Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo - Bài 2: Dấu chấm hỏi về 'vòng tròn khép kín' ở Tam Đảo II
- 16:19 25-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi quyết định, bằng mọi giá, phải leo lên Địa Ngục Tự, nơi sau này chính là tâm điểm thu hút khách du lịch của dự án Tam Đảo II của Sun Group.
Khi tôi đang mải mê chụp ảnh, quay phim những cây gỗ có đường kính hàng mét nằm ngổn ngang trên đường đi thì Giang - người địa phương được thuê dẫn đường - vội dang tay ra ngăn cản.
Mặt Giang bỗng đổi sắc, tái nhợt, miệng lắp bắp: “Chị cất ngay máy đi, không được quay phim, chụp ảnh ở đây đâu. Họ mà biết, họ bắt giữ, đập máy và đánh đấy”. Tôi hỏi họ là ai, Giang trả lời: “Em không biết đâu. Nhưng mà chị cất máy ngay đi, không được đâu. Mấy tháng trước, có một nhóm đi phượt vào đây, bị hàng chục người đánh, trói suốt nhiều giờ trong rừng, bị tra tấn, bắt khai mật khẩu điện thoại để họ xóa hết dữ liệu đi đấy. Đã báo đến công an mà có làm được gì đâu”.
Một vụ cướp lạ lùng
Ngày 6/4, nhóm bốn bạn trẻ gồm hai nam, hai nữ thuê một người địa phương tên Chín dẫn đi khám phá cung đường lên chùa Địa Ngục. Họ đã bị một nhóm gần chục người bắt lại, trói vào cây, thu giữ toàn bộ điện thoại và máy ảnh. Riêng người dẫn đường bị trói tách ra hàng trăm mét.
Theo lời kể của Hưng - trưởng nhóm phượt - mấy bạn kia chỉ bị đánh cho có lệ vì sợ quá, ngoan ngoãn đọc mật khẩu điện thoại cho nhóm “cướp”, còn Hưng kiên quyết không đọc mật khẩu nên nhóm cướp ra sức tra tấn, dọa giết, ném xác xuống vực, dọa nhét ma túy vào người rồi báo công an bắt. Khi không lấy được mật khẩu của Hưng, nhóm “cướp” thả côn trùng độc, kiến và bọ vào người.
Hưng kể: “Lúc ấy, tôi hét lên vì mệt mỏi, sợ hãi và đau đớn, đám “cướp” có vẻ cũng chùn tay. Chúng thay nhau tra lại những mật khẩu mà tôi cố tình đọc sai lúc trước, thế là chiếc iPhone X của tôi bị khóa hẳn vì nhập sai mật khẩu nhiều lần”.
Khi ngồi kể lại câu chuyện bị cướp với chúng tôi, Hưng bảo: “Bọn này không phải là người ở đây. Trông chắc chắn là người thành phố, có tên còn bảnh bao, béo tốt lắm. Tôi cứ nghĩ mãi, chẳng biết chúng định làm gì. Cướp thì không phải rồi, bởi chỉ có mỗi mình tôi bị chúng lấy hơn 1 triệu đồng trong ví cho có lệ thôi, mấy bạn kia ví còn nguyên tiền. Chúng chỉ quan tâm duy nhất đến những dữ liệu đã quay, chụp khu rừng trong máy ảnh và điện thoại của bọn tôi mà thôi. Khi biết chắc chiếc iPhone X đã bị khóa hẳn, chúng mới chán, chả thèm tra tấn tôi nữa. Chúng vơ vội mấy cái máy của bọn tôi, bắt hai bạn nữ đi theo chúng xuống chân núi. Đến nơi, chúng còn đưa một chiếc đèn pin để hai bạn nữ tự quay lên núi cởi trói, cứu bọn tôi”.
Toàn bộ câu chuyện trên đã được nhiều tờ báo đưa tin và theo dõi. Công an H.Tam Đảo cũng đã điều tra về vụ “cướp” hết sức kỳ lạ này, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chìm trong im lặng.
Cổng vào chùa Địa Ngục từ Tam Đảo 1 đã bị cấm, chỉ công nhân được ra vào |
Ma trận trong ma trận
Để đi vào đại dự án của Sun Group với tên gọi Tam Đảo II, chỉ có hai con đường. Con đường thứ nhất - chính là “đường chuông” mà chúng tôi đã nói ở bài trước - dài khoảng 10km, nối thị trấn Tam Đảo I (cũ) vắt qua các đỉnh núi đến trung tâm dự án. Con đường thứ hai đi từ chân núi phía sau chùa Tây Thiên, tuy ngắn hơn nhưng cực kỳ hiểm trở, bởi nó đi qua ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi ở Tam Đảo.
Khi tìm đường vào chùa Địa Ngục, chúng tôi đã định đi theo con đường thứ nhất, bởi nó dễ đi hơn. Nhưng nếu đi con đường này, chúng tôi chắc chắn không thể vượt qua được những “hàng rào người”, những chốt gác lớp lang của nhân viên bảo vệ Tập đoàn Sun Group. Vậy là chỉ còn con đường thứ hai. Đây chính là con đường mà nhóm phượt chuyên nghiệp đã bị “cướp”.
Trong chuyến đi này, khi đang chụp ảnh, quay phim, chúng tôi đã sững sờ trước sự hoảng hốt của người dẫn đường. Giang đã nói về những thế lực có thể bắt, đánh, tra tấn, đập phá máy ảnh, máy quay phim của chúng tôi. Tôi cảm nhận rằng, Giang đang lo lắng cho chúng tôi thực lòng. Đám “cướp” kia là ai? Mục đích thật là gì? Thế lực nào đứng sau những chuyện tày trời tưởng như chỉ có trong phim hình sự?
Chúng tôi cứ đau đáu một câu hỏi lớn: Thực chất, trong dự án Tam Đảo II có bí mật gì? Chắc chắn nó không phải là bí mật nhà nước, hay bí mật quân sự, bởi chủ đầu tư của nó là Sun Group - một tập đoàn tư nhân.
Để đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cơ quan hữu quan, từ trung ương đến địa phương, bằng nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều từ chối cung cấp những văn bản chính thống về dự án mà theo luật định, phải công khai toàn bộ trước báo chí và người dân. Cho đến bây giờ, trả lời những câu hỏi đau đáu của chúng tôi vẫn là sự im lặng, như những cánh cửa vô hình đóng chặt.
Khi ngồi xem lại tư liệu của chuyến vượt rừng vào Địa Ngục Tự - tâm điểm của dự án Tam Đảo II - tôi thấy những công nhân của Sun Group vẫn đang bẫy thú trên rừng. Những chiếc bẫy nằm rải rác trên đường đi. Những con dúi, con chồn và những con thú lớn nhỏ khác hằng ngày bị họ ăn thịt hoặc bán.
Theo lời kể của một chủ quán ăn dưới chân núi Tây Thiên, cách đây không lâu, họ mang xuống bán một con lợn rừng bẫy được trên núi, nặng cả trăm ki-lô-gam. Bà chủ quán còn trầm trồ: “Mỡ nó dày lắm, nhưng ăn thì cực thơm”.
Vì sao gỗ bị đốn hạ để làm đường không được chở đi ngay mà cứ đắp lại ở hai bên đường? Một bảo vệ của Sun Group mà chúng tôi tiếp cận được đã giải thích: “Chuyển đi làm sao được, Sun Group cẩn thận lắm. Mặc dù họ chả sợ ai, dự án đóng dấu đầy đủ rồi mà, nhưng họ vẫn giữ cây ở đây cho đỡ ồn ào. Họ sợ dân tình nói họ phá rừng lấy gỗ. Khu này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cấm chụp ảnh, quay phim”.
Chùa giả xây trái phép thành… chùa cổ
Trong “ma trận” thông tin về dự án Tam Đảo II, chúng tôi nhận ra sự liên kết chặt chẽ giữa những mối quan hệ đặc biệt, ràng buộc lẫn nhau: nhà sư - chùa giả - doanh nghiệp và những nhân vật VIP.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng - nói với chúng tôi: “Theo luật định, những dự án được triển khai trên đất rừng có diện tích trên 50ha đều phải thông qua Quốc hội. Nhưng với dự án Tam Đảo II, Sun Group đã lách luật cực kỳ nghệ thuật. Họ thuê 385,5ha đất rừng quốc gia Tam Đảo, nhưng họ chỉ sử dụng dưới 50ha để không phải thông qua Quốc hội”.
Còn dưới góc độ thực tiễn triển khai dự án, họ cũng có “nghệ thuật” giúp các dự án của mình vượt qua được góc nhìn phản biện của nhân dân, thậm chí còn lấy được lòng dân bằng cách “dựng lên một lá cờ tâm linh xuyên suốt”.
Chính Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Sun Group đã chia sẻ với chúng tôi: “Một trong những lý do mà Sun Group quyết tâm làm dự án cáp treo Fansipan chính là xuất phát từ mong muốn của nhà sư Huyền Diệu. Mục đích chính của dự án là để trấn yểm những long mạch quốc gia. Cáp treo cũng chính là để các phật tử có thể thuận lợi hơn cho việc hành hương. Và chính nhà sư Huyền Diệu là người giơ nhát cuốc đầu tiên động thổ dự án cáp treo Fansipan”.
Trở lại Tam Đảo II. Ông Sơn - Phó chủ tịch Sun Group - nói với chúng tôi: “Bọn anh có số may mắn mới gặp được thầy Toàn”. Ông Sơn khẳng định, sẽ đầu tư xây chùa Địa Ngục và khu tâm linh xung quanh đó một cách bài bản.
Quả đúng như lời tiết lộ của ông Toàn, rằng ông Sơn sẽ “cúng dường” 300 tỷ đồng để xây chùa Địa Ngục. Trong những bức ảnh chụp buổi lễ quan trọng ở chùa Địa Ngục mà ông Sơn khoe với chúng tôi, có rất nhiều gương mặt với thân thế “khủng”, tiếng nói của họ có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Những VIP này, tôi đã gặp nhiều lần ở chùa Nga Hoàng do sư Toàn trụ trì dưới chân núi Tam Đảo. Ông Sơn còn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chùa Địa Ngục có lịch sử mấy trăm năm rồi. Cái giếng cổ vừa rồi khai quật lên, có rất nhiều di tích”.
Thông tin về ngôi chùa cổ mấy trăm năm với nhiều di tích giếng cổ, mộ cổ, nền móng cổ… từ lâu đã được đăng trên trang báo chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những người dân ở chân núi Tây Thiên - Tam Đảo cũng nói say sưa về di tích cổ được nhà sư Thích Thanh Toàn tìm được trong lõi rừng qua một giấc mơ. Trên mạng xã hội, từ lâu cũng đã xuất hiện rất nhiều thông tin, hình ảnh, clip… thể hiện sự linh thiêng, huyền bí của một ngôi chùa cổ mới được phát hiện trong rừng.
Xâu chuỗi tất cả thông tin trên lại với nhau, chúng tôi đến Ban quản lý di tích, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Không có bất cứ cơ sở nào để xác định chùa Địa Ngục là di tích cổ”. Điều này đã được báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ khi sư Toàn bắt đầu xây dựng chùa trái phép vào năm 2009.
Còn thực tế, chính những người đồng hành với sư Toàn từ ngày đầu dựng chùa đã khẳng định, “chẳng có gì cổ hết”. Vậy tại sao một ngôi chùa giả lại được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng với tần suất dày đặc, âm thầm và bền bỉ, rằng đó là ngôi chùa cổ?
Con đường vào rừng đang được thi công mở rộng |
Vòng tròn khép kín
Nhìn lại tổng thể của dự án Tam Đảo II, khi Sun Group triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, ngẫu nhiên có một sư thầy phát hiện ra ngôi chùa cổ (giả) nằm trong lòng dự án. Tác giả của ngôi chùa giả này chính là sư thầy Thích Thanh Toàn.
Nhưng việc xây dựng một ngôi chùa trong lõi rừng quốc gia, trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, không đơn giản. Sư Toàn từng bị UBND tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Vườn Quốc gia Tam Đảo… phản đối kịch liệt và đòi trục xuất.
Lạ thay, cũng từ thời điểm đó, sư Toàn luôn được Sun Group sát cánh, đồng lòng yểm trợ. Ông Sơn nói với chúng tôi: “Hồi ấy, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ muốn trục xuất thầy Toàn. Họ ghét thầy lắm. Anh Vọng lãnh đạo tỉnh muốn anh Hải (Giám đốc vườn quốc gia) và công an đuổi thầy ra khỏi đó. Chính tôi phải gặp anh Vọng và thuyết phục tỉnh nên để thầy Toàn ở lại chùa Địa Ngục”.
Sau đó, trong quá trình xây dựng chùa, trong tất cả dấu mốc thời gian từ nhỏ đến lớn, Sun Group luôn xuất hiện. Chính ông Sơn kể với tôi về những ngày đầu chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng chùa khó khăn như thế nào; gần đây nhất, khi tổ chức kéo điện lưới cho chùa, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã thu những cuộn dây điện và chính ông Sơn phải ra tay.
Vẫn mạch kể say sưa đó, ông Sơn tiếp: “Hồi đưa quả chuông lên chùa là nan giải nhất. Chuông thì nặng hàng tấn, đường dốc đá cheo leo, anh định đưa trực thăng kéo quả chuông lên cho nhanh, nhưng làm như thế thì ầm ĩ quá. Cuối cùng, anh phải thuê sức người thủ công. Đoàn người chuyển chuông đi tới đâu, làm đường tới đó, cũng phải mất hai tháng mới xong”. Và cũng lạ thay, trong suốt quá trình phát triển của ngôi chùa giả ấy, xuất hiện rất nhiều nhân vật VIP…
Ngày 22/9, ông Niệm - chủ cơ sở đúc chuông ở Huế - kể: “Tôi đã đúc hàng chục tỷ đồng tiền tượng đồng, chuông… cho sư thầy Thích Thanh Toàn”. Còn sư Toàn thì nói với chúng tôi: “Nếu con quyết định mua đất ở Tam Đảo II, thầy sẽ giúp lấy lại suất ngoại giao của những nhân vật VIP. Nhưng con phải thật bí mật nhé”.
Trong một lần nói chuyện, tôi giật mình khi nghe sư Toàn nói: “Chùa Địa Ngục có địa thế cực đẹp. Nó là long mạch quốc gia mà thầy trấn yểm đấy”. Long mạch quốc gia? Chính giám đốc truyền thông của Sun Group cũng khẳng định đấy là một trong những lý do quan trọng nhất để Sun Group đầu tư dự án cáp treo Fansipan.
Dường như một vòng tròn khép kín đã xuất hiện ở dự án của Sun Group.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện ra Tam Đảo II là một nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng. Nhưng họ đã chọn xây dựng ở Tam Đảo I hiện tại, giữ nguyên Tam Đảo II để bảo vệ rừng nguyên sinh. Năm 2008, một doanh nghiệp của Mỹ cùng với Bitexco xin làm dự án khai thác du lịch nghỉ dưỡng tại Tam Đảo II nhưng sau đó, dự án không triển khai được do gặp phải sự phản ứng dữ dội của các nhà khoa học.
Đến nay, Sun Group đang bắt đầu triển khai dự án này, nhưng câu hỏi lớn về dự án vẫn chưa có lời giải chính thức. Bởi lẽ, chỉ riêng việc chúng tôi và nhiều cơ quan báo chí trước đó muốn tiếp cận với bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án từ các cơ quan chức năng mà không thể tiếp cận được.
Phó chủ tịch Sun Group Trần Minh Sơn nói: “Tâm điểm của Tam Đảo II có 70ha bằng phẳng và đẹp vô cùng. Không khí ở đó còn hay hơn Đà Lạt. Sun sẽ làm một dự án mà nói ra sẽ sợ bị ném đá, nhưng sự thật thì nơi ấy chỉ dành cho người giàu. Người có thật nhiều tiền sẽ lên đó nghỉ dưỡng, ở đó hàng tuần để hưởng không khí trong lành”.
Vậy còn người bình thường thì sao? Liệu có nên đánh đổi sự hưởng thụ của một nhóm rất nhỏ người giàu có để phá hơn 300ha rừng nguyên sinh - lá phổi của toàn miền Bắc - và chuốc lấy những nguy cơ rủi ro về môi trường? Nếu điều đó xảy ra, chỉ có những người bình thường là gánh chịu hậu quả.
Hàng ngàn người yêu cầu công khai, thông tin dự án vẫn “kín như bưng” Tháng 6/2018, một nhóm bạn trẻ với niềm đam mê leo núi đã lên kế hoạch chinh phục ba đỉnh của Tam Đảo và chùa Địa Ngục. Tuy nhiên, khi đến con đường vào rừng, khu vực đặt barie ở trạm kiểm lâm thuộc thị trấn Tam Đảo, nhóm bạn trẻ này bị chặn lại và không cho vào rừng. Khi đó, chưa có lệnh cấm hay bất cứ thông tin gì về việc đóng cửa rừng. Một tuần sau đó, nhóm này đã quyết định quay lại, vào rừng bằng đường mòn dọc theo con suối thuộc thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, H.Tam Đảo. Sau 4 giờ đi bộ trên chặng đường chừng 6km với độ cao từ 100-900m, cả nhóm đến được con đường ngang nhỏ mà dân phượt trước đó vẫn thường đi vào rừng. Sau khi chinh phục xong đỉnh thứ nhất, trời cũng quá trưa nên nhóm bạn đi xuống để có đủ thời gian vào thăm chùa Địa Ngục. Tới đây, khi được thấy dấu hiệu của sự đo đạc, đánh dấu và các hố đã được đào lên, nhóm này đã trao đổi với những người quản chùa, mới biết rằng đang có một dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng quy mô lớn ở đây. Những hố đào sẵn được biết là hố trụ để tời nguyên vật liệu và cũng là tuyến cáp treo sau này. Sau khi tìm hiểu, biết được khu vực này thuộc dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II”, khởi công ngày 27/12/2016, nhóm bạn nung nấu ý định bảo vệ rừng quốc gia Tam Đảo nên đã thu thập nhiều hình ảnh, thông tin về dự án. Tháng 12/2018, nhóm bạn trẻ nói trên đã thành lập trang (fanpage) Save Tam Đảo, hoạt động trên mạng xã hội Facebook, nhằm cung cấp thông tin và hình ảnh về những gì đang diễn ra trong khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời muốn đưa lên tiếng nói bảo vệ vườn quốc gia này của cộng đồng yêu thiên nhiên, yêu cầu công khai hóa dự án Tam Đảo II để người dân giám sát, để các nhà khoa học có điều kiện phân tích tác hại của dự án đến môi trường rừng. Ngày 30/5/2019, đại diện nhóm Save Tam Đảo đã đến trực tiếp Phòng Tiếp dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường để gửi đơn kèm hơn 4.200 chữ ký đã thu thập trước đó để đề nghị giải đáp các câu hỏi về dự án Tam Đảo II. Nhóm này cũng đặt câu hỏi về sự minh bạch trong thông tin của dự án, liệu báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này có vấn đề gì hay không? Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng của Sun Group có thực sự an toàn cho rừng quốc gia Tam Đảo? Nhân viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận đơn và cho biết, sẽ có câu trả lời đơn thư sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Thế nhưng, cho đến nay, nhóm Save Tam Đảo không nhận được thông tin gì về nội dung đã yêu cầu. |