NHNN sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân
- 10:47 06-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Tàu 67" đang khiến nhiều ngư dân mang nợ. |
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường về Nghị định 67, chính sách phát triển thủy sản, giải pháp hỗ trợ ngư dân tới đây ra sao?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 được ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi, đảm bảo phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong bối cảnh vùng biển đang có nhiều vấn đề. Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm ra khơi.
Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới. Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi.
Với 55 chiếc tàu đang nằm bờ, Bộ trưởng Cường chỉ ra nhiều nguyên nhân: Do đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu đã chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, muốn chuyển đổi…
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu và Thủ tướng đã có quyết sách, thay đổi phương thức đầu tư.
Cũng cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.
"Hiện, có tâm lý ỷ lại nên sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa mà ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được”, Bộ trưởng nói.
Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp.
Trả lời thêm về vấn đề hỗ trợ ngư dân vay tiền đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết hiện tổng dư nợ cho vay là 10.500 tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 33%.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc và thu lãi sau.
Theo Thống đốc NHNN, trước tình hình nợ xấu còn phát triển, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tham mưu phương án để chính quyền địa phương quy hoạch lại các nhóm nghề khai thác, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại khai thác hiệu quả hơn.
Đồng thời phối hợp với ngân hàng rà soát các trường hợp nợ xấu. Trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, còn trường hợp chây ì, cố tình không trả thì kiên quyết thu hồi.
Các bộ ngành cũng sẽ hoàn thiện cơ cấu chuyển đổi chủ tàu, trong đó đặc biệt có giải pháp để hạn chế chênh lệch giá chuyển đổi giữa chủ cũ và chủ mới.
Tác giả: D.T
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn