Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nông dân Hà Tĩnh đào được gốc khoai mì “khủng” có trọng lương ngang bé gái

Chị Sửu ở huyện miền núi Hà Tĩnh đào vừa được một gốc khoai mì “khủng” có tổng trọng lượng ngang với bé gái. Sau khi chụp ảnh lại gốc khoai, đăng tải lên Facebook thu hút được sự tò mò, quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Chị Võ Thị Sửu (35 tuổi), một người nông dân sống tại xóm 7, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, mới đây, khi đào gốc khoai mì của gia đình trồng xen giữa vườn cam lên chị này rất bất ngờ. Bất ngờ vì gốc khoai mì này có rất nhiều củ, nhiều củ to bằng gần bằng cái phích nước.

 Nhiều củ khoai mì của gia đình chị Sửu có tổng trọng lượng ngang với bé gái.

Mang những củ khoai này lên cân, có củ gần 5kg, tổng trọng lượng cả gốc khoai là 15kg. Theo chị Sửu, dù trồng khoai mì nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên chị đào được gốc khoai mì nhiều củ và có tổng trọng lượng lớn như vậy.

 Con gái chị Sửu rất vất vả cầm 1 củ trong gốc khoai mì lên để tạo dáng chụp ảnh.

Tò mò, cô con gái của chị Sửu (học mầm non) cầm những củ khoai trên lên “tạo dáng” chơi, chụp lại ảnh làm kỷ niệm. Tổng trọng lượng của củ khoai mì bằng với cân nặng của con gái chị Sửu đang tạo dáng cho mẹ chụp ảnh.

Sau khi đăng tải trên Facebook, hình ảnh và tổng trọng lượng của gốc khoai mì nhận được nhiều sự quan tâm, tò mò của cộng đồng mạng.

 Củ khoai mì lớn nhất trong gốc khoai nặng gần 5kg.

Được biết, gốc khoai mì này được gia đình chị Sửu trồng cách đây gần 2 năm, mục đích trồng là để lấy hom làm giống cho vụ mùa năm sau, củ khi đào lên dùng luộc lên cho gia đình ăn hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

So với các gốc khoai mì khác thì gốc khoai mì này có thân to hơn, rẽ (củ) cắm sâu và rộng xuống dưới đất nên chị Sửu phải mất nhiều thời gian, công sức mới đào lên được.

 Gốc khoai mì "khủng" khi vừa được đào lên từ dưới đất.

Ngoài gốc khoai mì này, trong vườn của gia đình chị Sửu cũng có một số gốc khác có thân cây "khủng", dự kiến khi đào lên sẽ cho số lượng và trọng lượng lớn.

Khoai mì (miền Bắc gọi là sắn) có tên khoa học là Manihot esculenta, thuộc họ Thầu dầu: Euphorbiaceae. Là một trong các cây lương thực chủ đạo của nước ta. Khoai mì có thân nhỏ, cao khoảng 1, 5 đến 3 m, toàn cây có nhựa trắng và thân có các u nần do cuống lá để lại.

Lá khoai mì thuộc dạng lá đơn, mọc so le với các cuống lá dài, phiến lá xẻ thành 5 – 8 thùy, hình chân vịt. Hoa khoai mì mọc thành cụm ở ngọn, quả hình trứng, có cánh. Rễ khoai mì thuộc dạng rễ củ, phình to và có thể dài đến 60 cm với lớp vỏ dày, lớp vỏ tróc màu vàng nâu, lớp vỏ giữa màu hồng tím, chứa nhiều tinh bột bên trong và có sợi trục như tim nến ở lõi.

Ở nước ta, các loại khoai mì được trồng rộng khắp để lấy củ làm thức ăn cho người, gia súc và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (như tinh bột).

Củ khoai mì có chứa chất độc và hàm lượng độc tố tăng lên trong quá trình lưu trữ. Vì vậy, ăn củ khoai mì sống hoặc chưa được nấu chín kỹ có thể bị say hoặc ngộ độc.

Các biểu hiện của ngộ độc khoai mì thường thấy là cơ thể khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, nôn mửa, đau bụng, khó thở… hoặc nặng hơn là co giật, hôn mê, mạch yếu, trụy tim… và tử vong.

Đối với trường hợp ngộ độc khoai mì, cần sơ cứu bằng cách làm cho người bệnh nôn ra khoai mì và cho uống nước đường hay nước mía để làm giảm độc tính (hoặc dùng 60 – 100 g lá hoặc rễ cây mua (hoa mua) sắc lấy nước uống), sau đó đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, có thể làm giảm và loại bỏ độc tố trong củ khoai mì bằng cách bỏ vỏ, ngâm nước một buổi, thái mỏng rồi phơi khô hoặc nấu chín kỹ trước khi sử dụng (nếu luộc thì luộc kỹ với nhiều nước và nên mở nắp để chất độc bay hơi, ăn cái và bỏ nước). Cách chế biến củ khoai mì ít gây say, ngộ độc là luộc kỹ, chiên tươi, nấu chè, làm bánh, nấu cùng với cơm…

Tác giả: Xuân Chinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin