Đến thăm cố đô của Mỹ - nơi bản Hiến pháp Mỹ đầu tiên được viết
- 08:24 08-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tòa nhà Độc lập - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước Mỹ |
Những vết tích còn sót lại trong lịch sử một cường quốc
Philadelphia là thành phố lớn thứ 5 của Hoa kỳ được xem là trung tâm văn hóa, giáo dục, lịch sử quan trọng của quốc gia. Được thành lập năm 1682, từ năm 1790 đến năm 1800 là thủ đô của Hoa Kỳ. Đến với Philadelphia, du khách không thể bỏ qua những địa điểm nổi tiếng nơi đây như bảo tàng hấp dẫn, công viên sôi động, di tích lịch sử quốc gia và ẩm thực nổi tiếng.
Điểm đặc biệt trong các công trình của thành phố là các tòa nhà cao tầng được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại (các tòa nhà xây dựng bằng kính và kim loại). Nhưng bên cạnh đó, du khách cũng sẽ cảm thấy rất thú vị khi khám phá ra những vẻ đẹp của các tòa nhà lịch sử cổ xưa, những con phố mang đậm dấu ấn của thời quá khứ vẫn còn được gìn giữ, bảo tồn và quan trọng hơn hết rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Hoa kỳ đã bắt đầu từ thành phố này.
Đầu tiên là Tòa nhà Độc lập, nơi đã tổ chức cuộc họp Quốc hội đầu tiên vào năm 1735. Hội trường Độc lập ban đầu phục vụ như là Nhà nước của thuộc địa Pennsylvania, trước đó đại diện nhà nước đã đặt một chiếc chuông lớn cho tòa nhà vào năm 1751 với một dòng chữ Kinh Thánh.
Cũng nơi đây, ngày 4/7/1776, nước Mỹ đã chính thức ra đời với sự kiện bản tuyên ngôn độc lập được ký kết, kết thúc thời gian hơn một thập niên chinh chiến để thoát khỏi chế thuộc địa của đế chế Anh, sau đó là mùa hè 1787, bản Hiến chương Mỹ được soạn thảo.
Đối diện tòa nhà Độc lập là chuông Tự do biểu tượng của thành phố, được dùng để kêu gọi cư dân Philadelphia đến nghe công bố bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 7/7/1776 và sau đó lại gióng lên những tiếng vang báo hiệu ngày tàn của chế độ nô lệ.
Trong thứ âm thanh dè dặt của tiếng chuông từ thánh đường Christ được xây dựng từ năm 1695, người Philadelphia kể rằng: “Đó là một trong những nhà thờ xưa nhất của nước Mỹ và âm thanh réo rắt của quả chuông đã từng đưa tiễn linh hồn vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington về miền gió cát”.
Chuông tự do được coi là biểu tượng của thành phố Philadephia đặt đối diện tòa nhà Độc lập thu hút du khách |
Bên cạnh đó, công viên Lịch sử Quốc gia Độc lập (INHP) là nơi khởi đầu cho nền dân chủ nước Mỹ được tọa lạc tại nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Mỹ trong suốt quá trình trở thành một quốc gia đứng đầu thế giới.
Mỗi con đường ở Philadelphia đều mang những câu chuyện lịch sử với những ghi chú nho nhỏ dưới bảng tên. Từ khu nghĩa địa dành cho những vị cha xứ từ ngày đầu đến truyền giáo và đóng góp trong công cuộc khai sinh nước Mỹ năm 1776; rồi công viên nhỏ nơi tầng lớp trí thức tụ tập ký vào bản hiệp ước tuyên bố tự do; nơi mua bán nô lệ với những quả chuông đồng màu xanh đã gỉ sét màu thời gian; ở một góc khác là nhà máy in tiền, thị trường chứng khoán đầu tiên của Mỹ… Các vết tích văn hóa mà người Mỹ cần bảo tồn, Philadelphia đã chiếm con số 67.
Nơi khai sinh nước Mỹ
Trong những bản hiến pháp đang có hiệu lực trên thế giới hiện nay, Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp cổ xưa nhất với lịch sử tồn tại trên 220 năm và đến nay, bản Hiến pháp Mỹ đã được sửa đổi 27 lần. Các sử gia và chính khách Mỹ đều khẳng định rằng bản Hiến pháp Mỹ đã đặt nền tảng cho quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, góp phần quan trọng biến một miền đất của 13 tiểu bang lỏng lẻo và yếu kém bên bờ Đại Tây Dương đang đứng trước nguy cơ tan rã và nội chiến đã trở thành một quốc gia hùng mạnh như hiện nay.
Hiến pháp Hoa Kỳ là bản Hiến pháp đầu tiên và lâu đời nhất trong lịch sử |
Trong suốt 10 năm sau cuộc cách mạng Mỹ 1776-1786, chính dân tộc Mỹ đó, những con người đó, đất đai đó với 13 tiểu bang khá độc lập với nhau liên minh với nhau dưới một bản Hiến pháp mờ nhạt năm 1781 mang tên “Các điều khoản Hợp bang” đã tạo nên tình trạng lộn xộn, thậm chí có nguy cơ tan rã do thiếu vắng một chính quyền hiệu quả.
Theo mô hình này, cả 13 tiểu bang chỉ thuần túy tham gia liên minh với nhau chứ không có một chính quyền chung. Cơ quan điều hành khi đó là Quốc hội Hợp bang, nhưng về hình thức cũng chỉ giống như đại hội đại biểu các tiểu bang nhưng không có thực quyền, không có bộ máy hỗ trợ, không có tòa án, không có quân đội nên không thể điều hành liên minh hiệu quả, khiến nước Mỹ đứng trước nguy cơ nội chiến và tan rã.
Trước thực trạng đó, James Madison cho rằng, điều đầu tiên cần là phải xây dựng được một mô hình, một thể chế phù hợp và hiệu quả, tức là cần soạn thảo một bản hiến pháp mới, làm nền tảng cho một quốc gia muốn thịnh vượng và bền vững.
Đây là ý tưởng có tính khai sáng bởi lúc đó hầu hết các chính trị gia đương thời sa lầy vào những cuộc tranh luận vô bổ tại Quốc hội Hợp bang mà Madison cho là những tranh luận vụn vặt. Hầu hết những người dân Mỹ và cả các chính khách khác đều bất bình với những rối ren lộn xộn. Khi cuộc sống không được đảm bảo, sự lộn xộn về kinh tế và cả chính trị khiến đất nước không phát triển nên họ đã chỉ trích chế độ đương thời và mong muốn sự thay đổi.
Thậm chí, còn có đề xuất 13 tiểu bang khi đó nên chia thành ba quốc gia Bắc, Trung, Nam hoặc mời một vị hoàng gia ở châu Âu sang làm vua nước Mỹ. Nhiều chính trị gia khác thể hiện thái độ bất mãn hoặc thờ ơ, bàng quan với thời cuộc.
Song, James Madison và Alexander Hamilton đã nỗ lực vận động chính giới Mỹ tổ chức Hội nghị Lập hiến tại Philadenphia từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1787, tập hợp các chính khách và lãnh tụ có uy tín của cả 13 tiểu bang để soạn thảo ra một bản Hiến pháp mới.
James Madison và Alexander Hamilton là hai người khai sinh bản Hiến pháp Mỹ |
Ngày 17 tháng 9 năm 1787 tại Tòa nhà Độc lập, Hiến pháp Hoa Kỳ là bộ luật tối cao của Hoa Kỳ được soạn thảo dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phê chuẩn sau các cuộc hội nghị tại 13 tiểu bang đầu tiên.
Nước Mỹ trở thành một cường quốc nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử và phát triển lâu dài. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, khi mới thành lập, nước Mỹ là một vùng đất hứa và là một quốc gia trung bình, có tiềm năng phát triển, chưa phải là cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha…
Vượt qua nhiều biến động thăng trầm từ những ngày dựng nước, đến công cuộc giải phóng nô lệ của Abraham Lincoln, vượt qua Chiến tranh thế giới thứ nhất dưới thời Woodthrow Wilson, đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế và Chiến tranh thế giới thứ hai của thời kỳ Roosevelt những năm 1940, nước Mỹ mới trở thành một cường quốc. Rồi trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh thời kỳ Kennedy và sự sụp đổ của Đông Âu năm 1989, Hoa Kỳ mới thực sự trở thành siêu cường…
Nước Mỹ được xây dựng thành công là nhờ ba trụ cột: một bản hiến pháp hiệu quả, phù hợp với dân tộc Mỹ, khai thác được tiềm năng của đất nước và đảm bảo khuôn khổ cho sự phát triển; vai trò của những chính trị gia, nhà lãnh đạo xuất chúng có tầm nhìn đã hoạch định và thực thi được các chính sách phù hợp với bản Hiến pháp đã được thiết lập và một nền giáo dục lành mạnh khai thác được tiềm năng của đất nước và đảm bảo khuôn khổ cho sự phát triển.
Ngày nay, thủ đô Philadephia vẫn là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử hào hùng và hơn thế nữa, nó là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng làm thay đổi nền kinh tế chính trị của một đất nước nghèo khó, bạo loạn. Philadephia trở thành một địa điểm thu hút những du khách muốn khám phá, trải nghiệm nền văn hóa lịch sử lâu đời từ xưa, một đất nước từ thân phận thuộc địa trở thành một quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh trên thế giới.
Tác giả: Hán Thu Hà
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam