Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sản vật của người Rục

Núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) với hàng ngàn loài thực vật tự nhiên đã cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, tạo nên sức sinh tồn mãnh liệt cho đồng bào người Rục giữa bất tận rừng cây, núi đá.

Về với tự nhiên

Ông Cao Xuân Bằn và bà Cao Thị Pìu vừa trải qua trận lũ nhớ đời vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua trong các hang đá ở thung lũng khổng lồ Quy Lúi (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), họ có hơn một tháng không gạo vì lũ chia cắt, nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo.

Theo Trưởng bản Ón Trần Xuân Tư, ông Bằn bà Pìu đã gần 70 tuổi, họ là thế hệ sinh ra trong hang đá, sống với núi rừng tự nhiên, nên hang đá như ngôi nhà luôn nằm trong tiềm thức của họ. Họ sống ở bản nhưng vì nhớ hang, nhớ rừng, nên mỗi khi vào đó họ nhanh nhẹn hơn.

 Một hang động mà người Rục vào rừng vẫn thường ở.


“Mỗi năm họ dành phần nhiều thời gian ở trong rừng. Cứ lúc nào có phân phát gạo, lại lên lèn đá hú về, nhưng ở lại bản chừng vài hôm vợ chồng lại lục tục trốn bản lúc ba giờ sáng hoặc giữa đêm. Ông bà rời bản vào hang sống một cách thích thú nên năm nào cũng mắc kẹt trong mưa lũ. Có năm hết lũ rồi hai vợ chồng không về, con cái lên núi đi tìm”- Trần Xuân Tư kể.

Hôm ông bà về lại bản, PV Báo SGGP trao chút quà nhỏ của bạn đọc đến tận tay vợ chồng già. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá, chỉ cái nồi và mấy cái bát sứt, bao gạo cứu tế lăn trên góc nền, hỏi chuyện ở hang không có nước làm sao sống, ông Bằn kể: “Không có nước suối thì lấy nước từ cây Thao. Thân cây như sợi dây, lấy dao chặt một đoạn, ngửa cổ lên thì nước nó chảy ra, uống mát ngọt. Những khi không thấy cây Thao lại gặp rừng lồ ô, rừng tre thì chặt ra, nước trong các đốt tre, đốt lồ ô tha hồ uống. Thiếu ăn vẫn sống được, chứ thiếu nước thì khó sống lắm, nhưng mình vẫn dễ kiếm được nước trong rừng này”.

Kỹ năng kiếm ăn

Với người Rục như ông Bằn bà Pìu, mỗi khi vào rừng thì những kinh nghiệm của cha ông họ để lại được phát tác cực kỳ hiệu quả. Họ nhạy bén với các tán rừng, am hiểu toàn bộ tên tuổi từng loài cây theo cách bản địa, biết loài thực vật nào có độc, nhớ từng loài có ích, biết cách tạo vật dụng đi săn cổ xưa như nỏ, hoặc làm bẫy từ cây rừng…

Ông Bằn nói: “Có khi vào rừng mà không mang theo lửa, thế là dùng đá xanh ở chân núi, nhặt bùi nhùi từ các thân cây rủ ra, hoặc lấy nhựa bám vào vỏ cây, dùng đá khè lại nhiều lần, lửa bắn xuống bùi nhùi, vậy là có lửa sưởi cả đêm, xua đuổi thú dữ”.

Ông Bằn có biệt tài trèo đá tai mèo nhọn hoắt không bị cắt chân.Ông biết cách đặt đôi chân vào giữa những kẽ đá sắc nhọn để bám chân bám tay vào đó, chuyền từ vị trí này sang vị trí khác nhanh nhẹn mà không có bất cứ tiếng động nào.

Ông nói bí quyết: “Vào rừng ăn ít thôi, ăn nhiều thân nặng, đi săn thú nó nghe tiếng bước chân chạy mất. Đi săn phải đi sau hướng gió, vì thú nó đánh được hơi người, đi trước hướng gió chúng biết là thất bại ngay”.

Vậy nên các cuộc đi săn của ông Bằn thường là những con thú nhỏ, có khi săn được lợn rừng thì xông khói ăn dần cả tháng. Bà Pìu thì phát huy cách hái lượm cổ xưa. Bà lấy ốc đá lèn, một loài ốc chỉ có người Rục lên các vách núi đá cheo leo mới lượm được chúng. Đấy là loài ốc rất hiếm, nhưng với đồng bào Rục nó dễ kiếm khi vào rừng, vì đó là bản năng.

Theo Trưởng bản Trần Xuân Tư, ốc lèn to như con ốc bươu nhưng vỏ dày hơn, là loài ốc bổ thận, khỏe người mà cha ông người Rục truyền lại cho đời sau giữa rừng xanh. Ông Tư cho rằng: “Bây giờ, người miền xuôi lên làm việc, xem nó là đặc sản đấy. Người Rục chỉ đi lượm ốc này chỉ đủ nhu cầu, không bắt hết triệt, cũng không tham tiền mà lấy hết chúng khỏi mùa sinh đẻ. Bà con nghèo khó nhưng lấy ốc lèn, hay mật ong rừng đều lấy một nửa, để lại rừng một nửa. Nhờ vậy mùa sau ong hay ốc lèn sinh sôi lại như ban đầu, thậm chí có mùa nó sinh gấp ba thì bà con lại vẫn có, chứ lấy hết, ong bỏ đi, ốc không còn sinh lại khó khăn hơn”.

Chúng tôi hỏi: Khi đi rừng thiếu muối, người Rục ở rừng như tổ tiên họ phải làm gì? Ông Bằn lại túc tắc kể: “Muốn thải độc cặn đá vôi khỏi người mình thì tìm hạt dổi trong rừng. Thân dổi to lắm. Ngày xưa lâm tặc chặt cả cây to đến mấy người ôm lấy dổi thì quanh đó các cây khác đổ xuống, rừng mất. Tộc người mình không chọn cách đó, mà mùa dổi chính, nó rụng xuống, đàn bà đi lượm về cất gác bếp, cất trong hang đá, nấu canh ăn dần thì cặn đá vôi nó thải ra mỗi ngày. Cây dổi vẫn ở lại với rừng, vẫn còn với dân bản mình. Thiếu muối thì có cỏ tranh, đốt lấy than của nó bỏ vào thức ăn là thành muối. Còn gần các hẻm núi, đi theo bọn khỉ, chúng nếm vào vách đá là nơi đó có muối tự nhiên thôi”.

Sâm dấn và thần dược rễ cây

Bao nhiêu năm thân chơi với nhiều thanh niên người Rục, họ tin cậy và cho chúng tôi biết 2 thứ quý hiếm đối với họ. 2 thứ này lấy lại cân bằng sau đau ốm, bệnh tật. Ấy là sâm dấn, sống trên lèn đá, củ khá to, chất sâm thơm lừng.

“Củ dấn trong tiếng người Rục cổ nó có nghĩa như sâm theo cách người xuôi gọi đấy”. Một số người miền xuôi lên Minh Hóa công tác vẫn hay đặt người Rục đi lấy sâm dấn. Nó quý hiếm nên khó lấy. Để đưa sâm ra khỏi núi đá vôi dựng đứng rất khó khăn nên cực kỳ đắt. Hơn nữa các xét nghiệm gần đây càng cho thấy sâm dấn rất có giá trị nên huyện đang tìm cách bảo tồn, và xuất bán thật ít để tạo giống tự nhiên nhằm sau này tạo chỉ dẫn địa lý cho người Rục”, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm cho biết.

Ông Bằn nói thêm: “Mỗi lần mình đào được củ sâm dấn thì để ngâm rượu hoặc ăn dần. Khi ốm đau hay ở trong hang lâu ngày, có chút sâm dấn thôi thì người tỉnh lại. Nó là củ thiêng của rừng đá vôi quê hương mình. Không phải dễ kiếm đâu”. Loài thứ hai mà đồng bào cho biết là rễ cây plai. Cây này sống ven suối, nấu nước uống sau ngày đi rừng ngon như nước tăng lực bán ở quán, Trưởng bản Trần Xuân Tư nói vào: “Rễ cây plai thường dành cho phụ nữ sau sinh, uống ba ngày là đi rừng khỏe lắm đấy”.

Với người Rục, tài nguyên rừng với họ là gia tài quý hiếm, họ không lấy bất cứ thứ gì triệt để, không săn bất cứ con gì đến tuyệt chủng mà chỉ lấy một phần đủ dùng, quá lắm thì lấy nửa để đổi gạo nhằm cho mùa sau sản vật sinh sôi. Theo ông Trần Xuân Tư, rừng còn thì người Rục mới còn, do đó người Rục phải giữ rừng theo cách truyền thống ngàn đời truyền lại, xem rừng là vị thần hộ mệnh che chở bao đời.