Làm gì khi chồng không còn tôn trọng vợ?
- 08:32 05-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vợ chồng luôn tâm sự để có tiếng nói chung. Ảnh minh họa |
Mệt mỏi bế tắc vì bị chồng coi thường
Chị Trang, nhân viên văn phòng tại một công ty lớn ở Hà Nội kể rằng: "Tôi không làm gì nên tội nhưng không hiểu vì lý do gì mà chồng tôi thường xuyên tỏ ra coi thường vợ trước mặt người khác. Tôi không phải là người lừa tình, không mê đắm chồng đến mức bất chấp tất cả, cũng không phải là người tệ hại gì so với chồng. Ngược lại tôi hơn anh rất nhiều thứ, hơn về gia đình, về học thức và về địa vị xã hội. Duy chỉ có hình thức thì chồng hơn tôi. Chỉ vì anh ấy đẹp trai thôi, chứ bản thân tôi không xấu".
Chúng tôi được biết, một thời gian dài chị Trang nhịn vì nghĩ rằng, chắc chồng có mặc cảm về nhiều thứ kém vợ. Thế nhưng nhịn mãi mà dường như chồng chị vẫn không hiểu cho, vẫn không thay đổi. Nhiều lúc chị Trang cảm giác chồng mình nói năng cư xử một cách rẻ rúng với mình. Chồng chị Trang chưa bao giờ nhìn nhận giá trị hay sự tồn tại của chị trong căn nhà của hai người. Thậm chí, anh ấy cũng như thường xuyên thể hiện điều đó trước mặt người ngoài. Điều đó khiến cho mối quan hệ vợ chồng của chị Trang chưa bao giờ bình yên, hưởng hạnh phúc. Nhiều lúc, chị Trang cảm thấy thực sự mệt mỏi, cảm thấy mình vô giá trị và rất muốn ly hôn nhưng cứ lần lữa mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Cũng chuyện bị chồng thiếu tôn trọng, chị Thanh ở Hà Nội đã từng gửi tâm sự đến Báo gia đình & Xã hội cho biết, chồng chị vì thiếu tin tưởng và thiếu tôn trọng vợ nên lúc nào cũng tỏ ra ghen tuông nghi ngờ. Mặc dù chị Thanh không tơ tưởng gì đến bất cứ ai ngoài chồng nhưng không hiểu sao chồng luôn nghĩ chị đang cặp kè với ai đó.
Chị Thanh kể: "Có lần tôi phải ở lại cơ quan muộn để hoàn thành công việc được giao. Hôm đó chồng tôi không biết vô tình hay cố ý đi qua cơ quan. Thấy trong sân cơ quan tôi chỉ có hai chiếc xe máy, trong đó có một chiếc của tôi. Cổng thì khóa, bác bảo vệ lại có việc đi đâu đó. Thế là chồng tôi đập cổng, làm ầm ĩ ở ngay phía dưới.
Đúng lúc đó bác bảo vệ đi mua cơm tối về. Biết là chồng tôi nên bác đã mở cửa cho anh ấy vào. Lên phòng, chồng tôi lơ láo khắp phòng rồi hỏi: "Nó đâu? Nó đâu?". Rồi cứ thế chồng tôi lôi tôi xềnh xệch từ tầng 2 xuống. Tôi bảo "anh có bị điên không?" thì chồng tôi định đánh tôi và bảo tôi bỏ nhà bỏ cửa, chẳng cơm chẳng nước để ở lại hủ hóa".
3 gợi ý để được tôn trọng trong quan hệ vợ chồng
Theo các chuyên gia, tôn trọng có nghĩa là không ai có quyền lực hoặc thẩm quyền đối với người khác. Điều đó có nghĩa là chúng ta không cần phải đồng ý với ai đó để yêu họ. Tôn trọng có nghĩa là cho ai đó không gian để có ý kiến và hành trình của riêng họ. Tôn trọng chính là chấp nhận, không phán xét. Tôn trọng nghĩa là không kiểm soát, là để cho được phát triển. Tôn trọng có nghĩa là không đặt định nghĩa của bạn trên người khác, là để làm việc trên các vấn đề của riêng bạn. Tôn trọng có nghĩa là có quyền có cuộc sống an toàn của riêng mình.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, khi một người chồng không có sự tôn trọng thì chắc chắn họ không thể có niềm tin về mình. Và khi không có niềm tin thì mối quan hệ đó không thể phát triển và không thể có được hạnh phúc. Do vậy, khi thấy chồng thiếu tôn trọng mình, chị em cần nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ hôn nhân của mình. Trong trường hợp chưa sẵn sàng ly hôn thì các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý sau để giúp các bà vợ cố gắng xây dựng sự tôn trọng trong mối quan hệ vợ chồng.
1. Nói những gì bạn muốn thực hiện và không nói những điều bạn không thực sự có cảm xúc. Nếu bạn muốn tạo dựng niềm tin và sự tôn trọng, thì bạn cần ngừng nói những điều mà bạn không làm, hoặc những điều không thể hiện cảm xúc thực sự của bạn.
2. Hãy cho chồng bạn biết rằng bạn cảm thấy không được tôn trọng. Nếu bạn cảm thấy mình không được lắng nghe và thấy khó chịu, thì hãy nói cho chồng bạn biết rõ cảm xúc bị tổn thương của mình.
Giao tiếp rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào, vì vậy bạn cần cởi mở và trung thực về cảm giác của mình. Làm như vậy cũng chính là bạn đang đưa đến cho chồng một cơ hội để anh ấy điều chỉnh hành vi. Bởi đôi khi việc chồng bạn thể hiện sự thiếu tôn trọng có thể chỉ là một phút cảm xúc thiếu kiểm soát bởi lý do căng thẳng nào đó. Do vậy, bạn cần phải cởi mở và trung thực đối với chính bản thân mình và với chồng.
3. Tạo ra những ranh giới của chính bạn để anh ấy hiểu rằng, anh ấy cần phải tôn trọng bạn. Những ranh giới có thể bao gồm như: Ý kiến của bạn cần được lắng nghe và có giá trị. Bạn được phép không đồng ý; cảm xúc của bạn cần được xem xét và tôn trọng.