Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quy định 205 có ngăn chặn “lợi ích nhóm” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”?

Quy định 205 được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, tình trạng thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền với 5 nội dung mới. Trong đó, đã quy định cụ thể nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.

Đồng thời bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm chạy chức chạy quyền. Quy định cũng nhằm ngăn chặn tiêu cực, "lợi ích nhóm", "hoàng hôn nhiệm kỳ" có thể xảy ra trong công tác cán bộ. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương về nội dung này.

 Ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương.

PV: Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền là vấn đề được Đảng đặc biệt quan tâm thời gian qua. Quy định 205 lần này có điểm gì mới để nhận diện cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng này?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Có 5 nhóm nội dung mang tính chất mới. Thứ nhất là cách tiếp cận kiểm soát quyền lực theo các chủ thể. Cụ thể nội dung của quy định theo 6 nhóm chủ thể, đó là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Phân theo nhóm chủ thể này có ý nghĩa gắn trách nhiệm, nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm.

Thứ hai trong nội dung, lần đầu tiên có văn bản nêu cụ thể về hành vi, nhận diện rõ thế nào là chạy chức chạy quyền, thế nào là bao che, tiếp tay. Quy định rõ hành vi này có ý nghĩa là giúp cho cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hành vi để xử lý.

Thứ ba, quy định đã bổ sung một số chế tài về lĩnh vực tổ chức cán bộ để xử lý vi phạm. Cụ thể trong quy định 102, đảng viên vi phạm ngoài chịu hình thức xử lý thì còn phải chịu các hình thức xử lý bổ sung tương ứng.

Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch, sau 18 tháng mới được xem xét. Cảnh cáo thì đưa ra khỏi cấp ủy và quy hoạch. 30 tháng sau mới được xem xét lại, cách chức là 60 tháng sau mới được xem xét lại. Nặng hơn nữa là khai trừ khỏi Đảng thì chấm dứt hợp đồng, chuyển hồ sơ cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự. Đây là các chế tài bổ sung.

Thứ tư, trong quy định này gắn với xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện nêu gương, đề cao tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của Đảng viên. Cuối cùng là quy định nhằm đảm bảo tính khách quan cho người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực “lợi ích nhóm” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Quy định nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền không được bố trí những người có quan hệ gia đình như bố mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột không được cùng đảm nhiệm một số chức vụ như thường trực cấp ủy, Trưởng ban tổ chức, kiểm tra, thanh tra hay cùng 1 Ban cán sự Đảng, đảng đoàn.

Chống “hoàng hôn nhiệm” kỳ cũng vậy, người đứng đầu một tổ chức khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác thì nếu có nhu cầu về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của mình phải báo cáo lên cấp trên và xin ý kiến cấp trên.

PV: Rõ ràng quy định 205 có nhiều điểm mới. Trong bối cảnh vừa qua phải xử lý rất nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao liên quan đến sai phạm vì không kiểm soát được quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Ông đánh giá như thế nào về quy định 205 trong bối cảnh hiện nay?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Trước hết Nghị quyết Trung ương 7 vừa rồi nêu rõ một số nội dung liên quan đến việc phải có giải pháp bịt lỗ hổng để khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ.

Tại hội nghị lần thứ 7, Trung ương yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, làm sao nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt hiệu quả với các biểu hiện của hành vi chạy chức chạy quyền và nêu rõ quyết tâm không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức chạy quyền vào bộ máy cán bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền, tình trạng thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, theo nguyên tắc mọi quyền lực cần phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn được ràng buộc với trách nhiệm.

Quy định 205 được ban hành trong thời điểm mà các cấp ủy đang triển khai Chỉ thị 35 về chuẩn bị Đại hội Đảng thì càng có ý nghĩa hơn, đảm bảo được phương án lựa chọn nhân sự, chọn được cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo. Bảo đảm được các điều này sẽ đưa đến kết quả góp phần tích cực vào việc chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

PV: Để thực hiện quy định 205 đạt hiệu quả cao trong thực tiễn? Cơ chế giám sát việc kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền sẽ được thực hiện như thế nào, do cơ quan nào đảm nhiệm?

Ông Hoàng Trọng Hưng: Để quy định này đi vào cuộc sống có hiệu quả phải đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thứ nhất phải nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng chống chạy chức chạy quyền thông qua tuyên truyền, quán triệt quy định.

Nâng cao ý thức tự trọng của người có trách nhiệm, kể cả người có thẩm quyền trách nhiệm và cả nhân sự. Chống bôi nhọ, nói xấu nhau, các thủ đoạn. Coi đó là văn hóa trong công tác cán bộ nói chung hay văn hóa đối với chức quyền.

Thứ hai, cần tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng để hoàn thiện các quy chế, quy định, làm sao chặt chẽ, đồng bộ, liên thông về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, kể cả quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên.

Theo đó phải tiếp tục rà soát để sửa đổi quy chế, quy định, kể cả bên Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cho đồng bộ liên thông, tránh không đồng bộ, vênh nhau rất khó. Đặc biệt Ủy ban kiểm tra phải thể chế hóa thành khung khi xử lý đối với các hành vi đã được nêu trong quy định.

Thứ ba phải nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát thực hiện các quy định của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra định kỳ đột xuất trong công tác cán bộ. Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh vi phạm để đảm bảo làm sao không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy.

Tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra nội bộ theo chuyên đề, chuyên ngành. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể có liên quan.

Về lâu dài, xây dựng một môi trường lành mạnh, văn hóa. Cơ chế hữu hiệu vừa kiểm soát quyền lực các khâu trong công tác cán bộ, nhưng vừa xây dựng hướng bền vững là xây dựng môi trường lành mạnh, văn hóa của tất cả các khâu trong công tác bộ./.