'Con gái Trà My của tôi chết ở Anh là sự thật rồi'
- 19:01 02-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Di ảnh Phạm Thị Trà My - người mà thông dịch viên cho nhà chức trách Anh gọi điện thông báo là 1 trong 39 nạn nhân chết ở xe container - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Sau khi Cảnh sát Essex (Anh) thông báo 39 thi thể trên container đều là người Việt, một số gia đình người Hà Tĩnh nghi có người thân chết trong xe container ở Anh nói đã cạn hết hi vọng. Việc con chết ở Anh là chuyện không còn mơ hồ với họ nữa.
Từ tối qua đến chiều nay (2-11), ông Nguyễn Đình Gia (57 tuổi, ở xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) suy sụp hẳn vì có một người xưng là thông dịch viên cho nhà chức trách của nước Anh gọi về báo tin nói con ông, Nguyễn Đình Lượng, là 1 trong số 39 người bị chết trong thùng xe container.
"Khoảng 20h tối 1-11, có một người xưng là thông dịch viên cho nhà chức trách của nước Anh gọi về báo tin em nó là 1 trong số 39 người bị chết trong container. Tôi không tin đó là sự thật" - ông Gia đau đớn thốt lên.
Vào trong căn nhà cấp bốn lụp xụp, chúng tôi thấy gia đình ông Gia đã lập bàn thờ có di ảnh của Lượng. Năm nay Lượng tròn 20 tuổi. Cuối năm 2017, vợ chồng ông Gia vay hơn 450 triệu đồng cho Lượng qua Pháp làm thuê. Nhưng phải tới tháng 4-2018, Lượng mới đến đất Pháp, giúp việc tại nhà hàng ăn uống.
Ngày 21-10, Lượng gọi điện về báo rằng "chuẩn bị sang Anh bằng đường ôtô". Và đến chiều 23-10, một người Việt ở bên Anh gọi về nói với ông Gia rằng chuẩn bị "chồng tiền" cho Lượng sang Anh. Nhưng mãi sau đó gia đình ông không thấy Lượng gọi về.
"Hơn một tuần nay tôi chỉ cầu mong cho con được an lành thì nay không còn hi vọng nữa. Nếu tôi biết có ngày hôm nay thì đã không cho con nó đi làm thuê rồi. Sao con tôi chết sớm vậy” - bà Nguyễn Thị Huân, mẹ của Lượng, nằm trên giường thều thào khóc thương con.
Giờ đây ông Phạm Văn Thìn tin rằng con gái Trà My chết ở Anh là sự thật - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Cũng như ông Gia, ông Phạm Văn Thìn ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng nói gia đình ông vừa nhận được một cuộc điện thoại từ nước Anh nói là con gái ông - Phạm Thị Trà My - là 1 trong 39 nạn nhân chết ở Anh.
"Giờ tin con gái tôi chết ở Anh là đúng sự thật rồi. Đau xót quá. Giờ vợ chồng tôi biết làm sao đưa con gái về mai táng đây", ông Thìn nghẹn ngào nói.
Trước đó, gia đình ông Thìn có đọc tin nhắn của Trà My nói rằng: "Con xin lỗi bố mẹ nhiều. Con đường đi nước ngoài không thành. Con chết vì không thở được". Sau tin nhắn đó, gia đình ông Thìn có linh cảm Trà My có chuyện chẳng lành nên đã lập bàn thờ.
Được biết Trà My là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em - 2 trai, 1 gái. Cuộc sống quá khó khăn nên học hết lớp 12, Trà My đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
Trở về quê, số tiền dành dụm được ở Nhật Trà My đều đưa cho bố mẹ và các anh trai làm ăn, nhưng rồi kinh tế gia đình vẫn không thoát khỏi khó khăn. Thấy cuộc sống quá vất vả, Trà My đã xin bố mẹ đi Anh làm thuê thì gặp nạn.
Ông Bùi Huy Cường, phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho biết đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng 8 trong số 39 người chết ở Anh chính là người của địa phương.
"Tuy nhiên, việc phát ngôn hay khẳng định là phải từ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Hiện địa phương đang lên nhiều phương án đón thi thể các nạn nhân về mai táng ở quê nhà" - ông Cường nói.
Liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Anh, Cảnh sát hạt Essex ngày 1-11 thông báo rằng đến lúc này họ tin rằng những người chết trong xe container đều là người Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh đã có 10 gia đình trình báo cho cơ quan chức năng về việc người thân của họ mất liên lạc khi tìm đường nhập cư trái phép vào nước Anh.