Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều cử tri kiến nghị làm rõ trách nhiệm Bộ GD-ĐT trong vụ gian lận thi cử

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, một số kiến nghị cử tri liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, sự trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể, chẳng hạn cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.

 Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: VPQH

Sáng 21.10, trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, mặc dù các bộ ngành đã tích cực, trách nhiệm trong việc trả lời những kiến nghị của cử tri, tuy nhiên vẫn còn có văn bản trả lời chưa rõ, chỉ trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cụ thể mà cử tri nêu, nên cử tri tiếp tục kiến nghị...

Ví dụ như cử tri tỉnh Bạc Liêu đề nghị những cán bộ đã bị kỷ luật không được luân chuyển lên cấp trên (bị kỷ luật ở cấp huyện thì không luân chuyển lên cấp tỉnh chẳng hạn) mà cần phải giữ lại đơn vị đó, phân công làm công tác chuyên môn bình thường, có như vậy mới có sức răn đe, hạn chế tình trạng vi phạm kỷ luật... Bộ Nội vụ trả lời cử tri bằng việc liệt kê các văn bản của Đảng về luân chuyển cán bộ thì không điều động về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển mà chưa thông tin cụ thể đến cử tri việc Bộ đã triển khai thực hiện như thế nào trên thực tế.

Theo bà Hải, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, sự trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể, chẳng hạn cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.

Trả lời cử tri, Bộ nêu rằng: Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm phần mềm chấm thi; công tác quán triệt quy chế thi; công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục để tổ chức tốt kỳ thi 2019. Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử 2018 vừa qua, các tỉnh Hòa Bình và Sơn La nhìn chung đã được xử lý nghiêm khắc, đảm bảo sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Bà Hải cho hay, có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.

Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Cũng theo bà Hải, việc phối hợp giữa các bộ ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết.

Điển hình như cử tri một số địa phương: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên... phản ánh về công tác quản lý, bảo trì đối với đoạn quốc lộ đi qua địa phương hiện không rõ cơ quan chịu trách nhiệm dẫn đến tình trạng xuống cấp.

Trả lời điều này, Bộ GTVT nêu, do chưa có sự thống nhất giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ UBND tỉnh về Bộ GTVT quản lý đối với các tuyến đường này nên đã dừng việc sửa chữa định kỳ từ năm 2018 do chưa được cấp kinh phí...

Một số Đoàn ĐBQH cho rằng do các tuyến đường trên không được bảo trì kịp thời nên các phương tiện qua lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, kiến nghị các bộ khẩn trương phối hợp giải quyết dứt điểm ngay tình trạng nêu trên vì đây là vấn đề lớn liên quan đến 4.700km đường chạy qua địa phận 42 tỉnh, thành phố.

Một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật. Ví dụ như về việc thí điểm triển khai taxi công nghệ, ngày 7.1.2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 24 thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã gần 4 năm, Bộ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi này, dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi, taxi công nghệ hoạt động cả ở các địa phương không được thí điểm, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Theo trả lời, Bộ GTVT cho biết Bộ đang “sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, trong đó có liên quan đến taxi công nghệ. Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019.

Cũng theo bà Hải, một số kiến nghị đã được các bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị

Vấn đề lạm thu đã được cử tri nhiều địa phương đề cập và được UBTVQH kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến hầu hết mọi gia đình có con đang đi học. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp.

Xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo. Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, mua mực in...

Việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong dư luận phụ huynh, đặc biệt là gây lo lắng, áp lực lớn đối với những gia đình người lao động, làm công ăn lương, hoặc có thu nhập thấp, không ổn định vì số tiền đóng góp trong một số trường hợp không phải là nhỏ.

Đây là hiện tượng đã tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kiến nghị Bộ GD-ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương để phát hiện xử lý, trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên.