Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chỉ thị số 32

Sáng nay (19/12), tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa VI.

Đ/c Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đ/c Ủy viên TƯ Đảng: Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Lê Hồng Quang - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy Trung ương, 63 tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tại Nghệ An, Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 Tại điểm cầu Nghệ An.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ: Để có một cách nhìn toàn diện, sâu sắc về những tồn tại, hạn chế, đúc rút các bài học kinh nghiệm của cả chặng đường 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32, xác định chính xác, đầy đủ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này trong giai đoạn mới, việc tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 là hết sức cần thiết.

Việc tổng kết, đánh giá 15 năm Chỉ thị số 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả tổng kết Chỉ thị số 32 sẽ góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.

 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. (Anh VGP)

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, hội nghị tập trung vào một số nội dung chủ yếu như đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32, thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư;

Cho ý kiến dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 32 và định hướng những nội dung chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dụcpháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu tập trung, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn để cho ý kiến, trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; phân tích, nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra từ đó đề xuất định hướng, nhiệm vụ nhằm tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL trong thời gian tới, bảo đảm cho công tác này ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 Toàn cảnh hội nghị. (Anh VGP)

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng và xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm. Riêng năm 2018, có trên 6,6 vụ việc vi phạm hành chính, giảm 21,1% so với năm 2017. Tổng số đối tượng bị xử phạt, giảm khoảng 16% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, đã có 8.805 xã/11.147 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm tỷ lệ 79%. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị số 32 vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, nhất là công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật chưa được quan tâm đúng mức ở 1 số cơ quan, tổ chức; việc định hướng nội dung phổ biến pháp luật chưa sát với thực tiễn; kinh phí dành cho công tác nảy chưa được đáp ứng nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn….

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện chỉ thị số 32 của Ban bí thư TƯ; những hạn chế và tồn tại trong quá trình thực hiện, đặc biệt để thực hiện 9 nhiệm và giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các thành viên đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn chỉ thị số 32 của Ban bí thư TƯ Đảng khóa IX cho giai đoạn mới.