Thu tiền tài trợ giáo dục tại Nghệ An: Nhiều trường phớt lờ chỉ đạo
- 09:37 13-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng bị phụ huynh phản ánh thu tiền tài trợ giáo dục khi chưa được cấp trên phê duyệt. |
Phớt lờ chỉ đạo
Trước năm học 2019-2020 một tháng, tức là vào 28/8/2019, Sở GDĐT Nghệ An đã ra văn bản số 1570/SGD&ĐT-KHTCvới nội dung: “Yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các khoản thu, xây dựng dự toán thu, chi trình cấp trên có thẩm quyền phê duyệt, niêm yết công khai các khoản thu và đóng góp ít nhất 7 ngày trước khi thực hiện và thông báo để cán bộ, giáo viên, người học, cha mẹ người học và nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; bản niêm yết phải ghi rõ nội dung các khoản thu, mức thu (nếu có), khoản đóng góp, đối tượng, mục đích sử dụng, nội dung chi, mức chi và các thông tin khác có liên quan”…
Các cơ sở giáo dục không thu gộp các khoản thu và đóng góp đầu năm học để giảm bớt khó khăn cho người học và cha mẹ người học, tuyệt đối không được tự ý đặt ra các khoản thu thêm nào khác ngoài các khoản thu được quy định. Với nội dung này, các trường TPTH chỉ được thu các khoản khi đã được Sở GDĐT phê duyệt. Thậm chí, Sở GDĐT Nghệ An tiếp tục ban hành công văn về việc chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2019-2020. Với nội dung “Sở sẽ thực hiện giãn thời gian phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ cho các nhà trường và dự kiến sẽ phê duyệt vào học kỳ II năm 2019-2020”. Điều đó đồng nghĩa với việc, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được thu các khoản thu trong kỳ I năm học 2019-2020.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, dù có chỉ đạo từ cấp trên, nhưng nhiều trường THPT đã thu tiền tài trợ giáo dục,như các Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Lê Viết Thuật, Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), Đô Lương 1 (huyện Đô Lương), Phạm Hồng Thái (huyện Hưng Nguyên)… Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), sau khi trường tổ chức họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã tiến hành thu một số khoản tiền như học phí 4 tháng: 520.000 đồng, bảo hiểm y tế 423.000 đồng, học thêm tạm thu 1 triệu đồng, nước uống 100.000 đồng, quỹ hội phụ huynh trường 200.000 đồng và tài trợ giáo dục 1,1 triệu đồng. “Họp phụ huynh cũng là lúc cô chủ nhiệm thông báo đóng các khoản thu nói trên, các phụ huynh bỏ tiền vào phong bì, ghi tên các khoản thu bên ngoài, không hóa đơn, biên nhận, mức thu tiền tài trợ giáo dục ở mỗi lớp khác nhau, khối lớp 10 và khối lớp 11 thì mức tài trợ cao hơn khối lớp 12”, chị N.T.C. có con học lớp 12 tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết. Trên địa bàn TP Vinh, đến thời điểm này ngoài trường THPT Huỳnh Thúc Kháng còn có 2 trường THPT Phan Bội Châu và Lê Viết Thuật cũng đã vi phạm quy định của Sở GDĐT.
Còn chị N.T.V. phụ huynh học sinh trường THPT Đặng Thúc Hứa (huyện Thanh Chương) cho biết, mỗi học sinh phải nộp nhiều khoản. Đặc biệt là khoản tiền tài trợ giáo dục mỗi học sinh lớp 10 phải nộp 600.000 đồng, lớp 11 phải nộp 550.000 đồng và lớp 12 phải nộp 500.000 đồng. Ngoài ra, khoản tiền học thêm mỗi tuần 5 buổi, mỗi buổi 20.000 đồng, tính ra mỗi tháng riêng tiền học thêm khoảng 400.000 đồng và tính cả năm lên đến hơn 3.000.000 đồng. “Tôi không hiểu nổi vì sao mỗi tuần chỉ có 7 ngày mà có đến 5 buổi học thêm, cộng với các buổi học chính nữa thì học sinh làm sao có thời gian nghỉ ngơi?” - vị phụ huynh này nói. Riêng tại trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương) ngoài việc thu tiền tài trợ khi chưa được Sở cho phép, trường này còn thu thêm mỗi học sinh 150.000 đồng để làm lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường.
Văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT Nghệ An về việc giãn phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ giáo dục năm 2019-2020, nhưng nhiều trường THPT trên địa bàn cố tình phớt lờ. |
Các khoản thu hầu như không có hóa đơn chứng từ. |
Thu rồi thì trả lại tiền
Mặc dù chưa được Sở GDĐT phê duyệt kế hoạch vận động tiền tài trợ giáo dục nhưng nhiều trường vẫn ngang nhiên “xé rào”. Cụ thể, trước việc trường đã vận động phụ huynh và thu tiền, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “Việc thu tiền tài trợ giáo dục nhà trường chưa có chủ trương thu. Tuy nhiên, khi chúng tôi thông tin nhiều phụ huynh đã nộp các khoản trên cho giáo viên. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại, cũng có thể có nhiều phụ huynh khi đi họp phụ huynh tiện thì họ nộp, cái đó không vấn đề gì”. Có một thực tế đang diễn ra mà hầu như các bậc phụ huynh đều hiểu rõ, nhà trường thường ấn xuống cho giáo viên, hội cha mẹ học sinh thu những khoản tiền trái quy định, khi có ý kiến thì trường thường phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Còn thầy Ngô Sỹ Thủy - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - cho biết: Sau khi nhà trường tiến hành họp phụ huynh các lớp thì một số chủ nhiệm lớp và hội trưởng hội phụ huynh các lớp tiến hành thu tiền tài trợ giáo dục có đưa lên nộp tại phòng tài vụ nhưng phòng tài vụ không thu. Còn thầy Lê Đức Hưng - Hiệu trưởng trường Đô Lương 1 - nói: “Đầu năm, chúng tôi có phổ biến việc thu tiền tài trợ giáo dục, tuy nhiên trường chưa thu, còn việc dư luận phản ánh thì để tôi kiểm tra lại. Riêng việc vận động tiền thành lập trường, chúng tôi không kêu gọi đại trà mà chỉ kêu gọi những gia đình có điều kiện hay học sinh cũ ủng hộ mà thôi”.
Trước việc nhiều trường THPT trên địa bàn phớt lờ chỉ đạo của Sở, tự ý vận động thu tiền xã hội hóa, trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An - cho biết: Nếu các trường đã thu tiền tài trợ giáo dục thì phải trả lại cho phụ huynh, các trường THPT phải được Sở phê duyệt thì mới được thu, Sở sẽ giám sát thời gian phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ cho các trường, dự kiến đến học kỳ 2 thì mới phê duyệt.
Không những vậy, Sở GDĐT Nghệ An còn có văn bản số 1739 ngày 19/9/2019 gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành thị với nội dung: “Kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những tập thể và cá nhân đã cố tình vi phạm, làm trái quy định của Nhà nước, tự tạo ra các khoản thu vượt mức quy định; không thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Sở GDĐT tại công văn số 1570/SGD &ĐT – KHTC”.
Trong năm học 2019-2020, Bộ GĐĐT đã nghiêm cấm việc thu các khoản tiền ủng hộ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... Vậy nhưng, nếu Sở GDĐT vẫn phê duyệt kế hoạch “vận động tài trợ giáo dục” thì cũng chỉ là một cách làm “lách luật, lách quy định”. Bởi việc “vận động tài trợ giáo dục” - một khái niệm rất chung chung - phải chăng do Sở GDĐT tỉnh Nghệ An mới “phát minh ra” và tài trợ giáo dục để sử dụng vào những việc gì? Kế hoạch chưa được phê duyệt, nhưng nhiều trường vẫn cứ thu tiền thì khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi tin rằng, các bậc phụ huynh không còn lý do gì để khước từ đóng góp khoản tiền phục vụ cho việc “vận động tài trợ giáo dục” này được.