Diễn biến mới vụ trường Gateway: Lời chất vấn
- 10:41 19-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xung quanh xôn xao việc khởi tố cô giáo chủ nhiệm vụ cháu L.H.L (6 tuổi, học sinh lớp 1 Trường Gateway) tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway, ngày 18/10, trao đổi với báo Đất Việt, luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc khởi tố bị can chắc chắn phía cơ quan tố tụng phải có căn cứ cho rằng, cô chủ nhiệm không thông báo cho nhà trường về sự vắng mặt của cháu bé.
"Thông tin Trường Gateway có phần mềm quản lý học sinh nhưng phần mềm năm nay mới được đưa vào vận hành nên chưa đủ người với việc cô giáo biết học sinh vắng mặt mà không thông báo đó là câu chuyện nói qua nói lại giữa các bên.
Việc này phải căn cứ vào một chứng cứ là cô giáo đã thông báo cho ai về sự vắng mặt của cháu L hay chưa thông báo?
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc cháu L tử vong phải là những người đưa đón cháu. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa có kết luận điều tra nên chưa thể khẳng định được ai là người gây ra cái chết của cháu L. Mấu chốt trong vụ án này vẫn là điều tra xem cháu bé chết trên xe hay ở nơi nào khác, thực nghiệm điều tra về chiếc áo đỏ thế nào...", luật sư Bình nói.
Cô giáo chủ nhiệm lớp cháu L tại cơ quan điều tra. Ảnh: An ninh Thủ đô |
Đồng tình với ý kiến trên, cùng ngày, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc hệ thống quản lý của nhà trường mới đưa vào vận hành nhưng chưa đủ người hay cô giáo chưa thông báo về sự vắng mặt của cháu L, cơ quan chức năng sẽ xem xét, đối chất và kiểm tra giữa các bên liên quan và các chứng cứ khác.
"Nếu nói cô chủ nhiệm đã báo cáo về sự vắng mặt của cháu L thì phải xem cô báo cáo ai, báo cáo bằng cách nào, bằng điện thoại hay bằng miệng. Còn nếu nhà trường có phần mềm quản lý học sinh thì giáo viên trong trường đã được tiếp cận phần mềm đó hay chưa hay tiếp cận bằng hình thức nào. Để chứng minh những việc này là của cơ quan tố tụng. Theo tôi việc này liên quan đến sai phạm của cả hệ thống", luật sư Nam nói.
Theo luật sư Nam, nguyên nhân tử vong của cháu bé phải là do vấn đề về bệnh lý, bị đánh, sốc thuốc hay sốc nhiệt trên xe. Trong trường hợp này, nếu cô chủ nhiệm làm đúng trách nhiệm của mình về việc thấy học sinh vắng mà báo cáo với người quản lý của nhà trường hoặc phụ huynh học sinh có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu được rủi ro.
Còn nhớ, trước đó, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, tại trường Gateway có sử dụng phần mềm riêng để giám sát.
Tuy nhiên, phần mềm này năm nay mới đưa vào vận hành. Việc vận hành phần mềm do trường bỏ sót nên đã dẫn đến việc để quên cháu L.
Theo ông Ngọc Anh, về nguyên tắc, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh học sinh khi con em họ vắng mặt và cập nhật liên tục. Có trường sẽ gửi thông báo bằng tin nhắn, điện thoại và phần mềm.
Trường hợp này, phần mềm mới được đưa vào sử dụng nên không thông báo kịp thời với phụ huynh. Do vậy, người lớn phải có trách nhiệm trong vấn đề này mà cụ thể ở đây là trách nhiệm của nhà trường và giáo viên.
Cũng theo vị Trưởng phòng này, khi sự việc đau lòng xảy ra, Ban Giám đốc Trường Gateway cũng đã có đơn trình bày với Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, báo cáo việc một học sinh của trường tử vong trên xe đưa đón học sinh, trong đó đề cập đến trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm.
Cụ thể, cô chủ nhiệm điểm danh lớp thì không thấy có cháu L. Tuy nhiên cô giáo không có bất cứ thông báo nào, cộng với việc tắc trách của lái xe và nhân viên đưa đón học sinh đã khiến sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 6/8.