Công ty cổ phần 471 dính ‘án phạt’ lĩnh vực chứng khoán
- 15:12 02-11-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh chụp website Công ty cổ phần 471. |
Cụ thể, Công ty cổ phần 471 công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Nghị quyết và Biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 20/4/2019, Báo cáo thường niên năm 2018.
Mức phạt là 70 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Được biết, Công ty CP 471 có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và 356 nhân viên (tính đến thời điểm ngày 31/12/2018). Ông Mai Anh Đồng - Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Về năng lực tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Công ty CP 471 thì công ty ghi nhận khoản doanh thu thuần 982 tỷ đồng, tăng 79,5% so với năm 2017. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tới 913 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp mà công ty thu lại chỉ đạt gần 69 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2018, công ty ghi nhận khoản lỗ khác tới 5,5 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lãi tới 4,1 tỷ đồng. Kết quả, năm 2018, Công ty CP 471 đạt 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 3,8% so với năm 2017.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Công ty CP 471 ở mức 912,6 tỷ đồng, tăng gần 290 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, riêng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đã chiếm gần 700 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại thời điểm cuối năm 2018, Công ty CP 471 ghi nhận khoản nợ phải trả tới 852,6 tỷ đồng, tăng 290 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm (trong đó khoản nợ ngắn hạn chiếm tới 773,3 tỷ đồng). Con số nợ này cao gấp hơn 14 lần mức vốn chủ hữu của công ty, đặt ra hỏi rất lớn về an toàn tài chính của công ty.
"Việc một doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả cao hơn rất nhiều lần vốn sở hữu như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn tài chính của công ty, nhất là các doanh nghiệp làm các dự án hạ tầng, bất động sản", một chuyên gia tài chính đánh giá.
Được biết, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn một, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao. Các chủ nợ hay ngân hàng cũng thường xem xét, đánh giá kỹ hệ số nợ (và một số hệ số tài chính khác) để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.
Cũng tại thời điểm ngày 31/12/2018, Công ty CP 471 đang có khoản nợ xấu hơn 4,4 tỷ đồng (đây là giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán, khó có khả năng thu hồi), tăng hơn 1,4 tỷ đồng so với mức 3 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2018.