Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lý do tuyệt đối không nên tin dùng phanh khẩn cấp ô tô

Phanh khẩn cấp ô tô đã được hầu hết các nhà sản xuất trên thế giới trang bị. Tuy nhiên trong một cuộc thử nghiệm của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) lại khẳng định, công nghệ phanh khẩn cấp không hoạt động hiệu quả.

Trong những năm gần đây, các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều đang rất chú trọng vào những tính năng an toàn trên những sản phẩm của họ. Rất nhiều những công nghệ tiên tiến đã được thêm vào trên những chiếc ô tô nhằm giảm thiểu đi tối đa tai nạn thông, chẳng hạn như công nghệ phanh tự động với sự hỗ trợ của các camera và cảm biến. Tuy nhiên, một thí nghiệm mới đây chỉ ra rằng những công nghệ an toàn trên những chiếc xe ngày nay vẫn còn rất nhiều thiếu sót.

 Phanh khẩn cấp ô tô không hiệu quả như quảng cáo tài xế thận trọng khi dùng

Cụ thể, Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) đã tiến hàng hàng loạt các bài test về khả năng nhận diện người qua đường trên những chiếc xe được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động của các hãng ô tô nổi tiếng. Thật bất ngờ, có đến 60% những chiếc ô tô trong số đó đã đâm vào những hình nộm qua đường mặc dù bài test được thực hiện trong điều kiện thời tiết tốt, trời sáng và tốc độ chỉ là 20 dặm/giờ.

Chưa dừng lại, các nhà nghiên cứu đã thay thế những hình nộm có vóc dáng của một người lớn bằng hình nộm có kích thước tương đương với một đứa trẻ và kết quả thu lại được tồi tệ hơn rất nhiều. Số xe đâm vào hình nộm lên tới 89%, một con số thực sự đáng báo động.

AAA chia sẻ thêm: "chúng tôi đã thử nghiệm các bài test cả trong khoảng thời gian ban đêm và trong khoảng thời gian đó hầu như các chiếc xe đều không thể nhận diện được người qua đường".

Bốn mẫu xe được sử dụng trong bài test lần này là Chevy Malibu, Honda Accord, Tesla Model 3 và Toyoya Camry. Tất cả những chiếc xe này đều được trang bị cảm biến để có thể nhận biết được những vật cản có thể gây nguy hiểm.

Nghiên cứu này được đưa ra vào thời điểm những vụ tai nạn liên quan đến người qua đường đang tăng với tốc độ đáng lo ngại. Theo thống kê, có tới 6227 người qua đường thiệt mạng tại Mỹ vào năm 2018, con số cao nhất trong vòng 3 thập kỷ qua.

AAA đánh giá, việc các hãng xe tập trung vào nghiên cứu và tích hợp những công nghệ an toàn vào sản phẩm của họ là một tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên họ vẫn phải cần thêm một khoảng thời gian dài nữa mới có thể khiến cho người tiêu dùng tin tưởng hoàn toàn vào các tính năng an toàn mà họ cung cấp.

Trước kết quả của cuộc thí nghiệm trên, nhiều người tỏ ra lo ngại khi có nhiều tài xế tỏ chủ quan và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ phanh khẩn cấp này và yêu cầu các nhà sản xuất ô tô cần phải khắc phục yếu điểm và cải thiện chất lương của công nghệ AEB trước khi trang bị nó trên các dòng xe của mình.

Trước đó vào năm 2016, có khoảng 20 hãng sản xuất ô tô đã báo cáo lên Cục Quản Lý An Toàn Giao Thông về việc họ sẽ tích hợp hệ thống phanh khẩn cấp tự động trên những chiếc xe của họ. Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) ước tính có thể giảm tới 28.000 vụ tai nạn và 12.000 các vụ thương tích do tai nạn giao thông vào năm 2025.

Khi các kết quả thử nghiệm của AAA được công bố, Toyota đã từ chối bình luận về vấn đề này. Nhưng họ nói rằng, trong những bài kiểm tra về hệ thống phanh khẩn cấp tự động của chiếc xe Camry (chiếc xe không vượt qua bài test của AAA) thì chiếc xe đã vượt qua dễ dàng. Hơn nữa trong những trường hợp phanh khẩn cấp, xe luôn giữ được khoảng cách 1,2 mét so với người qua đường.

Toyota còn tuyên bố rằng, hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB đã làm giảm tới 44% những vụ va chạm từ phía sau. Tuy nhiên những tính năng này không thể thay thế được trách nhiệm của những người lái xe.

Về phần mình, Toyota cũng thừa nhận một số hạn chế trong công nghệ an toàn của họ. Trong những điều kiện thời tiết xấu làm giảm tầm nhìn cũng khiến cho những hệ thống an toàn bị giảm độ hiệu quả.