Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Buồn vui chuyện nghề của những cô giáo không đứng trên bục giảng

Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ rối loạn tự kỷ còn khó khăn gấp nhiều lần. Vì vậy, chỉ có sự tâm huyết, tình yêu đối với con trẻ mới giúp các cô giáo theo đuổi nghề nghiệp đến cùng.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2019/11/20/Bu___n_vui_chuy___n_ngh____c___a_nh___ng_c___gi__o_kh__ng______ng_tr__n_b___c_gi___ng.mp4[/presscloud]

Nhiều lần bị trẻ đánh, cào cấu, giật tóc

Tham gia dạy từ những ngày đầu thành lập lớp học đặc biệt dành cho các em mắc tự kỷ - chứng rối loạn về phát triển hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội, tại Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An, cô giáo Tôn Thị Trí (SN 1985) không thể nhớ hết những khó khăn, vất vả mình và đồng nghiệp đã trải qua.

“Cũng là mang danh giáo viên nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Nhiều lúc vô cùng mệt mỏi và áp lực mà không biết nói cho ai. Vì vậy, phải thật sự tâm huyết và dành hết tình yêu thương cho trẻ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tôi cũng không nhớ nổi mấy lần muốn bỏ nghề, nhưng nghề đã chọn mình rồi thì phải theo thôi”, cô Trí cười.

 Việc dạy trẻ tự kỷ cần sự kiên nhẫn.

Cô Tôn Thị Trí vốn là Thạc sĩ tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên Đại học Toulouse (Pháp). Sau khi về nước, cô Trí được mời làm việc tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực phát triển tâm lý trẻ em.

Năm 2010, Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh Nghệ An thành lập đề án về việc mở một lớp dạy các trẻ tự kỷ và cô Trí là người được chọn. Mặc dù đã có công việc ổn định, nhưng vì quê hương, vì những người tâm huyết với trẻ tự kỷ nên cô Trí đã quyết tâm trở về.

Mặc dù đã nghĩ trước một số khó khăn sẽ gặp phải, tuy nhiên cô Tôn Thị Trí vẫn không ngờ được công việc này lại vất vả như vậy. Cơ sở thiếu thốn đủ bề do mới thành lập, không hề có một giáo án cụ thể nào để dạy trẻ tự kỷ, đặc biệt các trẻ đến trung tâm đều đã lớn tuổi nên việc dạy gặp rất nhiều khó khăn.

Có em dù đã lên 6, 7 tuổi nhưng vẫn như “đứa trẻ sơ sinh”, không có kỹ năng giao tiếp, thậm chí chưa biết nói chuyện, tự vệ sinh cá nhân; có em đã 10 tuổi nhưng rụt rè, không phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có em thường xuyên chạy nhảy, có hành vi đánh đập cô giáo...

 Không có một giáo án cụ thể nào trong việc dạy trẻ tự kỷ.

“Triệu chứng tự kỷ sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi. Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm mới có thể hòa nhập xã hội. Phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ rất khó có thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường”, cô Trí nói.

Trong các trường hợp cô dạy, có một bé gái 5 tuổi ở TP Vinh rất xinh xắn, hiếu động, tuy nhiên cháu lại hay nắm tóc người khác giật mạnh mỗi khi gặp vấn đề. Có hôm, cháu nắm tóc cô Trí kéo, giãy đành đạch giữa sàn, phải 3 cô giáo khác vừa dỗ vừa tháo tay mãi mới thành công. “Có một cháu 10 tuổi khi gặp vấn đề thì phải đánh người mới chịu, khi cháu đã ghét ai thì sẽ đuổi theo đánh bằng được mới thôi. Có lần tôi bị cháu đánh, không làm sao thoát được đành phải chịu trận, các cô khác chạy tới ứng cứu cũng bị cháu cào xước hết mặt”, cô Trí nhớ lại.

Đặc biệt, công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hơn nữa, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Ngoài chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trau dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng dạy.

 Các cô giáo phải tự làm dụng cụ và lên giáo án cho việc dạy trẻ.

Khó khăn lớn nhất các cô gặp phải là xuất phát từ chính thái độ của các bậc phụ huynh có con em rối loạn tự kỷ. Theo cô Trí, phần lớn các gia đình còn vô cùng tự ti khi có con em phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác, vì vậy xu hướng của họ thường là giấu kín không cho ai biết. Trong khi đó, việc giáo dục trẻ tự kỷ thì 50% phụ thuộc vào gia đình, các cô giáo chỉ chiếm 30%, ngoài ra còn có yếu tố của xã hội nữa.

Cũng theo cô Trí, đến với lớp học này, các bậc làm cha mẹ phải chấp nhận sự thật về bệnh tình của con mình. Bởi thế, việc làm tư tưởng cho phụ huynh có vai trò rất quan trọng. Khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ phải thực sự kiên nhẫn.

“Hiện nay, tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Song chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Đặc biệt, để cải thiện cho trẻ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Ở nhà, bố mẹ và mọi người cần nói chuyện với trẻ ngắn gọn, rõ ràng; tùy theo sở thích của trẻ mà đưa ra lựa chọn phù hợp với trẻ. Các thành viên trong gia đình cần thay phiên chơi với trẻ, giúp giảm hành vi lặp đi lặp lại của trẻ, tìm kiếm những chương trình hỗ trợ trẻ và cùng trẻ tham gia vào chương trình đó”, cô Trí cho hay.

 Mỗi em sẽ được 1 giáo viên theo dõi quá trình phát triển.

Những "người lái đò" thầm lặng

Là một trong những cô giáo trẻ nhất của phòng, cô giáo Võ Thị Ngân (SN 1993) vẫn chưa thể quên được cảm giác bị sốc khi bắt đầu tiếp xúc với các em mắc chứng tự kỷ. Mặc dù học y nhưng cô Ngân đến với nghề như một cơ duyên xuất phát từ việc yêu thích công việc dạy học.

“Thời gian đầu em bị stress vô cùng, rất may có các chị hướng dẫn, dìu dắt. Các chị đề xuất cho em dạy những trẻ có biểu hiện nhẹ hơn để thích nghi, sau đó mới dần dần tiếp xúc với những trẻ khác. Ngoài ra, em cũng ưu ái được dạy một số trẻ thuộc dạng tự kỷ đặc biệt khi phát triển kỹ năng hiếm có ở một lĩnh vực chuyên biệt như: Âm nhạc, nghệ thuật, các con số… Các cháu này khả năng vượt trội về lĩnh vực đó mặc dù chưa được ai dạy. Việc các cháu tiến bộ từng ngày khiến em mừng phát khóc, cảm giác như mọi công sức của mình đã được đền đáp, từ đó có thêm động lực để đi đến hôm nay”, cô Ngân nói.

 Sau mỗi buổi dạy, cô Trí xem xét lại quá trình để điều chỉnh cách giảng dạy.

Tuy nhiên, việc cô Ngân cảm thấy xót xa là dù cũng làm cô giáo, thế nhưng vì dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt nên trong những ngày 20/11 chưa bao giờ được nhận một bông hoa nào. Các em thì chưa nhận thức được, các gia đình cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về tình trạng của các con, nên vẫn xảy ra tình trạng bỏ mặc cho giáo viên. Vì vậy đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì các thành viên trong trung tâm vẫn tự an ủi và động viên nhau.

“Các em thì chẳng thể nào nhận ra cô, nhưng các phụ huynh cũng chẳng dám đến trò chuyện. Bởi ai cũng né tránh việc con em đang học tại lớp tự kỷ của Quỹ Bảo trợ trẻ em. Lúc đầu em không hiểu vì sao, giờ thì vẫn nói đùa với đồng nghiệp “bọn mình là những người lái đò thầm lặng”. Chỉ cần các cháu tiến bộ là phần thưởng lớn cho các cô rồi”, cô Ngân nói.

 Các cô tự xem mình là những giáo viên thầm lặng, động viên nhau cố gắng.

Bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Đó là những y tá, bác sĩ, giáo viên mầm non, thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành tâm lý học. Họ hướng dẫn trẻ từ động tác đơn giản như nhai, thổi… đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, thế giới xung quanh.

Mặc dù đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An đã có nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, trong đó nhiều nơi nhận trông giữ cả ngày, tuy nhiên, sau gần 10 năm xây dựng, “giáo trình” của Quỹ Bảo trợ trẻ em vẫn là 1 trẻ chỉ nên đến 1 lần trong 1 ngày, mỗi lần chỉ 1 tiếng.

“Chúng tôi nhận định không nên tách rời trẻ tự kỷ với cộng đồng, vì vậy hằng ngày trẻ vẫn đến trường học như các bạn cùng trang lứa. Vào khoảng thời gian này, mỗi cô giáo ở đây sẽ đảm nhận chỉ 1 trẻ, để có thể theo dõi sát sao quá trình phát triển và lên giáo trình phù hợp cho em đó”, bà Lài nói.

Bà Lài khẳng định, dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Bên cạnh tình yêu thương, tâm huyết với nghề của các giáo viên thì việc điều trị cho trẻ rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, nhận biết sớm các triệu chứng của trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ sớm tìm lại nụ cười, hòa nhập với cộng đồng.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin