sóc, không cân bằng, kiểm soát được tốt cảm xúc bản thân mình.
Liên quan đến vấn đề đạo đức giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành, trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức, quy tắc ứng xử của đội ngũ giáo viên. Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đã bổ sung những quy định về đạo đức nhà giáo. Theo đó, tại Điều 67 của Luật Giáo dục 2019 đã quy định về tiêu chuẩn nhà giáo: Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm… Điều 69 có quy định về nhiệm vụ của nhà giáo: gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo; giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học; học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học… |