Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chân dung kẻ vượt ngục khét tiếng nhất lịch sử bất chấp các loại phòng giam đặc biệt

Joseph có thể trốn thoát khỏi bất cứ loại song sắt nhà tù nào, thậm chí được thiết kế dành riêng cho anh ta với bê tông và các thanh tà vẹt kiên cố.

 Joseph Bolitho Johns với bí danh Moondyne Joe. Ảnh: Hesperian Press and Ian Elliot.

Vụ trộm liên quan tới ba ổ bánh mì, hai miếng thịt xông khói, một vài miếng phô mai, một miếng thịt cừu và một ít chất béo, đã châm ngòi cho câu chuyện li kỳ về một phạm nhân vượt ngục khét tiếng nhất trong lịch sử tại Úc.

Tên anh ta không phải là Harry Houdini hay David Blaine – những nhà ảo thuật gia lừng danh thế giới. Anh ta là một người đàn ông bình thường tên Joseph Bolitho Johns hay Moondyne Joe.

Joseph có thể trốn thoát khỏi bất cứ loại song sắt nhà tù nào, thậm chí là nhà tù được thiết kế dành riêng cho anh ta.

Sinh ra ở New South Wales, Úc, vào năm 1820, Joseph đã trở thành tội phạm khi sống bằng việc ăn cắp thức ăn. Theo báo cáo của cảnh sát, Moondyne Joe và người bạn khỏe mạnh của anh ta, William Cross (tên thật là John Williams) đã bị bắt khi lang thang vào đêm khuya ở Monmouth.

Sau khi bị cảnh sát yêu cầu kiểm tra, hai người đàn ông buộc phải mở chiếc túi mà họ mang theo. Lượng thức ăn được phát hiện trong túi trùng khớp với các báo cáo về việc bị mất cắp trước đó.

Hai kẻ trộm bị kết án tù và chuyển tới Anh. Ở đó, Joseph và William đã thụ án 4 năm tù ở các nhà tù khác nhau. Sau đó, họ được trở về Úc và chịu phần còn lại của bản án.

Năm 1852, Joseph và William vẫn bị giam trong hai nhà tù khác nhau. William ở Hobart và Joseph ở Fremantle. Joseph sau đó đã được khoan hồng và thả ra vì cư xử và cải tạo tốt.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, Joseph lại vào tù. Lần này, anh ta bị bắt gặp đang đánh cắp một con ngựa của quan chức địa phương. Tuy nhiên, nửa đêm, Joseph đã bỏ trốn thành công bằng cách sử dụng chính con ngựa mà anh ta đã đánh cắp.

Trong vòng hai ngày sau đó, anh ta bị chính quyền phát hiện đang ngủ trong rừng. Joseph bị bắt một lần nữa và bị đưa trở về Fremantle để thi hành bản án ba năm tại trại cải huấn của thành phố.

Điều buồn cười là Joseph lại may mắn được thả ra trước thời hạn nhờ cư xử tốt, với điều kiện không được tiếp tục gây rắc rối.

 Johns về sau được chôn tại nghĩa trang Fremantle. Ảnh: ABC

Joseph sau đó chuyển đến Newcastle, Australia, với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn và một công việc ổn định. Tuy nhiên, không bao lâu, giấc mơ đã tan tành khi người đàn ông này lại phải đối mặt với án phạt. Joseph bị bắt và tống vào tù với tội danh giết và ăn thịt một con bê của hàng xóm.

Dù tuyên bố đã bỏ tiền mua con bò và không phải người chịu trách nhiệm, Johns vẫn bị kết án 10 năm tù tại Fremantle. Tại đây, anh ta tiếp tục trốn thoát một lần nữa và sau đó bị bắt trong vòng một tháng. Theo đó, bản án đã tăng thêm 12 tháng tù.

Lần này các nhân viên tại trại giam buộc phải xích Joseph lại, nhưng người đàn ông vẫn không từ bỏ ý định vượt ngục. Sau một lần thử thất bại, Joseph đã tìm ra cách trốn thoát cùng một vài tên tội phạm khác.

Sau đó, Joseph cùng với một nhóm tù nhân đã lên kế hoạch để cướp ngân hàng.

Cốt truyện tương tự được lặp lại. Joseph và hai đồng phạm bị bắt ở Westonia. Anh được gửi trở lại 'ngôi nhà' của mình ở Fremantle.

Chính quyền đã thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn việc đào tẩu tái diễn. Cùng với bản án 10 năm đang có hiệu lực, họ kết án Joseph thêm 5 năm lao động khổ sai, thậm chí thiết kế một phòng giam đặc biệt "chống đào tẩu" dành riêng cho ông

Tuy nhiên, những điều này không có tác dụng vì tâm trí anh ta chỉ nghĩ tới chuyện làm sao để trốn thoát.

Vào ngày 7/3/1867, Joseph chui qua một chiếc lỗ bí mật đục trên tường và trốn khỏi trại giam qua cổng phụ không khóa. Cảnh sát tiến hành truy lùng nhưng không thể tìm thấy tên cướp.

Tới tận tháng 9/1870, Joseph mới bị bắt lại và nhốt giam. Anh ta cố gắng trốn thoát một lần nữa nhưng ngay lập tức bị bắt trong khi trèo tường nhà tù.

Joseph chỉ thực sự được hít thở không khí tự do kể từ năm 1873 sau khi nhận được khoan hồng. Người đàn ông quyết định định cư ở Fremantle và làm thợ mộc. Năm 1879, Joseph kết hôn với một góa phụ. 14 năm sau, bà này qua đời do bệnh tật.

Tới đầu năm 1900, nhiều người báo cáo với cảnh sát về một cụ ông mất trí lang thang trên đường vào ban đêm. Đó chính là Joseph. Ông được đưa tới một cơ sở y tế để điều trị. Trùng hợp, nơi đây từng là một phần của trại cải huấn Fremantle, một trong những nhà tù mà Johns từng đào tẩu.

Ảnh hưởng của chứng mất trí, Joseph không nhận ra rằng đây không phải phòng giam và tiếp tục cố gắng trốn khỏi cơ sở y tế này ba lần, song không thành.

Joseph với bí danh Moondyne Joe đã đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 13/8/1900. Người đàn ông được chôn cất ở Fremantle với dòng chữ "rhyddid" (tự do) được khắc trên bia mộ. Ngày nay, ngôi mộ này trở thành một trong những địa điểm được viếng thăm nhiều nhất ở Úc.