Tâm sự của Chủ tịch Huế sau buổi dự giờ công dân
- 13:30 12-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau tiết dự giờ môn giáo dục công dân ở lớp 9/7 Trường THCS Trần Cao Vân (TP Huế), ngày 10/10, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ với Đất Việt lý do ông lựa chọn môn học đặc biệt này.
Ông Phan Ngọc Thọ - (trái) chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ông Nguyễn Tân (phải) - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh dự giờ buổi học đạo đức ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế). Ảnh: TTO |
Theo ông Thọ, vấn đề đạo đức, lối sống, đặc biệt đạo đức của giới trẻ luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.
Cá nhân ông chia sẻ, trước những vụ việc xảy ra trên địa bàn như, bạo lực học đường, học sinh đánh lộn bị thương... khiến lãnh đạo tỉnh rất tâm tư.
Ông cho biết, ông đã phải suy nghĩ rất nhiều về một trường hợp học sinh gặp ông (với tư cách là người lớn tuổi) không chào, gặp giáo viên không hỏi, mặt còn tỉnh bơ. Đánh giá đây không phải là câu chuyện nghiêm trọng nhưng là vấn đề không nhỏ trong giáo dục, ứng xử mà nếu không được uốn nắn thì từ cái sai nhỏ sẽ thành cái sai lớn.
Thừa nhận, để xảy ra những chuyện không hay trong học đường có nguyên nhân từ công tác quản lý, giáo dục chưa thật sự tốt, ông Thọ lo ngại những thói hư, tật xấu ngoài xã hội ngày càng nhiều trong khi học sinh còn non nớt, chưa được rèn luyện bản lĩnh để đối đầu, để từ chối, chống đỡ với những cạm bẫy, cám dỗ. Trong khi đó, các em lại thiếu đi sự chỉ bảo, quan tâm từ gia đình, nhà trường thì nguy cơ mắc sai phạm là khó tránh.
Trong bối cảnh đó, giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh với gia đình, nhà trường và xã hội.
Ông Thọ đánh giá, giáo dục đạo đức cho học trò phải là cả một quá trình thống nhất, liên tục từ cấp mầm non, tiểu học cho tới khi trưởng thành. Vì thế, ở cấp 1 mới có giờ đạo đức và ở cấp 2 có môn giáo dục công dân.
Theo ông Thọ, trong kế hoạch kiểm tra ông đã tham gia dự giờ được với hai lớp học, một lớp 9 và một lớp 4. Ông có dự kiến tiếp tục tham dự thêm nhiều giờ học ở các lớp khác nữa nhằm có được những đánh giá đầy đủ, khách quan đồng thời để đưa ra được giải pháp khắc phục phù hợp.
Vì thế, ông cùng đại diện lãnh đạo phụ trách lĩnh vực giáo dục chủ ý lựa chọn tham gia dự giờ tiết học giáo dục công dân của khối 9.
"Chúng tôi đến bất ngờ, không báo trước. Tôi mong muốn thông qua buổi học có thể đánh giá thực chất hơn về công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, tôi cũng nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục đời sống, đặc biệt là với những học sinh cuối cấp nhằm nâng cao giá trị đạo đức học đường, xứng đáng với truyền thống văn hóa, văn minh con người xứ Huế.
Đây là mục tiêu cũng là mong muốn của cá nhân tôi và lãnh đạo tỉnh, phải làm thế nào để giữ được nền nếp trong giáo dục học đường, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, một trường học hạnh phúc", ông Thọ chia sẻ.
Ông Thọ thừa nhận, trong chương trình giáo dục hiện nay các môn học lý thuyết đang chiếm quá nhiều thời gian của học sinh khiến học sinh không còn thời gian để tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Trong khi đó, giá trị giáo dục đạo đức lại phải gắn với giáo dục từ thực tiễn, ví dụ như giáo dục bảo vệ môi trường thông quá đó nâng cao trách nhiệm của học sinh, giúp các em có ý thức tốt hơn với môi trường, xã hội, hướng các em tới những gương tốt, việc tốt, hành động tốt từ đó kéo giảm những tác động tiêu cực, giảm bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, ông Thọ cũng cho rằng trách nhiệm giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng đạo đức, lối sống của giáo viên, nhà trường rất quan trọng.
Theo ông Thọ, trách nhiệm này trước hết từ phía Bộ GD-ĐT. Phải luôn có kế hoạch đào tạo, nhắc nhở, bồi dưỡng giáo dục đạo đức lối sống cho giáo viên. Hiện nay, đang có tình trạng học xong là giáo viên thì đương nhiên đi dạy và không cần phải bồi dưỡng đạo đức thêm nữa dẫn tới nhiều trường hợp ứng xử không khéo léo, phi giáo dục gây bức xúc với học sinh, làm giảm lòng tin ở phụ huynh và xã hội.