Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bổ nhiệm cán bộ dễ thế!

Từ một nhân viên của nhà khách, cô gái dùng bằng cấp 3 của chị, học trung cấp rồi liên thông lên đại học và được bổ nhiệm làm trưởng phòng của văn phòng tỉnh ủy. Chuyện tưởng như đùa này đã xảy ra ở Đắk Lắk.

Có tinh thần cầu thị, ham học là tốt nhưng chuyện cũng không rõ ràng, bởi nếu ham học hỏi thì cô gái này đã chẳng bỏ qua một vài năm để lấy bằng tốt nghiệp cấp 3. Cứ chấp nhận giả thuyết là vị trưởng phòng này tranh thủ vừa học vừa làm và theo học một cách nghiêm túc nhưng lấy tên người khác để vào một cơ quan trọng yếu, đảm nhiệm chức vụ khá cao của một tỉnh thì dư luận đặt nhiều vấn đề về những sự khuất tất trong cả quá trình thăng tiến là chuyện đương nhiên.

Thông thường, để vào làm việc ở cơ quan nhà nước, hồ sơ cá nhân đều xét duyệt kỹ càng. Khi vào cơ quan làm việc một thời gian, sau quá trình phấn đấu tích cực, là nhân tố gương mẫu, điển hình sẽ được xem xét cảm tình Đảng rồi đi học các lớp bồi dưỡng, sau đó đủ điều kiện, các cơ quan của Đảng tại nơi công tác sẽ xét kết nạp Đảng và quá trình xem xét, kết nạp một đảng viên là các bước được tiến hành hết sức chặt chẽ... Không lẽ tất cả các bước này không phát hiện một người mang tên giả, bằng cấp vay mượn? Đã vậy, khi làm hồ sơ sao có thể hợp nhất tên vay mượn và tên trên CMND để có thể đề bạt, bổ nhiệm và cá nhân người này sao có thể hoàn tất các thủ tục liên quan đến nhân thân. Từ đó dư luận đặt câu hỏi liệu có ai lót sẵn đường cho cô gái này lên chiếc ghế trưởng phòng? Trách nhiệm người này đến đâu, xử lý thế nào?

Từ vụ việc trên, nhiều người nhớ lại vụ "hot girl" Quỳnh Anh ngày nào ở Thanh Hóa. Chỉ trong vòng 5 năm, từ nhân viên hợp đồng, cô được đề bạt vùn vụt, trở thành trưởng phòng của Sở Xây dựng. Tất cả đều đúng quy trình cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, mọi việc mới vỡ lở: Cô gái ấy được "nâng đỡ không trong sáng", gian dối nên bị cách chức, khai trừ Đảng và một phó chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến vụ việc bị kỷ luật cho thôi chức.

Qua những vụ việc này mới thấy dù quy trình kín kẽ đến đâu, nếu có những cán bộ tư lợi, thiên vị thì đều có thể gạt qua, đưa người của mình vào bộ máy nhà nước. Điều này rất nguy hiểm, nó có thể vô hiệu hóa cơ chế kiểm soát cán bộ, tạo bất bình đẳng và lâu dần sẽ hình thành vây cánh, gầy dựng lợi ích nhóm.

Cơ quan chức năng các cấp nhiều năm qua đã đề ra các biện pháp cấp bách để ngăn chặn những người kém năng lực luồn lách vào bộ máy nhà nước. Gần đây, ngày 23-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định nêu rõ và nghiêm cấm các hành vi chạy chức chạy quyền, bố trí người nhà vào cơ quan nhà nước; quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu cơ quan để xảy ra sai phạm và cả xử lý hình sự.

Một người kém cỏi vào cơ quan công quyền sẽ làm suy yếu bộ máy quản trị. Nhiều người kém cỏi tìm cách được vào hệ thống quyền lực sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn cho dân, cho nước. Một bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ.