Nghệ An: 12 hộ dân sống 'tạm' trên đất của mình
- 10:22 01-12-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngôi nhà xây từ 3 thập niên trước xuống cấp trầm trọng nhưng không dám sửa, không được xây mới |
“Sống tạm” trên đất của mình
Năm 1976, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập lại, Ty Lâm nghiệp Nghệ Tĩnh đã thành lập Xí nghiệp Cây xanh, cây cảnh TP Vinh và đưa đội này nhập về đây. Từ năm 1982, sau khi Công ty Cây xanh TP Vinh bàn giao khu vực Núi Chung cho Lâm trường Đại Huệ (nay là Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn) quản lý và trồng cây. Những năm 1982 – 1986, do nguồn đầu tư cắt giảm, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, Lâm trường Đại Huệ có chủ trương giao đất cho 12 hộ là cán bộ công nhân của lâm trường để xây dựng nhà ở kết hợp làm kinh tế. Từ đó đến nay, 12 hộ dân sinh sống ổn định, không xảy ra tranh chấp với ai, lần lượt nhiều thế hệ được ra đời trên những mảnh đất này.
Tuy nhiên, một khó khăn mà các hộ dân đang gặp phải là đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ để thuận tiện trong việc mua bán, giao dịch, cho tặng, thế chấp ngân hàng… Nguyên nhân là do khu vực núi Chung nơi họ sinh sống thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo du lịch văn hóa Kim Liên, năm 2010 Chính phủ cũng phê duyệt quy hoạch đây là khu vực rừng đặc dụng. Diện tích bình quân của các gia đình được cấp tại các thửa đất khoảng 1.500m2.
Theo bản đồ đo đạc địa chính quy năm 2009 xã Kim Liên, những thửa đất này đầy là đất vườn ở (kí hiệu bản đồ ONT). Chưa kể đến, các hộ dân này cũng đã làm nghĩa vụ tài chính tiền thuế nhà đất của Chi cục Thuế huyện Nam Đàn năm 2000, giấy xác nhận nguồn gốc đất của nguyên Giám đốc Lâm trường Đại Huệ ngày 16/9/2004. Tuy nhiên, từ đó đến nay, những ngôi nhà của các hộ dân này vẫn sống theo cảnh tạm bợ, bởi không được tiến hành xây dựng mới, cũng không dám bỏ tiền ra xây dựng kiên cố.
Bà Trần Thị Xuân (SN 1954) cho biết, trước đây cả xóm có 12 hộ với khoảng 70 người, nhưng vì khổ quá nên đã chuyển ra ngoài sống, hiện chỉ còn 7 hộ với chưa đầy 30 người bám trụ. Năm 1993, các hộ dân này đã được nhập về xã Kim Liên quản lý hành chính nhưng lại không thuộc xóm nào. Do đó, các hoạt động cộng đồng, hệ thống giao thông cũng không được đầu tư xây dựng nên cuộc sống vẫn không đỡ khổ chút nào.
Khi người dân có đơn kiến nghị, năm 2014, những hộ dân này mới được chuyển về sinh hoạt tại xóm Hội 4, xã Kim Liên. “Nhà cửa đã xây dựng từ hơn 30 năm nay, xuống cấp nghiêm trọng rồi nhưng không dám sửa chữa vì không biết có được ở lâu hay không. Một số hộ khổ quá đã chuyển đi nơi khác ở với con cái, còn những hộ như chúng tôi cũng chờ đợi nhiều năm nay rồi mà không biết đến khi nào”, ông Nguyễn Bá Hà nói.
Từ 12 hộ dân sinh sống, đến nay chỉ còn 7 hộ ở lại vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn |
Có đủ sức chờ đợi?
Núi Chung nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (thuộc rừng đặc dụng) nên không thể cấp sổ đỏ cho dân làm đất vườn ở. UBND huyện Nam Đàn đã có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An và
các sở, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc cho các hộ gia đình này di dời ra khu TĐC. Theo đó, tháng 1/2016, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu TĐC các hộ dân xóm Lâm Nghiệp núi Chung giao cho huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư. Địa điểm tại xóm Mậu 6, xã Kim Liên, Nam Đàn với mục tiêu di dời 12 hộ dân trên ra khỏi quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên. Tổng mức đầu tư của dự án được dự toán khoảng 18,2 tỷ đồng từ ngân sách của huyện Nam Đàn và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngày 31/8/2018, UBND tỉnh điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm xuống còn 14,237 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 9,237 tỷ đồng và ngân sách huyện 5 tỷ đồng.
Tiếp đó, huyện Nam Đàn đã lập dự án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt xây dựng khu tái định rộng 4.380m2, trong đó diện tích đất ở là 3.542,42m2, tại xóm Mậu 6, xã Kim Liên. Đến thời điểm này, việc vẽ quy hoạch, chia lô trên diện tích khu TĐC đã được UBND huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, do chưa làm xong thủ tục giải phóng mặt bằng (GPMB) để xác định hạn mức đất ở của các hộ dân cũng như chưa có kinh phí nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Trong đó, hạn mức đất cho các hộ dân để lên phương án bồi thường GPMB, UBND xã Kim Liên đề nghị công nhận mỗi hộ 300m2 đất ở (bằng hạn mức của địa phương), phần còn lại là đất vườn liền kề. Tuy nhiên, khi trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì UBND huyện Nam Đàn chỉ đề xuất công nhận 300m2 đất ở/hộ, không công nhận phần còn lại do đây là đất của Lâm trường Đại Huệ bố trí làm kinh tế vườn nay trả lại cho Nhà nước.
Người dân và tấm bản đồ do Lâm trường Đại Huệ giao đất cho 12 hộ dân từ những năm 1980 |
Mới đây, ngày 1/7/2019 Sở TN&MT đã yêu cầu huyện Nam Đàn cần thiết phải xác định việc sử dụng đất ổn định để xác định chính xác nguồn gốc, diện tích và thời điểm sử dụng đất của từng hộ gia đình. Về hạn mức đất, Sở TN&MT yêu cầu UBND huyện Nam Đàn căn cứ vào việc sử dụng đất ổn định của các hộ dân để xác định cụ thể hạn mức đất ở gắn liền với đất vườn của từng hộ.
Nếu các hộ được giao đất trước năm 1986, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì công nhận hạn mức đất ở là 300m2/hộ. Đối với đất vườn gắn liền đất ở, diện tích đất được công nhận theo diện tích đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đồng thời các hộ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Sự việc kéo dài khiến người dân hết sức mệt mỏi, nhiều người đã tuổi cao, sức yếu, không biết còn phải chờ đến bao lâu nữa mới được đến nơi ở mới khang trang hơn, ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Thành Lâm – Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn cho hay, theo Nghị định 43/NĐ-CP thì các hộ này không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên sẽ không được bồi thường về đất. Trường hợp không được đền bù về đất thì hỗ trợ thế nào cho phù hợp thì đến nay trong quy định pháp luật cũng chưa rõ.
Huyện Nam Đàn đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, quan điểm của huyện là lập phương án có hỗ trợ có các hộ này, dự kiến là hỗ trợ 60% giá trị quyền sử dụng đất ở vì đây là trường hợp đặc biệt.
Tác giả: Ngô Toàn – Hà Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam