Vì sao chồng ca sĩ Trang Nhung xuất hiện ở phiên tòa VN Pharma?
- 13:54 26-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 26/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm trong vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Tại phiên tòa, HĐXX thông báo bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ), người được đưa đi cấp cứu trong phiên tòa sáng 25/9, có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo này bị nhồi máu cơ tim, đang được điều trị tại Bệnh viện 115. Luật sư bào chữa cho ông Thông sẽ thay mặt bị cáo tranh luận tại tòa.
Cũng trong phiên xét xử sáng nay, ông Ngô Nhật Phương (doanh nhân, chồng ca sĩ Trang Nhung) tiếp tục có mặt ở tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong phiên xử chiều qua, ông Phương nói lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, chỉ giả về nhãn mác chứ không giả về chất lượng.
“Tôi nghĩ việc này rất rõ ràng, là thuốc thật. Các bị cáo làm giả hồ sơ nhãn mác, biến thành hàng Canada để trục lợi vì hàng Canada giá cao gấp 5 lần Ấn Độ. Lần cuối cùng tôi khẳng định là thuốc thật 100%”, ông Phương khẳng định trước tòa và cho biết bản thân nghiên cứu về dược quốc tế, sẵn sàng phản biện tài liệu cơ quan điều tra đưa ra.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương. Ảnh: Lê Quân. |
Đáng chú ý, ông Phương không hề được nhắc đến trong cáo trạng, nhưng lại là một trong gần 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phương giải thích lý do có mặt ở tòa là do quen với những người làm trong Hiệp hội Dược Ấn Độ. Khi nghe thông tin dư luận ở Việt Nam lên án về H-Capita là thuốc giả, họ nhờ ông Phương tìm giúp người biết tiếng Việt và tiếng Anh để dịch hồ sơ, giúp họ nộp lên cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo ông, Ấn Độ khẳng định thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy của nước này, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Khi công ty dược ở Ấn bán thuốc cho Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể tự dán nhãn khi thuốc xuất ra khỏi Ấn Độ.
Trước phiên tòa VN Pharma, Ấn Độ lo ngại thông tin thuốc giả sẽ ảnh hưởng đến thị trường của họ nên cử người nộp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra.
"Tôi nhờ thư ký của mình giúp họ phiên dịch hồ sơ và đem nộp. Tuy nhiên, khi sang Cơ quan An ninh điều tra thì họ nói hồ sơ vụ án kết thúc rồi, sắp xử nên hướng dẫn sang tòa. Tòa yêu cầu trình CMND và mấy ngày sau cô thư ký được gọi lên làm việc. Cô ấy nói làm theo lệnh của tôi. Sau đó bên công an triệu tập tôi lên tổng cộng 7 lần nhưng tôi chỉ lên 5 lần", ông Phương nói.
Vị doanh nhân chia sẻ thêm, sau này ông mới biết thông tin Bộ Y tế có cử người cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sang Canada để xác minh. Kết luận mới của Thanh tra Chính phủ cũng chứng minh thông tin phía Ấn Độ cung cấp là chính xác.
Trong cáo trạng truy tố của VKS, nguồn gốc lô thuốc cũng được ghi không phải từ Canada. Trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore; tuy nhiên, Interpol Ấn Độ trả lời không có thông tin về lô thuốc này.
Tại 3 ngày xét xử, các bị cáo cũng không hề khai nguồn gốc lô thuốc là từ Ấn Độ.
Chủ tọa Phạm Lương Toản xét hỏi Nguyễn Minh Hùng. Ảnh: Lê Quân. |
Ngoài ra, tòa cũng thông tin về công văn của Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) nộp cho HĐXX.
Tại phiên tòa ngày 24/9, bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) cho biết trước khi Cục Quản lý Dược đề nghị VN Pharma ngừng lưu hành thuốc ra thị trường, Hùng đã có chỉ đạo Nhật gửi văn bản đề nghị A83 tạo điều kiện cùng chuyên gia đi xác minh tại Công ty Helix Canada.
Theo A83, VN Pharma muốn chứng minh có hay không Công ty Helix Canda. Tuy nhiên, theo cơ quan này, công văn của VN Pharma gửi vào ngày 20/8/2014; trong khi đó, ngày 1/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu ngưng nhập khẩu thuốc và tạm ngừng lưu hành, chờ xác minh.