Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ ngang nhiên phá nhà, cướp đất của người dân tại Nghi Lộc: Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều sai sót?

Mới đây, Pv đã có bài viết phản ánh về việc nhà, đất tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) của bà Ngô Thị Dung đang sở hữu hợp pháp, lại là tài sản đang thế chấp ngân hàng thì bị kẻ khác phá dỡ, xây dựng trái phép, thậm chí đã hoàn thiện và cho thuê.

Sự việc căng thẳng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, cùng với việc xử lý chậm trễ thậm chí có dấu hiệu bao che vi phạm của cơ quan chức năng khiến người dân bức xúc.

 Bà Dung chỉ muốn sớm được giải quyết sự việc để có nơi thờ cúng anh trai mình là liệt sỹ

Quyết định giải quyết sự việc chưa hợp lý?

Trước việc ông Võ Văn Cư, xã Thịnh Phong, Thanh Chương, Nghệ An “nhờ” bà Võ Thị Hằng cùng đồng bọn ngang nhiên chiếm đất, phá dỡ nhà của mình, bà Dung đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để giải quyết và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của ông Cư cùng đồng bọn.

Ngày 2/8/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc có Thông báo số 426/CQĐT (TB 426) về việc trả lời kết quả giải quyết đơn thư tố giác tội phạm của bà Dung. Không đồng tình với Thông báo trên, bà Dung đã làm đơn khiếu nại tới Công an huyện Nghi Lộc. Đến ngày 3/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện có Quyết định số 04 về việc giải quyết khiếu nại của bà Dung (QĐ số 04).

Sau khi nhận QĐ số 04, bà Dung cho rằng: “Việc tạm đình chỉ vụ án do chưa định giá được giá trị tài sản bị phá huỷ thì là một lẽ. Thế nhưng, việc quyết định lại cho rằng tài sản bị phá huỷ chỉ là một phần của ngôi nhà là các bức tường, móng của ngôi nhà và cho rằng ngôi nhà không có mái là không đúng”.

Cụ thể, Quyết định này ghi: “Ngày 22/3/2019, ông Võ Văn Cư đã làm giấy uỷ quyền cho chị Võ Thị Hằng (sinh năm 1973, trú tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) để xây dựng một ngôi nhà cấp 4 trên lô đất. Sau khi được uỷ quyền, ngày 28/3/2019, chị Hằng đã thuê anh Võ Văn Ngọc (sinh năm 1975) để làm nhà. Anh Ngọc nhờ anh Bạch Hồng Phi (sinh năm 1976) dùng máy múc phá các bức tường và phá huỷ phần móng của ngôi nhà cấp 4 cũ có trên thửa đất số 71, tờ bản đố số 23, thuộc xóm 22, xã Nghi Phong. Ngôi nhà có từ năm 2008, trước khi bị phá dỡ không có người ở, nhà không có mái, chỉ còn ba bức tường”.

Để chứng minh về lập luận không đúng của Cơ quan CSĐT, bà Dung đưa ra Biên bản định giá tài sản bảo đảm số 01 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh thành phố Vinh. Biên bản này định giá tài sản cho hợp đồng vay của bà với ngân hàng bằng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà bị bá Hằng phá huỷ.

Biên bản định giá được lập vào ngày 7/3/2017, trong đó ghi rõ tài sản trên đất gồm có: 01 căn nhà cấp 4 hoàn thiện, diện tích xây dựng 100m2, diện tích sàn 100m2. Kết cấu nhà ở: móng trần, trụ bê tông cốt thép, tường gạch, lợp ngói.

“Như vậy, với một biên bản được xác lập bởi một cơ quan tài chính có thẩm quyền một cách khách quan, minh bạch ghi rõ về hiện trạng ngôi nhà của tôi bị phá huỷ lại không được Cơ quan CSĐT xem xét kỹ lượng. Mà lại coi lời khai của bị đơn là căn cứ để xác lập chứng cứ thì có lẽ là không khách quan! Phải chăng là họ đang bao che cho vi phạm?” – bà Dung bức xúc nhấn mạnh.

Liên quan tới thời hạn trong việc định giá tài sản bị huỷ hoại, Cơ quan CSĐT chưa có thông báo rõ với bà Dung về thời hạn trong việc định giá tài sản là bao lâu. Bởi lẽ, theo quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay, khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản phải nếu rõ thời hạn trả kết luận định giá tài sản.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 và điểm e khoản 2 – Điều 215 – Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ:

“Điều 215. Yêu cầu định giá tài sản

1. Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

2. Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội dung:

e) Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản”.

Còn tại Điều 216 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Thời hạn định giá tài sản: Việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan, người đã yêu cầu định giá biết”.

Như vậy, theo quy định hiện hành về tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc khi gửi yêu cầu định giá tới Hội đồng định giá phải nêu rõ ngày tháng trả kết luận định giá tài sản. Mặt khác, theo quy tắc chung được luật hoá trong việc định giá tài sản, thời hạn trả kết quả định giá trong việc định giá phải đảm bảo tính kịp thời. Do vậy, đối chiếu theo thời hạn điều tra trong tố tụng hình sự, thời hạn trả kết quả định giá phải có trước ngày hết hạn điều tra vụ án. Việc Hội đồng định giá chưa có kết luận định giá tài sản sẽ phải thông báo cho cơ quan yêu cầu định giá. Tuy nhiên, trong các quyết định giải quyết sự việc của Công an huyện Nghi Lộc chưa làm rõ được điều này.

Cần tách bạch hai vấn đề

Liên quan đến nội dung của TB số 426 và QĐ số 04, bà Dung cũng cho rằng Cơ quan CSĐT đã có sự tuỳ tiện trong xử lý vụ việc. Bà Dung cho rằng, việc Cơ quan CSĐT gộp hai sự việc khác nhau, liên quan đến chủ thể khác nhau, hai đơn thư tố giác tội phạm khác nhau vào chung một vụ án là không hợp lý, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật.

Theo đó, việc bà Dung cho rằng việc bà Võ Thị Hằng dưới sự “chỉ đạo” của ông Cư để mang máy móc đến phá huỷ căn nhà cấp 4 cũng như công nhiên chiếm đoạt tài sản là đất và xây dựng nhà trên phần đất của bà Dung đang sở hữu, sử dụng hợp pháp là một việc riêng. Không hề liên quan đến việc tranh chấp trong thoả thuận dân sự về việc mua bán đất giữa ông Cư và con trai mình. Việc ông Cư tố giác con trai bà thì cần phải được xem xét ở góc cạnh khác tại một vụ việc khác.

Một điều phi lý hơn, đó là, theo Thông báo số 235/CV-VKS ngày 6/5/2019 của VKSND huyện Nghi Lộc (TB số 235) gửi bà Dung về nội dung tố cáo việc bà Hằng huỷ hoại tài sản có nội dung: “Hiện nay ông Võ Văn Cư đã tiến hành khởi kiện ra Toà án để xác định thửa đất của bà Dung thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ai. Sau khi có phán quyết của Toà án, cơ quan pháp luật sẽ tiến hành xem xét, xử lý hành vi của bà Võ Thị Hằng…”.

Như vậy, có thể nói, với “tinh thần” của TB số 235 này, phải chăng cơ quan này cứ để những đối tượng ngang nhiên được phép huỷ hoại tài sản của công dân, mặc dù những công dân đó đã được Nhà nước công nhận quyền sở hữu, quyền sự dụng tài sản sau đó mới xem xét, xử lý hành vi?

Mặc khác, TB số 235 cũng đã khẳng định, việc tranh chấp giữa ông Cư và con trai bà Dung đã được Toà án thụ lý giải quyết trong một vụ án dân sự, vậy tại sao cơ quan CSĐT vẫn thụ lý tố giác của ông Cư về nội dung tranh chấp này và gộp chung vào vụ án của bà Dung? Việc ông Cư đã thừa nhận giao dịch, thoả thuận mua bán đất với con bà Dung là một sự việc dân sự và đang được giải quyết tại Toà án, nhưng vì lý do gì mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc lại cố tình “biến” sự việc theo hướng hình sự để giải quyết?

Có thể nói, đến nay sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự vẫn đang chưa được Công an huyện Nghi Lộc và các cơ quan liên quan khác vào cuộc xử lý một cách triệt để. Chính sự chậm chạp này khiến dư luận hoài nghi về sự thiếu minh bạch trong xử lý vụ việc. Việc ngang nhiên phá hoại tài sản công dân, xây dựng nhà trái phép trên đất đang thế chấp tại ngân hàng và đất không thuộc sở hữu của mình, người bình thường cũng thấy bất thường chứ chưa cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Trước sự phức tạp của vấn đề, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cũng như sớm có kết luận giám định tài sản để sự việc được giải quyết triệt để, tránh mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận.