Bộ trưởng được thêm quyền “cho từ chức”
- 07:28 23-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu Quốc hội biểu quyết |
Dự luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, nhưng có bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng, Bộ trưởng được thêm quyền
Một trong những điểm mới của luật sửa đổi lần này là Quốc hội đã bổ sung một số thẩm quyền cho Thủ tướng. Bên cạnh 11 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn theo luật hiện hành, Luật sửa đổi bổ sung thêm quy định: Thủ tướng có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền về quản lý công chức, viên chức...
Ngoài ra, Luật mới cũng bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành. Riêng quy định Thủ tướng được quyết định tiêu chí, điều kiện thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND tỉnh, huyện… đã được bỏ trong luật sửa đổi lần này.
Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng do dự thảo Luật bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức (khoản 5 Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ), nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại Điều 30 (đối với cán bộ) và Điều 54 (đối với công chức), đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.
Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nội dung khác còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 40 Luật Tổ chức Chính phủ về mô hình, tổ chức cơ quan các bộ, ngành. Theo điều khoản quy định này, các vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.
Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến, tán thành quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10-15% để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, trong quá trình tổng kết Hiến pháp năm 1992 và các luật có liên quan để xây dựng Hiến pháp năm 2013, Đảng, Quốc hội đều đã nhận thấy mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, còn cồng kềnh, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, chưa có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Trong khi đó, tại thời điểm thông qua Hiến pháp năm 2013, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Vì vậy, để dự liệu trước và tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
Hiện nay, nhu cầu cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo đang trở nên bức thiết.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các ĐB, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại theo hướng: “Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có HĐND quận, phường và UBND quận, phường”.
Do đó, quy định về số lượng cấp phó của HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh như dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và các Ban của HĐND. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương.
Cũng trong ngày hôm qua, với tỷ lệ 92,55% tổng số ĐB tham gia tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020; Với tỷ lệ 91,72% ĐB tham gia tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. |
Tác giả: Phạm Diệu
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam