Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảm phục người phụ nữ bỏ tiền túi mua xe cứu thương chạy miễn phí cứu người

Những ngày đầu, số điện thoại đường dây nóng của xe cứu thương miễn phí liên tục bị người lạ gọi đến chửi bới, cho rằng bà Bính lừa đảo.

 Bà Phan Thị Bính. Ảnh: enternews.vn

Thương những hoàn cảnh khó khăn vất vả khi đi chữa bệnh ở Hà Nội, bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) đã tự bỏ tiền túi mua xe cứu thương chạy miễn phí.

“Năm 2016, qua các phương tiện báo chí, truyền thông, tôi biết được trường hợp anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải trở thi thể em gái bó chiếu trên xe máy về nhà làm hậu sự đã ám ảnh tôi. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, kêu gọi bạn bè, người quen để thành lập nhóm xe cứu thương miễn phí”, bà Bính cho hay.

Bà Bính đã đi vào An Giang để học tập mô hình xe chở bệnh nhân miễn phí tại địa phương này. Sau đó, bà đứng ra vận động bạn bè đóng góp vật chất để mua xe và chính thức bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 12 vừa qua.

Để một chiếc xe cấp cứu hoạt động thường xuyên không phải chuyện đơn giản. Ngoài chi phí mua xe hàng trăm triệu thì còn kèm theo người lái, đổ xăng, bảo hành sửa chữa, thay thế… Nhưng với quyết tâm phải có bằng được những chuyến xe cấp cứu dành cho người nghèo, cô Bính đã không ngần ngại bỏ ra 90% chi phí mua chiếc xe, số tiền còn lại do bạn bè nhóm thiện nguyện đóng góp.

Khi nhóm thiện nguyện của bà Bính được thành lập, cách thức hoạt động đã được thống nhất, xe cũng đã có, thế nhưng vấn đề lớn nhất làm cả nhóm “dở khóc dở cười” ấy là chẳng có… lái xe.

“Nhóm thiện nguyện chúng tôi chủ yếu là nữ, đến lúc mua xe rồi mới nhớ ra là quên tính việc ai là người lái xe. Không có lái xe thì làm sao chúng tôi đi vào hoạt động? Thế là tôi lại phải liên hệ nhờ nhóm thiện nguyện miền Tây, may mắn có ông Mai Văn Toàn (SN 1964, quê An Giang) đã đồng ý ra Hà Nội hỗ trợ cho đến khi chúng tôi tìm được tài xế mới”, bà Bính nói.

Sau khi đã đi đăng ký, hoàn tất thủ tục xin được hoạt động xe cấp cứu với đầy đủ quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… như các chiếc xe chuyên dụng khác với cơ quan chức năng. Bà Bính cùng nhóm thiện nguyện tiếp tục phải đến từng phòng Công tác xã hội của các bệnh viện để đặt vấn đề chạy… miễn phí.

Những ngày đầu hoạt động, số điện thoại đường dây nóng của chiếc xe liên tục bị người lạ gọi đến chửi bới, họ cho rằng việc làm của bà Bính là lừa đảo, không có thật. Với các cuộc gọi như thế cô Bính không hề thấy tổn thương hay nản chí, cô nhẹ nhàng giải thích và cam đoan những gì mình làm là từ tâm, thiện nguyện, không trục lợi điều gì.

Bên cạnh đó, cô cũng lo sợ sẽ bị một số nhân viên bệnh viện gây khó dễ nên lúc đấy chỉ dám nhận đưa bệnh nhân từ nhà đến viện. Sau đó, khi đã có mối quan hệ cùng sự tin tưởng với nhiều bệnh viện, cô không những trực tiếp xin thông tin các bệnh nhân khó khăn đang điều trị cần sự giúp đỡ mà còn đưa bệnh nhân từ viện về nhà.

“Sau một quãng thời gian dài làm thiện nguyện, nhiều mạnh thường quân đã biết đến nhóm chúng tôi và ngỏ lời tài trợ, đóng góp cho nhóm. Đối với những mạnh thường quân, dù ít dù nhiều chúng tôi vẫn xin nhận lòng tốt và gửi lời cảm ơn đến họ”, bà Bính nói.

“Cứ xả thân hết, dành tất cả tâm trí để cuộc sống của họ bớt khổ được phần nào là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ ở tuổi này, sau quãng thời gian hơn 20 năm làm thiện nguyện, việc giúp ích cho cuộc đời đã trở thành tâm nguyện của tôi”, bà Bính chia sẻ.

Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, bà Bính chia sẻ: Nhóm chúng tôi còn có một kế hoạch là mở một nhà thuốc khám và chữa trị toàn bộ bằng thuốc đông y miễn phí cho người dân. Nhóm cũng có ý tưởng mở một quán cơm cháo tùy hỷ, để cung cấp cơm cháo miễn phí cho nhiều bệnh viện, người lao động có thu nhập thấp, cháu sinh viên khó khăn về tài chính.

Để thực hiện được những ước mơ đó, bà Bính bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội và lãnh đạo các quận, huyện tạo điều kiện giúp đỡ để nhóm có thể triển khai được tâm nguyện của mình, đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Tác giả: Mộc Miên

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật