Gương sáng Bộ đội cụ Hồ trong công tác giữ gìn an toàn giao thông
- 16:32 07-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những người “vác tù và hàng tổng”
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, trở về từ chiến trường Lào với thương tật 1/4, những tưởng ông Nguyễn Huy Chi, trú xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An sẽ giành thời gian nghỉ dưỡng, vui vầy với con cháu. Thế nhưng, chứng kiến đoạn đường sắt dân sinh đầu thôn thường xuyên xảy ra tai nạn khiến người cựu chiến binh già cảm thấy day dứt và trăn trở.
Ngày ngày, ông Chi vẫn miệt mài trực bên đường tàu. |
Năm 2005, ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền xã Quỳnh Tân tổ chức cảnh giới đường ngang và giao cho đoàn Thanh niên xã đảm nhiệm. Ban đầu, lực lượng thanh niên trẻ nhiệt huyết, phân công nhau túc trực ngày đêm. Sau này, do tuổi trẻ còn phải lo gánh nặng gia đình, nên đã xin chuyển công việc này cho hội Cựu chiến binh xã. Biết được việc này, ông Chi đã tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ cảnh giới đường ngang từ đó.
Vậy là gần 15 năm qua, bất kể trời nắng hay mưa, đông hay hè, ông Chi đều có mặt tại gác chắn đường sắt vào lúc 5h sáng và trở về nhà khi chuyến tàu cuối cùng trong ngày qua chắn được an toàn. Cũng không ít lần, ông Chi cứu giúp những người đi đường thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ông Chi bảo, vất vả ông không sợ, sợ nhất là người tham gia giao thông cố vượt đường ray khi tàu sắp đến.
“Nhiều hôm trời mưa giá rét, học sinh trường THPT Quỳnh Lưu II tan trường rất đông. Tôi đã giơ cờ báo hiệu tàu sắp đến, nhưng các cháu vẫn lấn sau lưng để qua đường, tôi phải dang tay đẩy nhanh các cháu qua đường sắt, may mắn các cháu vừa qua thì tàu cũng vừa đến. Các cháu tái mặt đi vì sợ, còn tôi nhẹ nhàng khuyên nhủ, từ bấy đến nay, cứ thấy tôi ra vẫy cờ là các cháu dừng lại xếp hàng nghiêm túc trước đường tàu”, ông Chi kể.
Hàng chục năm gắn bó với gác chắn, ông Chi thuộc từng chuyến tàu qua. Ông bảo, mỗi ngày có 7 chuyến tàu khách, sáng 4 chuyến, chiều 3 chuyến. “Dù thỉnh thoảng có đoàn tới nhanh, đoàn tới chậm nhưng tôi ở chòi gác này liên tục, tai tôi thính lắm, hễ tàu đến là biết liền”, ông Chi tâm sự.
Ghi nhận công lao của cựu chiến binh Nguyễn Huy Chi, hai năm liền 2017 và 2018, ông được Trung ương Hội và Ủy ban ATGT Quốc gia khen thưởng. Nói về việc này, ông Lê Văn Điền, Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Không những cán bộ hội viên mà bà con nhân dân rất khâm phục và ca ngợi việc làm của bác Chi. Việc làm của bác góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ và thực hiện đúng lời Bác dạy: Tàn mà không phế”.
Người cựu chiến binh Bùi Tiến Đông cảnh báo người dân khi qua đường sắt dân sinh. |
Không được ai phân công hay nhờ vả nhưng suốt 13 năm qua, người cựu chiến binh Bùi Tiến Đông (SN 1947), trú xóm 15, xã Nghi Kim, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn tự nguyện làm cảnh giới tại đường tàu sắt.
Ông Đông cho biết, do nhà gần đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Bắc - Nam nên hàng ngày, gia đình đã quá quen thuộc với hình ảnh của những chuyến tàu thường xuyên qua lại. Tuy nhiên, năm 2005 - 2006, khi lượng công nhân đổ về công ty bật lửa ga đóng trên địa bàn ngày càng đông cũng là thời điểm ông bà phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn tàu hỏa thương tâm.
Điều đó khiến ông trăn trở, suy nghĩ về việc gác tàu để nhắc nhở, cảnh báo người dân khi qua lại nơi đây. Lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, phải cùng vợ bươn chải mưu sinh nên ông chưa có điều kiện để thực hiện. Mãi đến Tết Nguyên đán năm 2006, sau khi chứng kiến cái chết thương tâm của cô gái trẻ làm việc tại công ty bật lửa ga, ông càng quyết tâm hiện thực hóa tâm nguyện của mình.
“Khi cố băng qua đường sắt để sang nhà dân xin gọi điện thoại về cho gia đình, cháu đã bị tàu cán không còn nguyên vẹn. Chứng kiến cảnh gia đình và bạn bè đi dọc đường ray nhặt từng mẩu thi thể để làm lễ khâm liệm cho cháu mà tôi xót xa, rụng rời. Từ hôm đó, tôi quyết định ra đứng gác ở đường tàu này”, ông Đông chia sẻ.
Từ hôm đó đến nay đã 13 năm đằng đẵng, bất kể ngày đông giá rét hay ngày hè nắng nóng, ông Đông vẫn cần mẫn ra hướng dẫn người dân và công nhân qua lại đoạn đường ngang dân sinh. Có những thời điểm như năm 2005 - 2010, do Công ty bật lửa ga tăng cường thêm công nhân làm việc, lượng người qua lại đoạn đường này đông nên ông phải trực từ 5h30 đến 21h, tuy nhiên chưa bao giờ ông cảm thấy áp lực, mệt mỏi và muốn từ bỏ công việc của mình.
Đến đầu năm 2019, ngành đường sắt về khảo sát và tiến hành lập cột gác điện tử ở khu vực này nhưng ngày ngày, ông Đông vẫn ra hỗ trợ. Ông Đông giải thích: “Cột gác điện tử tiện nhưng không nhạy, nhiều người ý thức kém vẫn cố tình băng qua sẽ xảy ra hậu quả đau lòng”.
Hàng chục năm trời ông Đông tự nguyện ra đứng gác ở đường ngang dân sinh cũng là chừng ấy thời gian, khu vực này không còn xảy ra vụ tai nạn đường sắt thương tâm nào. Mỗi lần qua lại nơi đây, nhìn thấy ông, người dân và công nhân công ty bật lửa ga cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Nghi Kim, TP.Vinh cho biết: “Việc làm của vợ chồng cựu chiến binh Bùi Tiến Đông đã khiến nhiều người dân và hội viên hết sức cảm phục. Hiện, chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị lên cấp trên biểu dương gương điển hình của đồng chí trong công tác phối hợp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn”.
Hội Cựu chiến binh xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu vận động nhân dân giải tỏa hành lang ATGT. |
Nhiều mô hình cựu chiến binh với ATGT có hiệu quả
Thực hiện cuộc vận động “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự ATGT”, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An xây dựng được gần 6.900 mô hình với tổng số 21.350 hội viên tham gia. Trong đó có 3.935 “Tổ ANTT và ATGT”; 2.029 đoạn đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, ATGT”; 925 “Cổng trường an toàn”; 3 tổ về mô hình “Đường tàu an toàn”.
Nổi bật là mô hình “Tổ tự quản ANTT và ATGT” của các hội Cựu chiến binh phường Thu Thủy, TX.Cửa Lò; xã Bảo Thành, huyện Yên Thành; xã Diễn Kỷ và Diễn Thọ, huyện Diễn Châu; xã Châu Quang, huyện Qùy Hợp; xã Bồng Khê, huyện Con Cuông)…;
Ngoài ra, mô hình “Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp” ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ; thị trấn Tân Lạc, huyện Qùy Châu). Mô hình “Đường tàu an toàn” của hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Tân, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.
Nói về mô hình “An toàn đường ngang dân sinh đi qua đường sắt”, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc cho biết, huyện có đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 10 km. Thời kỳ chưa có dự án đường gom, có tới 16 đường ngang dân sinh đi qua đường sắt. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Trước thực trạng trên, mô hình được hội cựu chiến binh cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, thông qua cấp ủy, chính quyền. Nòng cốt là các hội viên cựu chiến binh các chi hội ở gần đường tàu; ngoài ra còn có lực lượng dân phòng, Công an viên cùng phối hợp thực hiện.
Phó Ban ATGT tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân cựu chiến binh có thành tích xuất sắc trong tham gia giữ gìn trật tự ATGT giai đoạn 2014 – 2019. |
Tại hội nghị sơ kết 5 năm (2014 - 2019), ông Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có trên 197.000 hội viên, là lực lượng tham gia giao thông thường xuyên trên địa bàn. Nhận rõ tình hình, đánh giá đúng khó khăn thuận lợi nên sau khi ký kết chương trình phối hợp, thường trực tỉnh hội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chỉ đạo các cấp hội đưa nội dung về ATGT vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hội hằng năm; làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông trong nội bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong 5 năm qua, hội cựu chiến binh các cấp đã triển khai gần 1.700 buổi cho hơn 335.000 lượt người, kẻ vẽ hơn 200.000 khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền pháp luật về ATGT và văn hóa giao thông. Tổ chức 672 lớp tập huấn với 18.500 lượt cán bộ tham gia.
Theo ông Minh, các cán bộ, hội viên cựu chiến binh không những chỉ gương mẫu, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về TTATGT mà còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, người thân cùng chấp hành và phòng tránh TNGT. Tham gia đảm bảo trật tự ATGT, mỗi cựu chiến binh là một là hình ảnh đẹp giữa đời thường, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tai nạn giao thông năm 2019 tại Nghệ An giảm trên cả 3 tiêu chí Từ 16/10/2018 đến 15/10/2019, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 209 vụ tai nạn giao thông, làm chết 131 người, bị thương 145 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 9 vụ (tương đương 4,12%), giảm 16 người chết (10,8%), giảm 14 người bị thương (8,8%). |
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin