Tái mặt khi đang ôm con ngủ, rắn cạp nia bò vào giường
- 16:07 02-10-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Rắn cạp nia bò vào giường. |
Vật lạ lúc nửa đêm
Chị Huyền kể gia đình chị có 4 người lớn, hai cháu nhỏ. Cháu lớn con chị 3 tuổi, bé trai 9 tháng tuổi. Bình thường, chị Huyền vẫn tự tay chăm con. Tuy nhiên, tối 26/9 thì xảy ra sự cố khiến cả nhà được phen hoảng loạn.
Tối ngày 26/9 gia đình chị Huyền có giỗ nên vào nhà bà nội, đến tối mới về nhà. Như mọi ngày chị sửa soạn bình sữa, bỉm cho con. Bé lớn ngủ ở phòng ngoài với bà nội còn chị Huyền cùng chồng và bé nhỏ nằm phòng trong.
Ngày hôm đó, dù rất mệt nhưng chị vẫn không thể ngủ được. Đến khoảng hơn 10h, chị Huyền đặt bé vào trong phía sát tường vì để bé thuận bú mẹ. Chị cứ nằm bên cạnh con lướt điện thoại xem Facebook và tin tức không để ý. Trong lòng thấy nóng ruột khó ngủ rất lạ.
Lúc thấy bé ọ ọe, chị Huyền quay sang ôm con. Một tay cho bé gối đầu, một tay ôm bé thì chị bất ngờ sờ thấy một vật lạ, nhũn, trơn lướt qua tay. Thấy lạ chị thụt tay và nhìn sang thì thấy con vật lạ như rắn. Lúc ấy, chỉ kịp ú ớ nắm tay chồng bảo rắn rắn... Dù chưa định hình được con gì nhưng chị Huyền ôm con chạy, quay mặt lại nhìn rõ ràng con rắn cuộn tròn.
Trong khi cả nhà còn không hiểu có chuyện gì xảy ra chỉ đến khi chồng chị Huyền hỏi hai mẹ con có làm sao không và quay vào đập chết con rắn mọi người mới hết hốt hoảng. Cả nhà mặt tái xanh vì vừa thoát chết.
Kiểm tra khắp người con từ kẽ tay, ngón tay tới toàn thân thì không có dấu vết gì lạ mới tạm yên tâm. Chị Huyền cũng không thấy có vết lạ, không đau đớn.
Cả đêm không ai ngủ được, thấp thỏm lo lắng mong cho trời nhanh sáng. Chị Huyền cho rằng từ trước tới nay có nghe nhiều tới thông tin rắn thích mùi sữa mẹ nên bò vào giường nhưng đến nay vẫn chưa rõ thực hư thế nào.
Nhiều trường hợp rắn bò vào nhà
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ cũng thường xuyên gặp các bệnh nhân bị rắn bò vào nhà, giường cắn khi đang ngủ.
Tạ Thị N. 47 tuổi ở Bắc Ninh khi ngủ trưa dậy, bà N. cảm thấy đau tức ngực, khó thở, buồn nôn, mắt mờ… được người nhà đưa đến Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh cấp cứu. Từ vết thương trên cơ thể và những triệu chứng bệnh, bác sĩ xác định bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng liệt toàn thân, suy hô hấp phải thở máy.
Trường hợp anh N.V Ngh. 38 tuổi ở Hải Dương nằm trên nền nhà ngủ đến sáng tỉnh dậy thấy khó nói, đau người, bên cạnh là con rắn cạp nia đã chết. Gia đình xác định anh bị rắn cắn song không biết từ khi nào nên đưa vào bệnh viện ở Hải Dương. Sau đó anh được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liệt cơ hô hấp phải mở khí quản, thở máy.
Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn. Nhiều người chủ quan, nhập viện muộn rất khó giữ được tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo rắn cạp nia cắn không gây đau, vì thế người bệnh hầu như không biết bị rắn cắn. Nọc độc loài rắn này có thể gây liệt hô hấp, liệt cơ. Do vậy khi phát hiện bị rắn độc cắn, bệnh nhân nên đến trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Một bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng rắn bò vào phòng ngủ cắn không phải là hiếm nhưng không phải là rắn thích mùi sữa mẹ để chui vào giường mà việc rắn bò vào nhà dân có thể lý giải đơn giản là tìm nơi trú ẩn, không phải hiện tượng gì bất thường hay liên quan đến tâm linh thích mùi sữa mẹ hay mùi em bé.
Để phòng rắn cắn, các gia đình cần chú ý dọn dẹp cây cối, phát quang bụi rậm, không nên ngủ dưới nền đất ẩm để đề phòng rắn. Thường xuyên quan sát những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn.