Tuyến đường sắt 'huyền thoại' bị bỏ quên
- 09:32 15-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuyến đường sắt từng một thời là huyết mạch nối liền miền xuôi với miền ngược |
Huyết mạch nối hành lang Đông – Tây của xứ Nghệ
Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tuyến đường sắt được xây dựng từ Ga Cầu Giát (thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đến Ga Nghĩa Đàn (thuộc huyện Nghĩa Đàn, nay là TX Thái Hòa, Nghệ An) được xây dựng đưa vào hoạt động.
Cùng với chủ trương di dân lên miền Tây để xây dựng kinh tế, tuyền đường sắt là mạch nguồn duy nhất để vận chuyển người và hàng hóa nhanh nhất từ Phủ Quỳ xuống Quốc lộ 1A. Tuyến đường sắt có tổng chiều dài 32 km, với điểm đầu ở Ga Cầu Giát được thông với đường sắt Thống Nhất.
Thời gian này, tuyến đường sắt còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí từ đồng bằng lên khu vực Nghĩa Đàn, sau đó theo đường rừng vào Nam, phục vụ cho cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn ác liệt.
Thời đó, vùng đất Phủ Quỳ là vùng đất đỏ badan lớn nhất nhì cả nước, nơi đây mọc lên những nông trường, lâm trường làm kinh tế, với nhiều hàng hóa như cam, quýt, cà phê, cao su… Những hàng hóa này nếu muốn chở về xuôi để tiêu thụ nếu không muốn đi bằng xe đạp thồ theo tuyến đường Tỉnh lộ 537 (nay là Quốc lộ 48) thì tàu từ Ga Nghĩa Đàn về Ga Cầu Giát là giải pháp tối ưu và nhanh nhất.
Ngoài ra, để vận chuyển những hàng hóa như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép, xi măng… phục vụ người dân khu vực Tây Bắc xứ Nghệ, tàu hỏa cũng là phương tiện duy nhất và hiệu quả nhất. Nhu cầu thời đó rất cao, nên mỗi ngày có hàng trăm lao động tại các ga và gác chắn để phục vụ cho tàu thông suốt cũng như xuất phát và cập ga đúng giờ.
Ông Nguyễn Hồng Duy (72 tuổi, trú tại Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu) nhớ lại, thời điểm đỉnh cao nhất của tuyến đường sắt này là những năm thập niên 90 khi cả nước rộ lên phong trào đào đá đỏ ở Quỳ Châu.
Ông Duy cho biết, thời điểm đó, mỗi ngày chỉ có 1 đôi tàu khách lên xuống nhưng khi nào cũng chật cứng khách. Có thời điểm một ngày ga Nghĩa Đàn dập cả 2.000 vé nhưng vẫn không đủ để bán cho khách đi. Cũng chưa có máy in nên trưởng ga và cả nhân viên đều phải vùi mình vào mà dập vé để phục vụ hành khách.
Giai đoạn tuyến đường sắt này hoạt động hiệu quả nhất là vào thập niên 70 với mỗi ngày 4 chuyến tàu ngược xuôi để phục vụ nhu cầu người dân, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của vùng Phủ Quỳ nói riêng và cả tỉnh Nghệ An.
Gần 10 năm nay không có một chuyến tàu, đường sắt đã nằm trong cây cỏ, nhiều điểm xuống cấp |
Gần 10 năm không một chuyến tàu dù mỗi năm “ngốn tiền tỷ”
Đến những năm sau này khi tuyến đường Tỉnh lộ 538 được nâng cấp thành Quốc lộ 48, việc thông thương trên đường bộ đã có phần thuận lợi hơn bằng xe khách, xe tải. Với lợi thế là nhanh hơn, thuận tiện hơn khi đường bộ nối tiếp Quốc lộ 1A nên đường sắt bắt đầu giảm sút về doanh số cũng như số chuyến mỗi ngày.
Gắng gượng mãi với những chuyến tàu không có khách nên năm 2006, công ty đường sắt đành phải dừng hoạt động vận tải hành khách. Đến năm 2012, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và buộc phải ngừng hoạt động vì không hiệu quả.
Từ chỗ hàng trăm lao động phục vụ trên tuyến đường sắt đến khi không còn khai thác nữa nên các cán bộ đường sắt đã được điều chuyển đến các nơi khác, một số ít nghỉ hưu, còn lại mấy người ở lại với nhiệm vụ chính là… bảo vệ.
Theo lãnh đạo Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh, hạn chế lớn nhất của đoạn đường sắt này là tốc độ, với 15km/h nên chỉ hơn 30km nhưng mất đến 2 tiếng, trong khi đi bằng đường bộ chỉ mất khoảng nửa tiếng.
Cùng với đó, việc chở hàng hóa thì giá vận chuyển rẻ hơn đường bộ nhưng kinh phí bốc dỡ tốn kém, cộng với sự bất tiện bởi thời gian di chuyển chậm nên các chủ doanh nghiệp, nông, lâm trường ở Phủ Quỳ không mặn mà với loại hình vận chuyển này.
Do không được đưa vào hoạt động nên tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn trở thành điểm chăn thả gia súc cho những người dân sống hai bên đường sắt. Dọc đường ray, cỏ mọc lút, thậm chí những điểm giao nhau với đường bộ người dân đã đắp đất đá để thuận tiện hơn trong đi lại.
Theo quan sát, các thanh tà vẹt của đường ray đã bị mục nát, đinh ốc bị hoen gỉ nặng, các nhà ga như bị bỏ hoang... Dù gần 10 năm không có chuyến tàu nào chạy, nhưng mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi trả hàng tỷ đồng cho việc bảo vệ, duy tu tuyến đường. Vì sự tốn kém này, đến năm 2014, ngành phải cắt giảm nhân lực, chỉ giữ lại 10 nhân viên bảo vệ. Tại điểm Ga Nghĩa Đàn bỏ hoang, không còn người trông coi.
Đến nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước vẫn phải bỏ ra 1,4 tỷ đồng để chi trả lương cho nhân viên tại 2 trạm ga Quỳnh Châu và Nghĩa Thuận, phụ trách bảo vệ hành lang cho 2 đoạn đường. Những người công nhân này vài tháng lại phải vác máy đi cắt cỏ một lần để phát quang, cũng như bảo vệ tránh người dân lấn chiếm.
Theo ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh thì dù tuyến đường không còn sử dụng, nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ bảo vệ với kinh phí mỗi năm 1,4 tỷ đồng là không hề lãng phí vì “nếu không có đội ngũ này thì đường ray sẽ bị lấy trộm. Người dân cũng sẽ lấn chiếm hành lang”.
Ông Cao Tiến Hùng cũng cho rằng, không nên hủy tuyến đường này vì biết đâu sau này sẽ có nhu cầu trở lại. Khi đó nếu đường sắt không còn nữa phải đi giải phóng mặt bằng lại, rồi tốn rất nhiều kinh phí để xây dựng trở lại.
Được biết, sắp tới Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Nghệ An, khi thi công sẽ phải xây dựng một tuyến cầu vượt với số kinh phí không nhỏ để tránh đường sắt bỏ hoang này. Trong tiềm thức của những người dân vùng Phủ Quỳ xưa, mỗi lần về nhà đều phải dừng lại Ga Cầu Giát để mua vé rồi ngược về thăm quê, giờ đây khi ngồi trên xe khách, đi theo Quốc lộ 48 trở về nhìn theo tuyến đường sắt từng một thời “hoàng kim” chạy dọc theo lẫn trong cỏ cây vẫn còn nhiều kỷ niệm…
“Nhìn đường sắt lại nhớ đến những thời điểm trước kia tấp nập lắm, hiện đại lắm, nhất là những lần về quê được đi tàu về nhanh và tiện là đưa được nhiều đồ, hàng hóa về. Bây giờ nhìn đìu hiu lại thấy tiếc, thấy nhớ và thấy hơi lãng phí cho một khối tài sản trước kia từng là một thời vàng son…”, một người dân địa phương từng đi tàu về quê mỗi dịp Tết Nguyên đán bồi hồi nhớ lại.
Tiếc nuối tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt Trên một trang Facebook vừa chia sẻ một video clip ghi lại cảnh Thụy Sĩ vận chuyển đầu máy hơi nước ở ga Đà Lạt về cố quốc. Đó là hình ảnh khu ga Đà Lạt cũ kĩ, xuống cấp và có phần hoang phế với những bãi cỏ mọc um tùm, những chiếc ô tô đủ loại nằm ngổn ngang, gỉ sét. Người thợ máy già hom hem ngẩn ngơ nhìn những người thợ đến từ Thụy Sĩ chỉnh những chiếc đầu máy hơi nước. Đó là hình ảnh đầu máy rời ga Đà Lạt trên những chiếc xe tải kéo có gắn cờ Việt Nam, Thụy Sĩ. Dọc thân đầu máy gắn băng rôn trắng với dòng chữ nổi bật “Back to Switzerland” (Trở về Thụy Sĩ) với vẻ hân hoan. Nhưng cuối đầu máy lại là dòng chữ sơn trắng trên nền sơn xỉn “End – Kết thúc 28.08.90”, như sự kết thúc buồn, chính thức chấm dứt hoạt động của đầu máy hơi nước Thụy Sĩ trên đường sắt Việt Nam. Người Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt này từ năm 1908, sau 24 năm, tuyến đường sắt dài 84km nối liền phố núi mộng mơ Đà Lạt với phố biển Phan Rang-Tháp Chàm mới được hoàn thành. Đây có thể nói là tuyến đường sắt độc nhất vô nhị của Đông Dương, một trong hai tuyến đường sắt kỳ lạ nhất thế giới bởi được thiết kế theo kết cấu răng cưa để có thể leo qua con đèo Sông Pha cao tới 1.500m so với mặt nước biển. Từ sau năm 1975, tuyến đường sắt bị hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được. Hầu như toàn bộ đường ray, toa xe và đầu máy được tháo dỡ lấy thiết bị mang đi phục vụ việc sửa chữa tuyến đường sắt Thống Nhất và bán sắt vụn. Dù không còn nguyên vẹn, tuyến đường sắt xưa cũ này vẫn còn Nhà ga với kiến trúc cổ kính của Châu Âu, kết hợp với ngôi nhà rông Tây Nguyên, có 3 chóp nhọn mô phỏng cho 3 ngọn núi của đỉnh Langbiang nổi tiếng của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Đoạn đường sắt được phục hồi dài 7km từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (Đà Lạt), mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách mua vé lên tàu trải nghiệm. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo dỡ. Và đến năm 1990, 7 đầu máy hơi nước cùng một số toa tàu được bán lại cho Công ty DFB của Thụy Sĩ. DFB đã mang “của báu” này về Thụy Sĩ tu sửa lại, đưa vào phục vụ du lịch trên dãy Alpes. Còn ở Việt Nam, hiện chỉ còn đoạn Trại Mát – Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch, đầu máy điện kéo. Vừa qua, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề nghị cho phép đầu tư phục hồi tuyến đường sắt này theo hình thức đối tác công – tư (PPP) với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 17.200 tỉ đồng để khai thác du lịch. Đó quả là con số “khủng” để khôi phục tuyến đường sắt huyền thoại này. Một chuyên gia giao thông cho hay, mấy chục năm qua, việc khôi phục, xây mới đường sắt rất ít vì khoản đầu tư ban đầu quá lớn, trong khi đó tháo, bóc đi thì nhiều. Hàng loạt nhánh đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng sông đã bị tháo dỡ… Thế mà, giờ không ít địa phương đòi đưa đường sắt ra khỏi nội đô hoặc ngó lơ với việc vi phạm hành lang đường sắt. |
Tác giả: Ngô Toàn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Viêt Nam