Bộ trưởng muốn nhường ghế đại biểu Quốc hội cho người chuyên trách
- 14:49 29-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 29/10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được các đại biểu thảo luận tại tổ. Nội dung được quan tâm nhiều nhất là làm sao tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tâm sự trên cương vị vừa là tư lệnh ngành, vừa là đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói bộ, ngành chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế, chính sách pháp luật và các khâu tổ chức thực hiện, song thực tế các công việc này phân cấp nhiều cho địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bởi vậy mới có thực tế “hỏi câu bộ trưởng không nắm được, bị nhân dân phê bình, nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương”.
Nhìn nhận tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá chưa có sự đổi mới. Điển hình, bộ trưởng là đại biểu Quốc hội, sau này Chủ tịch tỉnh cũng là đại biểu Quốc hội khiến khâu chỉ đạo, điều hành rất khó khăn.
“Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình để có những phiên chất vấn, nhưng phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch UBND phải là đại biểu Quốc hội? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để tăng được số đại biểu chuyên trách. Như thế thì thuận hơn”, ông Hà nói.
So sánh với nghị viện một số nước có thể chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào, ông Hà cũng cho rằng trách nhiệm giải trình không chỉ của bộ trưởng mà còn cả chủ tịch UBND các địa phương.
“Nếu thực hiện được thì việc này là bước thay đổi lớn trong hoạt động của chúng ta. Tôi đồng tình không chỉ 35% mà có thể có 50-60% đại biểu chuyên trách để Quốc hội có vai trò khác đi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ông cho rằng hiện nay Quốc hội không thấy vấn đề bức xúc để cùng nhau xây dựng mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ, và có nhiều ý kiến đòi trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, cần có những bộ luật do các cơ quan chuyên trách của Quốc hội xây dựng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Minh Châu. |
Chia sẻ quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói với số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay rất khó khăn trong việc rà soát các văn bản luật, nếu không cẩn thận sẽ không thể phát hiện các lợi ích cài cắm trong luật.
Ông Thanh cũng bày tỏ băn khoăn khi thực tế có những phiên họp toàn thể của Ủy ban, phải có sự “châm chước” mới đảm bảo thành viên tham dự. Nếu tới đây theo quy định mới nhiều cuộc họp sẽ phải dừng lại vì không đảm bảo đúng quy định của luật.
“Chúng tôi có 44 thành viên ủy ban nhưng chỉ có 9 ủy viên thường trực thì lấy đâu ra nữa để đủ 22 người tham dự cuộc họp”, ông Thanh nêu thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng kiến nghị cơ chế, chính sách dành cho các ủy viên chuyên trách vì nếu như hiện nay chắc sẽ khó thu hút được các đại biểu có tâm huyết, trách nhiệm về làm việc cho các cơ quan của Quốc hội.