Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ tướng nhất trí với kiến nghị tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông

“Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 28/12.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tắt sóng 2G, hỗ trợ máy 4G – sẵn sàng cho “công dân điện tử”

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu viễn thông năm 2019 đạt gần 470.000 tỷ đồng. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).

Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, 3G triển khai từ năm 2009 và 4G triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hoá năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới.

“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để a lô. Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc “muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

“Làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2019, kiểm điểm lại thì thấy Bộ TT&TT có nhiều tiến bộ, đã giữ lời nói đi đôi với việc làm. Ngành đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là cạnh tranh nhân tài và công nghệ hay các thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng…

Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ TT&TT nhận nhiệm vụ là cơ quan thường trực về chủ trương xây dựng chính phủ điện tử và đã làm được một số việc như vừa khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt còn tồn tại như: Mạng viễn thông chậm chuyển đổi sang hạ tầng số, tỷ lệ người dùng dữ liệu di động chưa cao; Vấn đề an ninh an toàn mạng còn nhiều bất cập... "Trong lĩnh vực báo chí, hoạt động của một số tờ báo chưa đúng tôn chỉ, mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đánh hội đồng" - Thủ tướng nói - "Việc đưa nhiều thông tin tiêu cực đã làm suy giảm năng lượng tích cực của xã hội, chưa tạo nên một khát vọng trong xây dựng đất nước, những thông tin xấu độc gây nhiễu làm cho người dân, xã hội thiếu niềm tin nên chúng ta phải khắc phục tốt hơn."

Thủ tướng nhấn mạnh: "Muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số. Bộ TT&TT có trách nhiệm lớn lao, góp phần mang vinh quang cho Tổ quốc, cho nên có thể nói thông tin và truyền thông được ví như mặt trận không bao giờ im tiếng súng."

Năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng cho rằng Bộ TT&TT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Bên cạnh đó, thứ hạng chính phủ điện tử của Việt Nam còn khiêm tốn, Bộ TT&TT có nhiệm vụ đưa thứ hạng này tăng lên.

Về lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, phải xây dựng mạng lưới chuyển sâu rộng tới từng hộ gia đình, tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển.

  Thủ tướng thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel

Với lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi. Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ TT&TT về tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới, để 100% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, bổ sung tần số 4G để nâng cao chất lượng mạng lưới.

“Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, đề nghị Bộ TT&TT tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G” -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tác giả: Bùi Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam