Xuất khẩu lao động: Dính 'quả đắng' của Công ty TNHH Du học Hà Nội, khách tiền mất nợ mang
- 12:55 22-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ôm nợ vì tin sếp “cò”
Anh Đặng Ngọc Trung (Yên Thành – Nghệ An) cho biết, năm 2015, qua các mối quan hệ, có quen biết bà Phương Thị Minh Phương (Xa La – Hà Đông – Hà Nội). Bà Phương giới thiệu là Giám đốc Công ty TNHH Du học Hà Nội (Hà Nội) và đánh tiếng nhờ tìm giúp người muốn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản…
Do tin tưởng, anh Trung đã giới thiệu 3 người quen là Nguyễn Mạnh Tường (Hà Tĩnh), Nguyễn Công Mạnh (Nghệ An) và Nguyễn Văn Trường (Nghệ An) với bà Phương.
Phòng 103 tại tòa nhà trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) - từng là văn phòng làm việc của Công ty TNHH Du học Hà Nội - nhưng nay đã đóng cửa. (Ảnh: D.Ngọc) |
Tháng 10/2017, bà Phương thông báo thủ tục đã gần xong và yêu cầu các cá nhân trên nộp tiền lệ phí, vé… để chuẩn bị lên đường. Tin lời bà Phương, gia đình Mạnh và Trường gửi 400 triệu đồng cho anh Trung để chuyển cho bà Phương qua tài khoản ngân hàng Agribank. Còn Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp chuyển cho bà Phương 9.000 USD, có sự chứng kiến của anh Trung.
Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, Tường, Mạnh, Trường chờ đợi mòn mỏi mà không được đi xuất khẩu lao động. Anh Trung liên lạc với bà Phương để hỏi nguyên do thì được giải thích do bên đối tác hủy visa nên không đi được.
Đáng nói là dù không đưa được người đi xuất khẩu lao động song bà Phương cũng không trả lại tiền. Không những thế bà Phương liên tục chuyển văn phòng làm việc, gọi điện không nghe máy và có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm.
“Những người lao động ở quê không có việc làm, gom góp vay mượn ngân hàng được chút tiền nộp cho bà Phương. Giờ không đi xuất khẩu lao động được nên đành ôm nợ, cuộc sống của họ đã nghèo nay càng bi đát hơn”, anh Trung nói.
Cũng theo anh Trung, sau nhiều lần lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội đòi, đến tháng 5/2018 bà Phương mới trả được 200 triệu đồng cho Nguyễn Văn Trường. Còn số tiền 9.000 USD của Nguyễn Mạnh Tường và 200 triệu đồng của Nguyễn Công Mạnh thì vẫn xin khất nợ.
Doanh nghiệp “thoắt ẩn, thoắt hiện”
Theo anh Trung, khi mới quen, Công ty TNHH Du học Hà Nội của bà Phương có trụ sở tại đường Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy). Khi việc đưa lao động đi xuất khẩu không thành, người lao động yêu cầu hoàn trả tiền phí, bà Phương chuyển trụ sở về bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai).
Thông qua các quan hệ quen biết, anh Trung tìm đến đây để yêu cầu bà Phương trả lại tiền đã thu. Bà Phương lại hoãn binh, hứa hẹn sẽ thu xếp để trả đúng hẹn. Tin lời bà Phương, anh Trung ngược về Nghệ An. Nhưng quá ngày hẹn mà lời hứa của bà Phương vẫn “bóng chim, tăm cá”. Anh Trung phải bắt xe ra Hà Nội thì được biết bà Phương chuyển trụ sở về nhà 36B đường Định Công.
Gần nhất, bà Phương chuyển văn phòng làm việc về đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), nhưng ngày 27/9, anh Trung tìm đến địa chỉ này thì cửa đóng then cài, Công ty TNHH Du học Hà Nội đã cao chạy xa bay.
“Những người lao động như chúng tôi mong muốn được đi xuất khẩu lao động, vươn lên trong cuộc sống, vậy mà giờ bị lừa thế này”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cũng cho biết đang làm đơn tố cáo việc bà Phương ra cơ quan chức năng để mong lấy lại được phần tiền đã nộp.
Trả lời VTC News, bà Phương cho biết, số tiền thu của học viên đã chuyển cho đối tác bên Hàn Quốc, vẫn chưa lấy lại được. Bà Phương khẳng định không có ý định quỵt nợ hay lừa đảo, nhưng do tiền nợ quá lớn, lại vừa sinh con nên sẽ tìm cách trả sau.