Tiết lộ giật mình của thạc sĩ tâm lý từng làm giáo viên ở Tâm Việt
- 13:00 08-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bỏ học thạc sĩ, chỉ cần 1 năm ở Tâm Việt tương lai giỏi hơn giảng viên đại học
Đó là lời ông Phan Quốc Việt – CEO Tâm Việt Group nói với cô thạc sĩ tâm lý trong buổi thi tuyển làm giáo viên ở Tâm Việt.
Chị K.M. (SN 1992), cử nhân chuyên ngành tâm lý tốt nghiệp một trường đại học tại nước ngoài chia sẻ, cách đây 3 năm, chị được người quen giới thiệu đến gặp ông Phan Quốc Việt .
“Lúc mới ra trường, tôi cũng mong muốn tìm công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Nghe giới thiệu ông Việt mở trung tâm chuyên dạy trẻ tự kỷ (lúc này đang đóng ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), tôi hi vọng sẽ được làm việc ở đây lâu dài”, chị M nói.
Một trường hợp học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe sau thời gian được 'huấn luyện' tại Tâm Việt |
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần học việc, chị M. vội “chạy mất dép”.
Trong buổi phỏng vấn tuyển dụng đó, chị mang theo bộ hồ sơ xin việc, tuy nhiên ông Việt không xem mà chỉ hỏi qua loa, xem chị có nhu cầu, nguyện vọng làm ở Tâm Việt hay không?
Thời gian học việc sẽ không được hưởng lương, khi nào vượt qua các vòng kiểm tra về kỹ năng, chị M sẽ chính thức được nhận.
Các kỹ năng chị M phải thành thục đó là tung bóng, đi xe đạp 1 bánh, đội chai. “Nếu không làm được 3 động tác đó, đồng nghĩa với việc là không được nhận”, chị M cho hay.
Quá trình phỏng vấn, biết chị M đang theo học Thạc sĩ, ông Việt đã khuyên chị M nghỉ.
“Ông Việt nói, tôi chỉ cần ở Tâm Việt một năm là đủ khả năng làm giảng viên, tương lai còn giỏi hơn các giảng viên học đại học. Tôi đã bị sốc khi nghe ông Việt khuyên như vậy nhưng do là chỗ quen biết giới thiệu nên tôi vẫn ở lại thử sức”, nữ giáo viên sinh năm 1992 kể.
Cô giáo M còn cho biết, ông Phan Quốc Việt là người có khả năng ăn nói, thuyết phục người đối diện, dễ nắm bắt tâm lý người khác.
Mặc dù không có chuyên môn về giáo dục trẻ tự kỷ nhưng ông khiến nhiều phụ huynh và giáo viên trung tâm tôn sùng mình như “vị thánh sống”.
"Các phụ huynh tìm đến ông Việt thường là những người có con mắc hội chứng tự kỷ, gặp khó khăn trong việc dạy con. Bản thân họ đã khá mệt mỏi khi thực trạng can thiệp ở Việt Nam vẫn bát nháo, chưa được kiểm định một cách chặt chẽ.
Từ chỗ đó, ông Việt dùng khả năng thuyết phục của mình, vẽ ra viễn cảnh biến trẻ tự kỷ thành "kỷ lục gia", khiến phụ huynh tin tưởng và nghe theo một cách tuyệt đối.
Hằng ngày các giáo viên và nhân viên tập sự như tôi có 30 phút họp. Trong các cuộc họp này, chúng tôi được ông Việt giảng về các giá trị, lý thuyết về cuộc sống mà ông tự nghĩ ra hoặc cải biên từ một lý thuyết nào đó. Những điều ông Việt giảng đều được xem như phương châm hoạt động của trung tâm cũng như các thành viên trong trung tâm", chị M nhớ lại.
Từng chứng kiến giáo viên ở Tâm Việt bắt trẻ tự kỷ ăn lại thức ăn nôn trớ
Theo lời chị M, thời gian chị học việc, trung tâm mới chỉ nổi tiếng về mảng dạy kỹ năng sống, mảng giáo dục, dạy trẻ tự kỷ mới mở được 1 năm với 10 học sinh.
Ngoài 2 nhân viên quản lý trẻ 24/24, nhân viên từ các bộ phận của Tâm Việt Group sẽ kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc, dạy trẻ tập xiếc.
Ví dụ như cô D. (người phụ nữ có hành vi chửi mắng, dùng bóng ném trẻ khi tập xiếc từng xuất hiện trong video VietNamNet ghi được cách đây vài tháng ở cơ sở Từ Sơn, Bắc Ninh) khi đó chỉ là biên tập viên sách.
“Tất cả giáo viên kiêm nhiệm đó đều không có bằng cấp chuyên môn về dạy trẻ đặc biệt.
Lúc bình thường họ có thể xưng hô mẹ-con với các cháu nhưng lúc dạy dỗ, do không có chuyên môn nên họ không hiểu các con cần gì, muốn gì, không có kỹ năng tiết chế cảm xúc nên có xảy ra việc nói nặng lời với trẻ, dùng bóng ném và đánh trẻ.
3 năm trước khi số học sinh tự kỷ ở trung tâm còn ít, suất ăn của các con sẽ là cơm hộp được đặt ở ngoài quán mang vào và ăn chung với giáo viên.
Một số trẻ gặp vấn đề trong ăn uống nhưng các giáo viên Tâm Việt không hiểu điều đó và bắt ép các trẻ ăn như nhau.
Có những trẻ ăn thực phẩm như tôm, tép... bị ngứa ở cổ họng chẳng may nôn ra bàn thì các thầy cô sẵn sàng bắt trẻ cúi xuống ăn lại”, cô giáo M chia sẻ thêm.
|
Chị M cho biết, có 2 lý do chị “tháo chạy” khỏi Tâm Việt sau 2 tuần.
Thứ nhất: Chị thấy phương pháp Tâm Việt dạy không đúng khoa học. Ngoài học làm xiếc, các trẻ trong trung tâm không được học kỹ năng về ngôn ngữ, giao tiếp.
Vận động đội chai, tung con lăn, đạp xe chỉ là một phần hỗ trợ. Những kỹ năng này không thể thay thế cho các phương pháp can thiệp khác và cũng không phải phù hợp với tất cả các trẻ.
Một số trẻ nhanh nhẹn được giáo viên dạy những câu giao tiếp, giới thiệu bản thân như một cái máy ghi âm. Tức là giáo viên nói gì, các cháu sao chép lại. Ví dụ: Câu bé tên K.N gặp ai cũng giới thiệu: Con tên K.N, con ở trung tâm được thầy cô chăm sóc, ước mơ của con là trở thành kỷ lục gia…
Thứ hai: Chị M sợ mình bị thuyết phục bởi khả năng đánh “đòn” tâm lý từ ông Việt. Nếu gắn bó lâu dài, chị sẽ sùng bái ông Việt một cách ngu muội và buộc phải cư xử với các em học sinh như các giáo viên khác đang làm.
“Ở Tâm Việt không hề có giáo trình dạy học. Suốt thời gian ở đó tôi chỉ được học đội chai, tung bóng và đi xe đạp, khi nào thành thục mới chính thức được hưởng lương.
Bất cứ giáo viên nào làm lâu năm đều được ông Việt phong cho một chức vụ, ví dụ phó phòng, trưởng phòng... dù mức lương cũng chỉ nhận ở mức 5 - 6 triệu. Đó như liều doping, để những giáo viên ở lại, ra sức cống hiến.
Tôi nghỉ việc một cách đột ngột, không thông báo trước vì thấy các phương pháp dạy trẻ ở đây hoàn toàn không phù hợp với trẻ và những gì mình từng được đào tạo. Tôi sợ nếu ở lại lâu dài, bản thân mình có thể bị mê muội theo những lời dẫn dụ có vẻ rất thuyết phục của ông Việt.
Các sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, nếu không tỉnh táo rất dễ bị cuốn vào “thế giới” ảo tưởng do ông Việt vẽ ra”, chị M nói.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo Vietnamnet