Con Cuông (Nghệ An): Khu tái định cư di dân khẩn cấp 26 tỷ đồng đổ nát, xuống cấp trầm trọng
- 11:11 11-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khung cảnh đổ nát, hoàng tàn tại Khu tái định cư khẩn cấp 26 tỷ đồng. |
Theo quyết định phê duyệt năm 2011, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở và vùng đặc biệt khó khăn của xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) có tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại bản Quăn, xã Bình Chuẩn và do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư.
Những ngày đầu tháng 11/2019, có mặt tại Khu tái định cư bản Quăn, xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, Nghệ An) bằng mắt thường phóng viên ghi nhận được khung cảnh đổ nát, đìu hiu, tiêu điều. Đến đầu Khu tái định cư, chiếc cầu tràn bắc qua khe Chon cũng là con đường độc đạo để vào Khu tái định cư này đã bị nước lũ cuốn trôi sau mấy tháng sử dụng.
Nhiều hộ dân đã phải rời đi vì cầu tràn độc đạo qua khe Chon vào Khu tái định cư bản Quăn bị lũ cuốn trôi từ nhiều năm. |
Theo người dân địa phương, sau khi đưa vào sử dụng không lâu, cầu tràn qua khe Chon để vào khu tái định cư bị lũ cuốn trôi nên giao thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa mưa lũ, nước khe Chon dâng cao khiến Khu tái định cư bản Quăn bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đặc biệt, cuối năm 2017, một người dân trong lúc cố vượt suối này đã bị nước lũ cuốn trôi tử vong.
Giao thông bị chia cắt vào mùa mưa lũ nên nhiều hộ dân sau khi vào Khu tái định cư sinh sống đã bỏ lại đất đai, nhà cửa tìm về chốn cũ. Thời điểm phóng viên có mặt, tại Khu tái định cư bản Quăn chỉ có hai gia đình sinh sống.
Nhiều căn nhà đã đổ sập chỉ còn lại đống gạch vụn trên nền đất. |
Anh Quang Văn Tiến, sinh năm 1987 cho biết đã chuyển đến đây sinh sống được 4 năm. Hiện cuộc sống của gia đình anh Tiến chỉ phụ thuộc vào ít ruộng nương chứ chưa được giao đất rừng sản xuất. Cuộc sống của gia đình rất khó khăn.
Cách đó không xa, chị Vi Thị Bảo, sinh năm 1987 đang ở nhà cùng 2 đứa con thơ nheo nhóc. Chị cho biết, vợ chồng chị mượn đất làm ruộng của bên ngoại, vụ đầu còn được 6 đến 7 bao thóc còn vụ này mất mùa, cả nương lúa chỉ được có 3 bao. Gia đình chị không biết trông chờ vào đâu khi mùa giáp hạt sắp đến.
Cũng theo những hộ dân sống ở đây, cả Khu tái định cư bản Quăn có 3 giếng khoan nhưng tất cả đều đục, nguồn nước không đảm bảo để sử dụng.
Còn sót lại một số nhà nhưng khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu gần như không có người sử dụng tại Khu tái định cư bản Quăn. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông (đại diện chủ đầu tư) cho biết: “Theo quy mô dự án, tại bản Quăn (xã Bình Chuẩn) sẽ có 60 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở dự kiến được di dời. Dự án được triển khai từ năm 2011 với tổng mức đầu tư 26 tỷ đồng. Hiện tại có 31 hộ dân đã di dời, còn 29 hộ chưa có nguồn vốn giải phóng mặt bằng, xây lắp nên chưa thể đưa người dân vào ở ”.
Khi đề cập đến thực trạng người dân không mặn mà với khu tái định cư này dẫn đến phần nhiều nhà cửa bỏ hoang, ông Tuấn cho biết: “Theo như điều tra lại, trong tổng số 31 hộ ra đó có một số cũng ở ổn định còn một số hộ do họ đi làm ăn xa nên nhà cửa họ để vậy không có ai trông coi. Một số nguyên nhân nữa là do cầu tràn qua khe bị nước lũ cuốn trôi nên người dân cũng ngại đi lại vào mùa mưa lũ”.
Khu tái định cư bản Quăn hiện chỉ là những căn nhà sàn hoang phế, tiêu điều. |
“Hiện vấn đề cấp thiết nhất là cần có một cây cầu cứng bắc qua khe Chon vào Khu tái định cư. Vì theo tìm hiểu thực tế, không chỉ riêng người dân Khu tái định cư mới, nhiều hộ dân ở bản Quăn vẫn thường qua vùng này làm nương rẫy. Huyện đang đề xuất, bổ sung cầu dân sinh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tránh bị cô lập vào mùa mưa lũ. Nếu được, huyện sẽ đề xuất đưa cầu này vào dự án Lramp (Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương) của Tổng cục đường bộ nhưng đề xuất vậy thôi còn bao giờ triển khai được thì còn phải chờ”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.
Tác giả: Quang Hợp
Nguồn tin: Báo Xây Dựng