Bò cuốn Wellington - “Vua” của bàn tiệc sang trọng ở châu Âu
- 08:38 05-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Món bò cuộn Wellington độc đáo. |
Món ăn ưa thích của nhiều tổng thống
Tên Wellington được đặt theo tên của ông Arthur Wellesley, còn gọi là Công tước Wellington, vị anh hùng từng đánh bại hoàng đế Napoleon ở mặt trận Waterloo năm 1815. Ông có một niềm đam mê bất tận với thịt bò, nấm, rượu vang Madeira và pate.
Đầu bếp người Anh của ông được yêu cầu chuẩn bị món ăn này trong tất cả các buổi tiệc của gia đình. Từ đó, tên gọi bò Wellington ra đời để vinh danh và tưởng nhớ tới ông này. Nhưng, vai trò của ông trong việc sáng tạo món ăn vẫn còn là một bí ẩn.
Bất kể việc nó có biểu hiện cho tầng lớp quý tộc Anh, hay là một sáng tạo ẩm thực tinh tế của người Pháp, thì các nhân viên phục vụ ở Mỹ những năm 1960 vẫn tiếp nhận món bò Wellington với đầy sự thích thú.
Bò cuộn Wellington cũng là món ăn ưa thích của tổng thống Mỹ Richard Nixon và các tổng thống họ Kennedy, đến nỗi nó đã được đưa vào thực đơn của Nhà Trắng.
Đây cũng là món ăn làm nên tên tuổi của siêu đầu bếp Gordon Ramsay, vị giám khảo khó tính trên chương trình truyền hình thực tế Master Chef Mỹ. Chính vì thế, món ăn mang đậm nét công phu và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, nhằm đem đến cho thực khách hương vị hoàn hảo nhất.
Chẳng quá phô trương khi người ta gọi món bò cuộn Wellington là một thử thách khó nhằn đối với bất kỳ người đầu bếp nào và đây cũng là một đề bài hóc búa trong các cuộc thi ẩm thực trên thế giới như Master Chef mà các vị giám khảo muốn đưa ra để thử tài khả năng nấu nướng cũng như sự tinh tế trong khẩu vị, và kỹ lưỡng trong từng bước thực hiện của mỗi thí sinh.
Món ăn không chỉ đơn thuần là phần thịt bò bên trong được bao phủ bởi lớp bánh bên ngoài. Bò cuộn Wellington gồm 3 phần quan trọng như phần lõi thịt bò, lớp nấm, phần vỏ pastry. Mỗi phần đều phải được trải qua công đoạn chế biến hết sức công phu để món ăn ngon vị từ trong ra ngoài.
Món bò cuộn Wellington |
Phần lõi của món bò cuộn Wellington chính là thịt bò. Tuy nhiên, không phải là sử dụng bất kỳ phần thịt nào của con bò cũng được mà phần thịt bò ở đây phải sử dụng thịt bò thăn. Phần thịt thăn bò có hàm lượng thịt nạc và mỡ hài hòa, không quá béo mà cũng không quá khô nên được xem là lựa chọn tuyệt vời để làm món bò cuộn Wellington.
Thịt bò phải là loại ngon nhất ướp với hạt tiêu và muối, sau đó áp chảo thật nhanh với dầu olive. Cho hỗn hợp nấm và thịt, húng tây, muối, hạt tiêu trắng, hành, tỏi và hạt dẻ xay nhuyễn vào đảo trong 10 phút. Thêm rượu và tiếp tục đun cho tới khi hỗn hợp khô lại. Khuấy đều rồi để nguội.
Lớp thứ hai của món bò cuộn Wellington chính là hỗn hợp nấm được băm nhỏ xào chín cùng với hành, tỏi và gia vị và cuộn tròn kèm với phần thịt bò. Để dễ cuộn nấm hương vào thì người ta lót thêm một lớp thịt thái thật mỏng bên dưới rồi cho hết nấm hương vừa xào và tán đều lên trên.
Được biết, nấm là một chế phẩm phổ biến lâu đời nhất trong các sách dạy nấu ăn, nằm trong hầu hết các công thức nấu ăn ban đầu của Pháp từ những năm đầu thế kỷ 17 cho đến thời điểm hiện nay.
Riêng món bò cuộn Wellington, nấm được thái nhỏ nấu chín trong bơ với hẹ với một khối lượng tương thích vừa đủ để có thể phủ kín phần thịt bò mà vẫn giữ trọn hưowng vì và không gây cảm giác nhàm chán.
Có thể kể đến ba loại nấm thường hay được sử dụng chính là nấm nút, nấm hương và portobello. Nếu muốn nâng tầm hương vị và bắt mắt thì có thể kết hợp thêm hàu, tôm hùm hoặc pate gan ngỗng để tăng độ béo.
Để tạo nên hương vị độc đáo cho món bò cuộn Wellington lừng danh, rượu Cognac là nguyên liệu không thể thiếu. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng cả Armagnac, rượu Táo, Bourbon, Scotch, thậm chí là Rhum.
Hương vị nồng nàn quyến rũ của rượu được trung hòa với một số loại sốt kem béo như whipping cream, hoặc một số người thích hương vị thuần châu Á có thể thêm một chút nước sốt đậu nành, nước tương. Với mức độ cao của axit glutamic - một umami tự nhiên, nó làm cho vị giác được kích thích ngon miệng hơn, đặc biệt là làm cho phần nấm thấm đậm vị và giữ được phần nước ngọt nhất định.
Chế biến kỳ công
Bột pastry là nguyên liệu không thể thiếu, tạo ra vỏ ngoài hoàn hảo. Được biết đến như loại bột vỏ bánh dai có thể chịu đựng được trong điều kiện nhiệt độ thấp và vẫn giữ trọn vẹn tính chất và hương vị.
Bí quyết để có lớp vỏ bánh tuyệt hảo mỏng, vàng và giòn tan chính là nhất định phải sử dụng loại bơ có chiết xuất từ động vật với chất lượng cao nhất, màu sắc tươi sáng và có mùi thơm hấp dẫn. Từ những nguyên lý cơ bản đó, lớp bánh pastry bao bọc ngoài phần thịt bò sẽ tạo nên hình thức bắt mắt với màu vàng nâu sáng bóng như hổ phách.
Bột pastry còn được gọi là bột ngàn lớp vì phần bột này sau khi nướng chín sẽ tách ra khá nhiều lớp khiến bánh không chỉ phồng lên đẹp mắt mà còn xốp mềm rất ngon miệng.
Điểm lưu ý của lớp bánh Wellington “quý tộc” này là các đầu bếp đòi hỏi phải có rất nhiều kinh nghiệm lẫn khéo léo trong quá trình nhào nặn và ủ bột. Khi thực hiện cuộn các lớp nguyên liệu phải dùng lực và thật chặt tay để các lớp nguyên liệu dính chặt vào nhau đến mức không có một khe hở nào thì sau khi hoàn thành và cắt bánh ra, món bánh mới hoàn hảo được.
|
Sau khi gói xong phần nhân vào bột thì người ta còn trang trí cho lớp bột bên ngoài trông đẹp mắt hơn. Phần trang trí này không bắt buộc và khá đơn giản. Món bò cuộn Wellington đem đút lò ở mức nhiệt độ quy định hoàn hảo, đem lại trải nghiệm mới mẻ về sự phối hợp phong phú giữa các nguyên liệu với nhau.
Món ăn tinh tế này thật sự hội tụ đầy đủ các yếu tố như trong nguyên lý ẩm thực vì mang vẻ ngoài sắc nét với lớp vỏ bơ sáng bóng màu nâu lấp lánh với các tinh thể của muối biển được rắc xen kẽ. Khi cắt miếng bò thì bên trong để lộ sự phân tầng cân bằng của các thành phần tuyệt hảo nhất: mảnh vụn của bánh, nấm xào quyện cùng độ sốt thơm béo ngậy của kem, và cuối cùng là pate gan ngỗng, tất cả tạo nên phần cốt lỗi đắt giá tôn lên hương vị ngon mềm của thăn bò.
Điều thú vị là dù cuộn trong lớp bánh nhưng đầu bếp vẫn có thể lựa chọn độ chín theo sở thích của khách hàng.
Món ăn đòi hỏi sự tinh tế của cả người chế biến lẫn người thưởng thức, Wellington đặc sắc ở chỗ nó không chỉ được nấu rất hoàn hảo, ăn kèm sốt và rau củ.
Không thể thiếu nữa đó là sốt chấm mù tạt. Bởi mù tạt mang đến một chiều hướng khác đối với hương vị của món ăn với vị chua, nhẹ nhàng, và nhiệt nóng bỏng như thu hút thực khách với vị ngon phong phú khó cưỡng của món bò Wellington.
Có thể thấy, chỉ cần biết qua các công đoạn chế biến cầu kỳ cũng như các nguyên liệu cao cấp, cũng đã đủ giúp thực khách cảm nhận đây là món ăn không phải “dạng tầm thường”.
Khi nếm thử món ăn, bạn sẽ cảm nhận ngay độ giòn hoàn hảo của vỏ bánh, độ thơm ngon và ngọt của lớp nấm cùng với thịt bò mềm như tan chảy trong miệng, chắc chắn nếu có cơ hội ăn thử một lần sẽ vô cùng thích thú.
Tác giả: An Yên
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam