Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bão số 6 diễn biến vô cùng phức tạp, có thể đổ bộ vào Chủ Nhật

Sự hình thành cùng lúc 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên các đại dương khiến bão số 6 có đường đi và cường độ thay đổi rất phức tạp. Bản tin dự báo mới nhất cho thấy, bão có thể đổ bộ đất liền Quảng Ngãi-Khánh Hòa vào Chủ Nhật (10/11) với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

 Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 6, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào 4 giờ sáng nay, tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 340km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Đông, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ sáng mai, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ sáng thứ Bảy (9/11), tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ nhanh hơn, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ sáng Chủ Nhật (10/11), tâm bão cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi-Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Tây Nguyên. ATNĐ sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đi sâu vào đất liền, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía bắc Cam-pu-chia.

 Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, nhận định của các trung tâm dự báo bão lớn trên thế giới còn nhiều khác biệt về cơn bão số 6 trên Biển Đông. 

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay trên các đại dương có 4 cơn bão/áp thấp nhiệt đới cùng hoạt động gồm bão số 6 ở Biển Đông, bão Maha ở Ấn Độ Dương, HaLong ở Tây Bắc Thái Bình Dương và áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bengal. Do có nhiều hình thế chi phối nên đường đi và cường độ của bão số 6 rất phức tạp như đổi hướng di chuyển, tăng cấp liên tục. Các trung tâm dự báo lớn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Châu Âu có những dự báo khác nhau về cơn bão số 6. Vì vậy, cần liên tục cập nhật các bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Bão số 6 hình thành từ một vùng thấp trên dải hội tụ nhiệt đới giữa Biển Đông. Vùng thấp này sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục mạnh lên thành bão. Dự báo bão mạnh nhất có thể lên cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó suy yếu hơn trước khi đổ bộ vào đất liền nước ta. Bão có thể gây mưa lớn cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và phần phía đông của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum trong ba ngày từ 9-11/11.