Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Nghệ An: Quyết định nhiều vấn đề cấp bách của tỉnh
- 10:58 25-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay (25/9), tại TP Vinh, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 17, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, thông qua các Nghị quyết chuyên đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tham dự kỳ họp có các đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khu vực II; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Các đại biểu dự kỳ họp. |
Các ông, bà Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Các đồng chí chủ tọa điều hành kỳ họp. |
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp; căn cứ quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 629 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp thứ 10, kỳ họp bất thường lần thứ 17, nhiệm kỳ 2016-2020.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Kỳ họp bất thường quyết định các vấn đề cấp bách
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: kỳ họp lần này sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề có tính chất cấp bách, cần quyết định, phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nội dung kỳ họp rất quan trọng, thời gian chuẩn bị cho kỳ họp không dài, do đó, để đảm bảo chất lượng và chương trình đề ra, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đề cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các nội dung tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp, tích cực tham gia thảo, tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh có quyết định đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng báo cáo tóm tắt nội dung các tờ trình, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp. |
Kỳ họp đã nghe đại diện UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt nội dung 5 tờ trình, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đại diện các Ban HĐND tỉnh trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh |
Tiếp đó, kỳ họp đã nghe bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đại diện các Ban HĐND tỉnh trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp đại diện các Ban HĐND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.
Chế độ chính sách cho cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với các Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết. Trong đó, dự thảo việc sát nhập đơn vị hành chính cấp xã và sát nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, kỹ càng.
Đại biểu Đinh Thị An Phong – Nghi Lộc đề xuất HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết và hướng dẫn cụ thể đối với các cán bộ không chuyên trách dôi dư. |
Bày tỏ sự đồng tình cao với dự thảo việc sát nhập đơn vị hành chính cấp xã và sát nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn của 7 địa phương, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị An Phong đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết và hướng dẫn cụ thể đối với các cán bộ không chuyên trách dôi dư sau sát nhập và cho phép bổ sung thêm cấp phó đối với các cán bộ chuyên trách cấp xã để tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp bố trí cán bộ và sát nhập xã. Đối với việc sát nhập các xã, sẽ có trường hợp nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, sát nhập với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, các xã 135 sát nhập với các xã không phải là 135… Vì vậy, cần tính toán đến các điều kiện đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau sát nhập.
Đại biểu Nguyễn Tử Phương – Quỳnh Lưu đề xuất tại phương án sắp xếp tổ chức Đảng, mặt trận và các đoàn thể xã hội, cần bổ sung thêm tổ chức công đoàn. |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Đinh Thị An Phong, đại biểu Nguyễn Tử Phương cũng bày tỏ: Cần có lộ trình cụ thể đối với việc sắp xếp, sát nhập đơn vị hành chính cấp xã và sát nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn. Sau khi sắp xếp xong, quan trọng nhất vẫn là chế độ chính sách phù hợp đối với các cán bộ chuyên trách, cán bộ dôi dư. Tại phương án sắp xếp tổ chức Đảng, mặt trận và các đoàn thể xã hội, cần bổ sung thêm các đơn vị đoàn thể đầy đủ.
Đại biểu Hoàng Văn Phi – Hưng Nguyên băn khoăn việc giải quyết số cấp phó HĐND, UBND xã sẽ giải quyết như thế nào? |
Đại biểu Hoàng Văn Phi – Hưng Nguyên băn khoăn số cấp phó HĐND, UBND xã thừa sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã nếu không bố trí thêm số lượng thì giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó, số cấp trưởng các tổ chức đoàn thể bố trí như thế nào? Ngoài ra, kinh phí đảm bảo chi cho hoạt động sáp nhập và giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Đề nghị, trong kỳ họp gần nhất, HĐND sẽ khẩn trương quyết định một số vấn đề chế độ chính sách và bố trí sắp xếp cán bộ.
Đại biểu Trần Đình Toàn – Thanh Chương nêu ý kiến. |
Theo đại biểu Trần Đình Toàn – Thanh Chương, thực hiện sáp nhập quy mô diện tích, dân số tăng nên công việc của ban cán sự sóm tăng. Bên cạnh đó, nguồn phụ cấp không đủ để ban cán sự xóm duy trì các hoạt động nội dịch tại địa phương, vì vậy đề xuất xã hội hóa hỗ trợ nguồn quỹ hoạt động của Ban cán sự thôn, xóm hoạt động. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa xóm khác với trụ sở xã, đây vừa nơi sinh hoạt cộng đồng, văn hóa. Sau sáp nhập cần có văn bản hướng dẫn các huyện, xóm, xã trong công tác quản lý, sử dụng, bảo quản Nhà văn hóa tránh lãng phí. Trong thời điểm hiện nay, việc sáp nhập xóm, xã, số cán bộ dôi dư có 3 nhóm: người trẻ tuổi, gần tuổi về hưu, trung niên. Trong đó, nhóm trung niên chịu nhiều thiệt thòi. Nhóm người này gặp khó khăn hơn so với 2 nhóm còn lại, đề nghị có chính sách thỏa đáng.
Đại biểu Tô Văn Thu – Quỳnh Lưu kiến nghị việc đổi tên xóm mới có sự thống nhất trong cách đặt tên. |
Theo đại biểu Tô Văn Thu – Quỳnh Lưu, sau sáp nhập xóm, việc đổi tên xóm mới vẫn còn nhiều băn khoăn. Cụ thể một số nơi đổi tên chưa phù hợp, đề nghị có sự thống nhất trong cách đặt tên.
Toàn cảnh kỳ họp. |
Trả lời các ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết: Chế độ chính sách cho các cán bộ công chức dôi dư là một vấn đề trọng tâm. Hiện nay Sở Nội vụ đang nghiên cứu và lấy ý kiến của các địa phương, các sở, ngành tham mưu chế độ hợp lý nhất. Sau khi sắp xếp các đơn vị cấp xã, quyền và lợi ích của các cán bộ sẽ được đảm bảo tối đa nhất có thể, bố trí không để ai vì việc sắp xếp, bố trí này mà bị mất việc với lý do không rõ ràng, không chính đáng; sẽ trình các cấp bàn kỹ, trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh trong kỳ họp tới. Đối với chế độ chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách và cán bộ khi nghỉ việc, căn cứ vào điều kiện thực tế, sẽ bố trí ở mức độ tối đa nhất, đảm bảo cán bộ ổn định cuộc sống sau này.
Đồng chí Lê Đình Lý – Giám đốc Sở Nội vụ trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền. |
Về việc sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã, số lượng nghỉ hưu cụ thể Sở Nội vụ đã thống kê, những người đủ tuổi, có tâm huyết sẽ được bố trí thỏa đáng, sẽ có phương án cụ thể bố trí cán bộ chủ chốt để sử dụng có hiệu quả; một số vị trí cấp phó sẽ được bổ sung thêm, bố trí cấp phó hưởng chế độ chuyên trách.
Đối với việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản, khi Nghị quyết có hiệu lực ban hành, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân chuyển đổi các giấy tờ, đảm bảo quyền lợi người dân trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Về sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tiếp thu bổ sung thêm các tổ chức đoàn thể đảm bảo đầy đủ.
Đại biểu Phan Đức Đồng – Bí thư Thành ủy TP Vinh trả lời về tên gọi các xã sau khi sáp nhập. |
Trả lời về ý kiến của các đại biểu băn khoăn về tên gọi các xã sau khi sát nhập, đổi tên xóm, khối, bản, đại diện lãnh đạo UBND TP Vinh và các huyện cho biết: Đã họp lấy ý kiến người dân, các tên gọi đều được người dân đồng tình cao với các tên xóm, thôn, bản.
Thông qua 6 Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quan trọng
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 6 dự thảo Nghị quyết chuyên đề với sự thống nhất cao bao gồm: Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2021; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu, thành phố Vinh và thị xã Hoàng Mai; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo khoản 3, điều 20 Luật lâm nghiệp để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1, điều 58 Luật đất đai để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung mục 3, khoản 1, điều 2 của Nghị quyết số 53 ngày 16/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập thuộc tỉnh Nghệ An quản lý học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 và Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về đầu tư dự án xây dựng đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) - đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535.
Các đại biểu biểu quyết thông qua NQ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2021. |
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh cũng đã thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Các đại biểu đã biểu quyết miễn nhiệm và bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, công khai và thống nhất cao. Theo đó, HĐND tỉnh đã chấp thuận miễm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Đức Cường - Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh được điều động giữ chức vụ Trường Ban Nội chính Tỉnh ủy; ông Đậu Văn Thanh - Ủy viên UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ chế độ hưu trí.
Tiếp đó, kỳ họp HĐND tỉnh đã bầu bổ sung chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Thanh Tùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND tỉnh; ông Lê Đình Lý được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ.
Phát biểu bế mạc kỳ họp Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh sau thời gian làm việc tích cực, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Các nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, kịp thời triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã trân trọng các đồng chí được miễn nhiệm trên cương vị công tác của mình đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà trong thời gian qua. Đồng chí cũng chúc mừng các đồng chí được bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Tin tưởng rằng, các đồng chí sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới.