Thủ tục xét thăng hạng giáo viên mới nhất
- 11:19 25-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hình minh hoạ. |
Giáo viên (GV) có bắt buộc phải thăng hạng không?
Có thể khẳng định, GV không bắt buộc phải thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Điều 31 Luật Viên chức (VC) hiện nay nêu rõ: "VC được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp (CDNN) nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra, tại Thông tư 28, việc cử GV dự xét thăng hạng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu CDNN, nhu cầu của cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương. Như vậy, có thể thấy, chỉ khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và GV có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì mới được xét thăng hạng chức danh.
Có 3 điều kiện để GV được xét thăng hạng
Theo phân tích ở trên, chỉ khi GV đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm mà CDNN mình muốn thăng hạng yêu cầu thì mới được đề nghị xét thăng hạng.
Cụ thể, tại điều 3 Thông tư 28 nêu rõ: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của CDNN ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng; Được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ; Có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, không trong thời gian bị thi hành án kỷ luật hoặc thông báo xem xét xử lý kỷ luật…; Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của CDNN ở hạng đăng ký dự xét:
GV mầm non hạng II: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng GV mầm non hạng II… (Thông tư liên tịch 20); GV tiểu học hạng III: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; Có chứng chỉ bồi dưỡng GV tiểu học hạng III… (Thông tư liên tịch 21); GV trung học cơ sở hạng II: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm với GV trung học cơ sở, có trình độ ngoại ngữ bậc 2…
Trong đó, GV đại học công lập ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên thì còn phải: Đang giữ CDNN giảng viên hạng III nếu muốn xét thăng hạng lên giảng viên chính hạng II; Đang giữ chức danh giảng viên chính hạng II nếu muốn xét thăng hạng lên giảng viên cao cấp hạng I.
Đặc biệt: Tính đến ngày 31-12 của năm tổ chức xét thăng hạng, nếu GV nam từ đủ 55 tuổi trở lên, GV nữ từ đủ 50 tuổi trở lên thì được miễn xét ngoại ngữ, tin học.
Thủ tục xét thăng hạng GV mới nhất
Hồ sơ cần chuẩn bị: Theo điều 10 Thông tư số 12, hồ sơ cần chuẩn bị để xét thăng hạng giáo viên gồm: Đơn đăng ký xét thăng hạng CDNN; Sơ yếu lý lịch của GV, có xác nhận của cơ quan sử dụng hoặc quản lý GV; Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan sử dụng viên chức không giữ chức vụ quản lý hoặc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức quản lý; Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu do cơ quan có thẩm quyền chứng thực; Các yêu cầu khác…
Quy trình tổ chức xét thăng hạng
Theo quy định tại Công văn số 3124, việc tổ chức xét thăng hạng được thực hiện theo quy trình: Các đơn vị sự nghiệp thông báo tới tất cả GV kế hoạch tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT; Tổ chức thu nhận hồ sơ, sơ tuyển và lập danh sách cùng hồ sơ GV dự xét thăng hạng gửi về Bộ GDĐT; Bộ GDĐT thành lập Hội đồng xét thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng đối với GV thông qua xét hồ sơ hoặc xét hồ sơ và sát hạch.
Cách xác định GV đạt yêu cầu
Theo điều 6 Thông tư số 28 thì hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, gồm điểm chấm hồ sơ và điểm tăng thêm, không được làm tròn số khi cộng điểm.
GV được thăng hạng khi có đủ các điều kiện: Có đủ hồ sơ kèm theo các minh chức; Kết quả xét hồ sơ phải đạt 100 điểm trở lên; với trường hợp xét hồ sơ và sát hạch thì xét điểm hồ sơ 100 điểm trở lên và điểm sát hạch phải đạt tối thiểu 10 điểm. (Lưu ý, Không bảo lưu kết quả cho kỳ thi xét thăng hạng lần sau)
Hướng dẫn cách xếp lương cho GV đã được xét thăng hạng
Đây là một trong những điều GV khi thăng hạng quan tâm nhất. Theo quy định tại mục II Thông tư số 02 như sau: Chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ: Căn cứ vào tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới; Tổng hệ số lương và phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn bậc cuối cùng trong ngạch mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới. Ngoài ra, còn được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu.
Tác giả: Thanh Hải – Kỳ Lâm
Nguồn tin: Pháp Luật Plus