Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thu tiền triệu mỗi ngày từ kéo lưới rùng ở Nghệ An

Hiện, ngư dân Nghệ An đang rất phấn khởi, vì nghề kéo lưới rùng đem lại thu nhập cao, hàng triệu đồng/ngày.

Những ngày này, trên bãi biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, ngư dân đang rất phấn khởi, vì nghề kéo lưới rùng đem lại thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.

  Ngư dân trúng đậm mẻ lưới rung,thu  gần 3 tạ cá ngảng. Ảnh: Thanh Thủy

Đang là mùa sinh sôi, nảy nở, của các loài cá sống gần bờ như: cá ngảng, cá mai, cá ghé, mực ống nhỏ. Từ rạng sáng, bãi biển Quỳnh Phương đã rộn ràng tiếng gọi nhau í ới của các bạn nghề rủ nhau đi kéo lưới rùng.

Nghề kéo rùng, thường được bà con tiến hành vào những ngày biển lặng, không có gió, và phụ thuộc vào con nước thủy triều. Đồng thời, đòi hỏi phải có sự kết hợp sức mạnh của cả tập thể. Mỗi tay lưới như vậy cần từ 13 - 15 lao động bởi lưới rất nặng.

Sau khoảng 3 tiếng buông lưới, ngư dân tiến hành kéo lưới vào bờ. Một ngư dân cho biết, mẻ này trúng đậm cá ngảng, với gần 3 tạ. Đây là loài cá có đặc điểm mình nhỏ, có vây ở lưng rất cứng, giàu chất dinh dưỡng.

Cá được các thương lái và đặc biệt là nhà hàng ven biển thu mua, để chế biến món canh chua, rất hấp dẫn thực khách. Nếu xúc ngang cả to lẫn nhỏ, cá ngảng có giá bán 40.000 đồng/kg, các nhà hàng muốn lựa riêng cá to, sẽ có giá 60.000 đồng/kg.

Nếu may mắn, mỗi mẻ lưới có thể thu về cả chục triệu đồng. Tiền công của lao động sẽ được chia theo sản lượng, ngày may mắn mỗi lao động có thể thu 500 - 700 nghìn đồng. Nhiều chị em phụ nữ cũng tích cực tham gia kéo lưới rung, để tăng thêm thu nhập.

Với bãi biển đẹp, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm, hàng chục nhà hàng dọc bãi biển Quỳnh Phương, thường thu mua cá khai thác bằng lưới rung, để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Nhiều du khách khi đến đây, cũng rất hào hứng, để được tận mắt xem kéo lưới, và được thưởng thức những mẻ cá tươi ngon nhất của biển Quỳnh Lưu

Diễn Châu: Xuất khẩu ốc xoắn, kiếm tiền triệu/ngày

Gần đây, ngư dân vùng biển Diễn Châu, Nghệ An đang vào mùa khai thác ốc xoắn. Mỗi lần về bờ cập bến, hàng chục tấn ốc được đóng bao bì xuất khẩu, đem lại tiền triệu mỗi ngày.

  Phân loại ốc trước khi thương lái thu mua. Ảnh: Việt Hùng

Được biết đến là nơi có nghề khai thác hải sản phát triển, thời gian gần đây, ngoài đánh bắt tôm, cá, mực bà con ngư dân xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu) đang tập trung khai thác “ốc xoắn” (có nơi gọi là ốc điếu, ốc đinh).

Tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Ngọc) sáng 5/11, hàng chục con tàu đang cập bến, ngư dân tất bật vận chuyển từng khay ốc xoắn lên bờ.

Ông Nguyễn Văn Hưng - chủ tàu cá NA 909.30, xã Diễn Ngọc cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, bà con tập trung khai thác ốc xoắn. Được thương lái về tận nơi thu mua, nên anh em cố gắng bươn chải.

Xuất bến từ chiều hôm trước, sáng hôm sau đã về bờ, với gần 2 tấn ốc xoắn; trừ các khoản chi phí, mỗi ngư dân được khoảng 1 triệu đồng.

Gần đó, tàu cá của ngư dân Hồ Khắc Ngọc cũng vừa mang về hơn 2,5 tấn ốc xoắn. Do trong quá trình đánh bắt, có nhiều loại hải sản lẫn tạp với ốc, nên khi về bờ anh thuê 5 - 7 công nhân phân loại, nhặt ốc xoắn, rửa sạch, đóng gói thành từng bao.

Anh Ngọc cho biết, loại ốc này nằm dưới biển, cách đất liền khoảng 6 - 8 hải lý; hiện đang vào mùa, nên mỗi tàu chỉ sau một đêm, có thể đánh được từ 1,5 - 2,5 tấn ốc xoắn.

Ốc vào bờ, được thương lái thu mua tận nơi, với giá 4.000 đồng/kg, sau đó, họ đóng bao bì, chở đi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị Liên - một thương lái thu mua ốc xoắn, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi thu mua hàng chục tấn ốc xoắn, tại cảng cá Lạch Vạn, và một số bến cá ở thị xã Hoàng Mai.

Toàn bộ hải sản, sẽ được vận chuyển đi các tỉnh phía Nam, và xuất khẩu. Được biết, ngoài dùng để chế biến những món ăn đậm đà vị biển, và được bán ở các điểm chợ, với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thì hầu hết loại ốc này, dùng để chế biến làm thức ăn cho tôm hùm.

Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho biết, thời gian gần đây, không khí đánh bắt hải sản của bà con ngư dân khá sôi nổi, đặc biệt là nghề săn ốc xoắn.

Trên địa bàn 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích, hiện có hơn 70 tàu khai thác loại ốc này. Bà con rất vui mừng, bởi có bao nhiêu ốc đánh về, đều được thu mua hết, không tồn đọng.

Mặc dù giá bán không cao, nhưng với số lượng lớn, nên mỗi ngày ngư dân có thể kiếm được tiền triệu là chuyện thường.

Khánh Hoà: Chiếm biển nuôi hàu

Hiện, tại khu vực bãi biển thôn Tân Đức Đông (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), có hàng chục héc-ta mặt nước, bị người dân cắm cọc nuôi hàu trái phép. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần giải quyết, nhưng sự việc vẫn chưa tiến triển.

  Diện tích nuôi hàu, ở xã Vạn Lương đã  lên đến hàng chục ha

Việc cắm cọc nuôi hàu ở Vạn Lương, mới diễn ra vài năm gần đây. Trước đó, khu vực này là nơi ngư dân thường xuyên đặt bẫy nhử tôm hùm. Từ năm 2015, một số hộ thấy có hàu bám, nên đã cắm trụ chiếm biển, dụ hàu.

Thấy hiệu quả kinh tế cao, nên các hộ khác cũng đem cọc ra khu vực bãi biển gần bờ, cắm khoanh vùng. Tình trạng này diễn ra rầm rộ vào năm 2017. Ban đầu chỉ vài hộ, đến nay toàn khu vực đã có 38 hộ cắm trụ nuôi hàu.

Bình quân, mỗi gia đình quản lý khoảng 4.000 trụ, với diện tích nuôi trồng lên đến cả chục héc-ta mặt nước. Khu vực bị lấn chiếm nuôi trồng trái phép, kéo dài từ vùng tiếp giáp với bãi biển Vạn Giã, đến hết thôn Tân Đức Đông, xã Vạn Lương.

Ông Thành (người nuôi hàu thôn Tân Đức Đông) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hàu cách đây 4 năm. Thấy người ta nuôi mình cũng nuôi. Khu này nghe nói là không thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng, nhưng hồi đó cắm cọc, không thấy ai có ý kiến gì.

Thú thật, mấy năm nay biển đói quá, nên mới đầu tư làm nghề này. Chứ làm vậy cũng không được bao nhiêu, mỗi năm thu hoạch được 4 tháng thôi”.

Theo ông Thành, người nuôi hàu chủ yếu là dân thôn Tân Đức Đông, một số ít ở thị trấn Vạn Giã, do không có nơi cắm cọc, nên cũng xuống đây chiếm biển.

Hàu chủ yếu bán cho các hộ nuôi tôm hùm, giá trị kinh tế không cao. Các hộ nuôi xem đây là nguồn thu nhập them, trong giai đoạn nguồn lợi bị cạn kiệt.

Song, việc nuôi trồng ồ ạt như vậy, khiến nhiều người dân lo ngại về việc ô nhiễm môi trường. Trong các lần tiếp xúc cử tri, vấn đề này được người dân phản ánh và yêu cầu chính quyền có biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ điểm nuôi hàu trái phép.

Tuy nhiên, các hộ cắm cọc chiếm biển lại cho rằng, như vậy là không thỏa đáng. “Dân biển thì phải sống nhờ biển thôi. Chúng tôi cắm cọc nuôi hàu như thế này, không ảnh hưởng gì đến môi trường. Lúc nào Nhà nước thu hồi làm kè thì chúng tôi trả”, ông Tú (thôn Tân Đức Đông) cho biết.

Việc nuôi hàu trái phép trên vùng biển Vạn Lương đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền địa phương cũng đã 3 lần mời các hộ nuôi hàu lên làm việc, và yêu cầu trả lại diện tích mặt nước, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.

Ông Ngô Xuân Phúc - Chủ tịch UBND xã Vạn Lương, cho biết, trước đây khi chưa có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, người dân cắm cọc nuôi hàu chính quyền có biết, nhưng không thể cấm họ.

Đa phần, những người nuôi hàu làm nghề đi biển, gia cảnh hết sức khó khăn. Khoảng chục năm trước, đi biển còn kiếm được tôm, cá, nhưng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt, nên người dân chuyển sang cắm cọc nuôi hàu.

“Năm 2017 khi cơn bão số 12 ập vào, chuyện hỗ trợ người nuôi thủy sản bị thiệt hại bắt đầu nóng lên. Những gia đình nuôi trong vùng quy hoạch và thống kê ngay từ đầu, thì được Nhà nước hỗ trợ thỏa đáng.

Từ đó, vấn đề quy hoạch được quan tâm, người dân triệt để tuân theo. Trong khi toàn bộ diện tích nuôi hàu lại không nằm trong vùng quy hoạch.

Xã đã nhiều lần mời các hộ lên làm việc, và yêu cầu tháo dỡ, di chuyển vào vùng quy hoạch, để bảo đảm đúng quy định pháp luật, nhưng không hộ nào đồng ý, thậm chí người dân còn nói, muốn cưỡng chế thì chính quyền tự làm.

Họ cho rằng, nếu đi vào vùng quy hoạch thì xa, mà lại không có hàu. Người dân cũng cam kết, nếu có dự án làm kè, bảo vệ bờ biển, hay dự án nào của Nhà nước, thì sẵn sàng bàn giao, mà không đòi hỏi hỗ trợ hay bồi thường.

Việc này, hiện đã vượt quá thẩm quyền giải quyết của xã, nên xã báo cáo UBND huyện chờ chỉ đạo xử lý”, ông Phúc nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Vạn Lương, việc xử lý không đơn giản, không chỉ vì sự phản đối của người dân, mà diện tích nuôi quá lớn, hàng trăm nghìn cọc đã cắm xuống biển, nên dỡ bỏ không dễ.

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết, tới đây huyện sẽ mời UBND xã lên báo cáo tình hình, để tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên, quan điểm của huyện là cương quyết xử lý, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ cọc trụ hàu, nếu người dân không hợp tác, sẽ cưỡng chế trả lại diện tích mặt nước, và bảo đảm các quy định của pháp luật.

Tác giả: An Như

Nguồn tinkinhtenongthon.vn