Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Căn bệnh khiến HLV Park Hang Seo hay chảy nước mắt là gì?

HLV Park Hang-seo giải thích hành động hay lau nước mắt khiến nhiều người hiểu lầm là khóc do ông bị nghẽn tuyến lệ cần phải phẫu thuật.

Trong 2 năm làm việc ở Việt Nam, HLV Park Hang Seo bị truyền thông nhiều lần quay được cảnh hay lau nước mắt. Khi về Hàn Quốc, ông bị báo giới quê nhà đặt câu hỏi và viết sao lại khóc nhiều thế?

Căn bệnh khiến HLV Park Hang Seo hay chảy nước mắt là gì?

Trưa 23-9, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo đã "phân trần" với báo chí trong nước về vấn đề cá nhân mình trong cuộc họp báo về bóng đá Việt Nam.

Ông Park nói: "Mắt tôi bị nghẽn tuyến lệ đáng ra phải mổ nhưng chưa có thời gian. Do nước mắt hay chảy ra nên tôi cứ phải lau nước mắt thường xuyên, mong các bạn đừng hiểu lầm. Dù thỉnh thoảng tôi cũng có thể khóc nhưng bây giờ thì không đâu nhé".

 HLV Park Hang Seo rất hay lấy tay lau nước mắt

Khi tôi về Hàn Quốc người ta cứ hỏi: "Sao ông khóc nhiều thế ? Gặp ông Guus Hiddink thì có gì mà phải khóc. Là HLV trưởng đội tuyển quốc gia ( ĐTQG) khóc nhiều không tốt đâu".

Bệnh tắc tuyến lệ - tắc lệ đạo là gì?

Theo TS Nguyễn Thanh Nam - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP.HCM, nước mắt được tuyến lệ tiết ra thường xuyên nhằm bôi trơn giúp bề mặt mắt ẩm ướt. Thông thường, lượng nước mắt này được dẫn lưu qua các ống dẫn nhỏ chạy từ "lỗ ghèn" xuống mũi được gọi là hệ thống lệ đạo.

Khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, nước mắt không thoát xuống mũi như bình thường, chảy ra ngoài như khóc, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, gọi là tắc lệ đạo, nghẽn tuyến lệ, kích thích hoặc làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính.

 Hình ảnh lệ đạo bị tắc.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) sẽ do nguyên nhân bẩm sinh; còn nếu bệnh xuất hiện ở trẻ em và người lớn thường do viêm túi lệ mãn tính, nhiễm trùng hoặc chấn thương, khối u, tự phát.

Dấu hiệu tắc tuyến lệ dễ nhận thấy nhất khi bị tắc tuyến lệ là nước mắt chảy liên tục không ngừng lại được mặc dù không bị tác động bất kỳ cảm xúc nào. Triệu chứng này nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mắt, làm tái phát những bệnh viêm mắt và nhiễm trùng mắt.

Các triệu chứng khác để nhận biết bệnh tắc tuyến lệ: Mắt thường xuyên bị chảy mủ, thị lực mờ dần, mắt bị đỏ ở tròng trắng và thường bị sưng đau ở gần góc trong của mắt.

Bệnh nhân khi mắc bệnh tắc tuyến lệ, vi khuẩn sẽ mắc kẹt ở trong túi lệ mũi, do vậy khả năng gây nên tình trạng nhiễm trùng ở mức độ cao.

Theo BS Nam hiện nay có 2 phương pháp mổ thông lệ đạo. Cách truyền thống sẽ mổ theo đường ngoài (mổ hở) để khoan xương nối niêm mạc mũi qua niệm mạc túi lệ, sau đó đặt ống thông cho nước mắt chảy xuống miệng, chứ không để tràn ra ngoài mắt. Mổ hở kéo dài từ 40-60 phút, tỷ lệ thành công là 90%.

Trong khi đó, cách mổ nội soi sẽ không khoan xương mà dùng tia laser đốt vùng túi lệ và xương lệ, sau đó đặt ống thông. Thời gian thực hiện khoảng 10 phút và tỷ lệ thành công từ 80-90%. Trong trường hợp mổ đường ngoài thất bại hoặc bệnh tái phát, kỹ thuật dùng tia laser nội soi cũng dễ dàng thực hiện.

Vì sao lệ đạo bị tắc?

Thông tin TS.BS. Phạm Ngọc Đông cung cấp trên Báo SK&ĐS cho biết, Lệ đạo là hệ thống ống, có cấu tạo đặc biệt, bắt đầu bằng điểm lệ ở góc trong của mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới.

Do đặc điểm giải phẫu là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi có tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Vì vậy, triệu chứng thường gặp là chảy nước mắt. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường lệ. Tắc lệ đạo có thể gây viêm nhiễm, đau nhức..., nếu để lâu sẽ dẫn tới những biến chứng tại mắt. Do hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo là không thấy nguyên nhân rõ rệt nên cũng không có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nào.

Khi tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.