Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hơn 8 năm về khu tái định cư, người dân Nghệ An vẫn thiếu trăm bề

Sau 8 năm nhường đất xây dựng thủy điện Hủa Na trở về nơi ở mới, người dân huyện Quế Phong, Nghệ An vẫn thiếu thốn trăm bề...

Hàng trăm hộ dân các bản Tái định cư Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) sau khi nhường đất để xây dựng Thủy điện về các khu tái định cư vẫn chưa được bàn giao đất sản xuất. Đó là thực trạng tại các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch và Tiền Phong, của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Cũng bởi thiếu đất sản xuất nên đời sống của bà con thiếu thốn trăm bề.

 Một số diện tích đã giao thường bị ngập úng hoang sạt lở nên bỏ hoang hóa.

Sau 8 năm nhường đất xây dựng thủy điện trở về nơi ở mới, bà Vi Thị Vân, Bản Chà Là 2, điểm Tái định cư Thủy điện Hủa Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An phải vào rừng phát rẫy trồng sắn hoặc thu hái lâm sản bán lấy tiền duy trì cuộc sống.

Bà Vân cho biết, gia đình có 7 miệng ăn, khi về nơi ở mới, nhà nước trợ cấp mỗi tháng cho mỗi khẩu 15 kg gạo, nhưng nay đã hơn 8 năm nên tiêu chuẩn nhận gạo đã hết. Nhiều năm nay gia đình bà thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu, lo ăn từng bữa .

“Chưa có đất sản xuất, gần nhà tôi có 4 nhà đều chưa có ruộng. Nhà bà Quế cũng chưa có, giờ họ đi vào rừng cả rồi, vào phát rừng làm nương trồng cây keo để bán lấy tiền mua gạo. Chúng tôi đang chờ cấp trên đến chia đất cho chúng tôi. Hiện chúng tôi khổ lắm, chưa có ruộng trồng lúa”, bà Vân nói.

 Nhiều ngọn núi được bạt để làm ruộng bậc thang nhưng khó canh tác.

Có mặt giám sát công tác khai hoang ruộng bậc thang cho bà con các bản tái định cư, ông Vi Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phòng mặt bằng huyện Quế Phong cho biết, riêng Chà Là 2 có 40 hộ dân, ban đầu di chuyển đến nơi ở mới chỉ có 30 hộ từ bản Piềng Văn, xã Đồng Văn. Mặc dù đến nơi ở mới hơn 8 năm nay, hàng chục hộ dân vẫn chưa được nhận đất sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, một số diện tích đã giao thì lại bị ngập úng, sạt lở.

Ông Vi VănThắng cho biết: “Đây là khu ruộng đang khai hoang cho bà con thuộc điểm Tái định cư Huôi Chà Là của xã Đồng Văn, cho 30 hộ khoảng 2,5 héc ta, tính bình quân họ chỉ cho 200m2 một khẩu. Cái này về phần khai hoang thì đã hình thành ruộng rồi nhưng phải một thời gian nữa để bờ cỏ mọc cho chắc chắn thì bờ sẽ sử dụng tốt. Trong thời gian này đơn vị thi công đang còn đưa nước vào tạm để mà theo dõi, nếu chỗ nào sạt lở thì họ sẽ sửa chữa”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền thừa nhận, hiện còn 220 héc ta vẫn chưa giao được cho bà con do gặp nhiều vướng mắc. Huyện đang cố gắng làm các thủ tục để giao cho người dân bảo vệ để bà con được hưởng các dịch vụ quản lý bảo vệ rừng. Tại các điểm tái định cư, huyện Quế Phong đã cơ bản giao đất xong, nhưng lẻ tẻ nhiều hộ xen kẽ vẫn chưa được nhận đất do cách tính, cách chi trả chưa thống nhất.

 Cuộc sống khốn khó đang đe dọa các bản Tái định cư Thủy điện Hủa Na.

Huyện cũng đã nhận được phản ánh của người dân về sự chậm trễ trong việc khắc phục các công trình xuống cấp; Một số hộ đã nhận tiền phục hóa nhưng không được bàn giao ruộng tại bản Phú Lâm thuộc điểm tái định cư Na Lướm; 5 hộ dân bản Ăng thuộc điểm Tái định cư Huôi Đừa chưa có đất sản xuất. Các công trình nguồn nước sinh hoạt các điểm tái định cư Huôi Xai, Huôi Đừa, Pù Xai Cáng, xuống cấp ngay sau khi bàn giao nhưng chưa được khắc phục. Một vấn đề nữa là tiến độ khai hoang ruộng lúa nước cho 17 hộ dân ở bản Piêng Cu quá chậm.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn còn tình trạng này, ông Hồ Công Dần, Phó Ban quản lý Dự án Nâng cao quản lý đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An cho rằng, việc giao đất chậm là do quy hoạch của Ban quản lý Dự án thủy điện Hủa Na chưa chính xác với thực địa; mà Sở không được làm quy hoạch từ đầu, không được lựa chọn địa điểm, thiết kế phân chia đất.

“Không phải là chúng tôi được làm quy hoạch, được chọn địa điểm rồi được thiết kế chỗ này giao đất gì, diện tích từng khu vực định mức cho từng bản thế nào là hợp lý, chúng tôi có được làm đâu. Chúng tôi chỉ là có quy hoạch đó rồi, giờ trên cơ sở bản này có bao nhiêu hộ, bao nhiêu khẩu, chúng tôi làm phép toán chia ra, chia xong rồi ra thực địa, lại đi chỉ từng điểm, góc, thửa cho bà con để bà con nhận rồi lập biên bản đóng cọc, thế thôi”, ông Hồ Công Dần nói.

Cuộc sống của hàng trăm hộ dân nhường đất xây thủy điện Hủa Na đang thực sự khó khăn. Mong muốn của người dân lúc này là chính quyền tỉnh Nghệ An quyết liệt chỉ đạo các ngành liên quan sớm vào cuộc để giao đất sản xuất cũng như đất rừng cho người dân các bản thuộc khu tái định cư, tránh tình trạng các ngành đổ lỗi cho nhau, còn cuộc sống của người dân vùng tái định cư phải gặp nhiều khốn khó./.