Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Độc đáo nhà sàn lợp bằng đá ở Mường Lay

Mường Lay (tỉnh Điện Biên) là thị xã có diện tích nhỏ nhất nước với địa giới hành chính gồm 2 phường và 1 xã, nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 9 cộng đồng dân tộc, là thủ phủ, trung tâm văn hóa của người Thái trắng Điện Biên.

 Nhà sàn truyền thống mái lợp đá của người Thái ngành Thái trắng ở thị xã Mường Lay (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Hiện nay, dân tộc Thái ở Mường Lay chiếm tỷ lệ đông nhất với 70% dân số thị xã. Cộng đồng này còn lưu giữ những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống độc đáo của người Thái trắng như: Lễ hội đua thuyền, Lễ Kin Pang Then, Xòe Thái cổ... Cùng với đó, hệ thống nhà sàn Thái cổ có mái lợp bằng đá đã tạo nên vẻ đẹp lôi cuốn cho những công trình kiến trúc nằm ven lòng hồ hiền hòa, thơ mộng.

Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 100 km, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên nối với tỉnh Lai Châu bằng quốc lộ 12, thị xã Mường Lay hiện ra trước mắt chúng tôi là những dãy “phố nhà sàn” tựa lưng vào núi, nằm san sát, nối tiếp nhau, in bóng xuống lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ở độ cao trên quốc lộ 6, đỉnh Pú Vạp- đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây Mường Lay nhìn xuống lúc bình minh vừa nhú hay khi hoàng hôn buông xuống, Mường Lay là nơi giao thoa của núi với mây trời, trở nên bình yên, trong trẻo.

Vùng "ngã ba sông", nơi giao cắt giữa sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay bảng lảng mây khói, sương mờ như những dải lụa mềm vươn mình quấn quanh những mái nhà sàn lợp ngói đá đen, đá nâu, đá ngũ sắc.

Từ tháng 4/2010, gần 1.000 hộ dân cuối cùng của thị xã có nhà dưới mức nước 195m của lòng hồ thủy điện Sơn La thực hiện cuộc di dân cuối cùng. Sau đó một tháng, Thủy điện Sơn La dần đóng đập tích nước. Toàn bộ thị xã Mường Lay chìm dưới mức nước 213m của lòng hồ.

Hiện nay, mặt bằng của thị xã đã nằm hoàn toàn trên mức nước 219m của lòng hồ với những dãy phố nhà sàn truyền thống, mái lợp đá đen, đá nâu, đá ngũ sắc khang trang tạo nên sự thay đổi diện mạo cho thị xã và là một điểm đến du lịch khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 Mái nhà lợp đá của người Thái ngành Thái trắng tại thị xã Mường Lay (Điện Biên). Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo ông Vàng Văn Thức, bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, nguồn gốc của việc sử dụng đá lợp mái nhà sàn của người Thái trắng ở Mường Lay có từ thời vua Thái, Đèo Văn Long.

Để có đá sử dụng lợp mái cho Khu dinh thự là ngôi nhà hai tầng, sàn làm bằng gỗ, tường xây gạch đỏ nằm trên diện tích hơn 1ha và bức tường đá phiến cao hơn 3m, dày hàng chục cm, Đèo Văn Long đã bắt trai tráng, thanh niên trong vùng đi dọc bờ sông Đà, sông Nậm Na tìm những mỏ đá để khai thác.

Ông Sìn Văn Tăn, người dân ở thị xã Mường Lay cho biết, đá dùng để làm mái nhà sàn có nhiều màu sắc: đen, nâu, vàng, ngũ sắc… trong số đó, loại đá màu đen có độ cứng hơn cả. Loại đá này có cấu tạo xếp chồng theo thớ, theo lớp như những trang sách nên còn có tên gọi khác là “đá giấy”.

Đá có đặc tính rất lạ là lúc mới đào ở vỉa ra, đá có độ ẩm cao nên mềm, dễ chẻ ra thành mảnh mỏng, cắt thành những khuôn miếng theo hình dạng khác nhau như ý muốn, sau một thời gian ở môi trường không khí, đá trở nên cứng như đất nung qua lửa.

Sau hàng chục năm sử dụng, màu sắc đá không bị phai, đá không thấm nước, có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt và không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường. Nếu so sánh giá trị kinh tế thì ngói đá rẻ hơn so với các loại ngói, tấm lợp khác và thời gian sử dụng kéo dài gấp hàng chục lần. Chính các yếu tố này đã trở thành tiêu chí để người dân Thái trắng nơi đây chọn lựa để sử dụng.

Đưa chúng tôi đi tham quan ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình, ông Sìn Văn Tăn cho biết: Sở hữu căn nhà sàn truyền thống của người Thái trắng là một điều tự hào của mọi thành viên trong gia đình cũng như những gia đình người Thái trắng nơi đây. Mái của căn nhà sàn sử dụng hơn 4.000 viên đá đen, nâu, ngũ sắc để lợp.

Số lượng đá này đã sử dụng từ hàng chục năm trước do cha ông để lại. Sau khi di dân nhường đất cho lòng hồ thủy điện đến địa điểm mới này, ông Tăn vẫn dùng số đá này. Để nâng đỡ được mái đá nặng cả mấy tấn, cấu trúc căn nhà sàn kết cấu bằng hàng chục cây gỗ to cả người ôm với hệ thống hoành, xà, kèo, cột, giằng, bệ đỡ… tạo nên một chỉnh thế chắc chắn, vững chãi, bề thế.

 Những viên đá sử dụng lợp mái nhà sàn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Để giúp chúng tôi hiểu hơn về “nghệ thuật” lợp mái đá cho nhà sàn, ông Sìn Văn Tăn đã dùng hàng chục viên ngói đá thực hành trực quan dưới gầm nhà sàn mát dịu. Ông Tăn nói, việc lợp mái nhà bằng ngói đá tưởng đơn giản nhưng thực ra lại rất cầu kỳ và cần sự tính toán tỉ mỉ của gia chủ và những người thợ.

Những viên ngói đá để lợp mái phải có hình vuông, chiều dài cạnh 20 hoặc 30cm. Hai đỉnh đối xứng nhau qua đường chéo viên ngói đá phải cắt đi một phần diện tích hình tam giác cân để có thể ghép “mí” lên nhau. Khi phần cắt không phải là tam giác cân thì lúc lợp, một viên sẽ lệch, nghiêng và kéo theo cả hàng ngói đó sẽ nghiêng.

Một đỉnh của viên ngói được đục lỗ nhỏ để khi lợp sẽ xuyên sợi dây thép qua và buộc vào xà, định vị trí viên ngói trên mái. Hệ thống mái nhà sàn cũng đòi hỏi phải tính toán về độ dốc để các viên ngói hàng trên và hàng dưới đè lên nhau kiểu so le với một diện tích nhỏ nhất, tiết kiệm diện tích nhất vừa để đảm bảo không được vênh, mất tính thẩm mỹ, lại vừa không tạo ra kẽ hở để tránh mưa, nắng, gió hắt, lùa vào nhà.

Nhiều người như ông Tăn, ông Thức cho hay, cách lợp mái đá được xếp chồng lên nhau như hình vảy cá bắt nguồn từ phương thức sinh hoạt gắn với môi trường sông nước của người Thái trắng xa xưa. Từ buổi đầu sơ khai khi về đây định cư, lập bản, cuộc sống của người Thái trắng đã gắn liền với vùng sông nước như câu ngạn ngữ của người Thái: “Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước, H'mông ăn theo sương mù” đề cập về nơi địa thế lạc nghiệp, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cả cội nguồn văn hóa của người Thái.

Đối với người Thái trắng ở Mường Lay, dòng sông Đà hoang sơ, trữ tình và hung dữ, lắm thác ghềnh với trăm ngàn vách đá dựng đứng đã trở thành dòng sông nhân chứng chảy qua những miền huyền thoại, hoài niệm và chứng kiến biết bao sự đổi thay của người Thái trắng của vùng đất nơi “ngã ba sông” nơi “cuối trời Tây Bắc”.

Nguồn đá để phục vụ cho việc “kiến thiết” hàng trăm mái nhà sàn ở thị xã Mường Lay cũng lấy từ sông Đà, sông Nậm Na bởi trong lòng các con sông này chứa hàng nghìn, hàng vạn vỉa đá đen, nâu, đa sắc…với trữ lượng dồi dào.

Theo ông Sìn Văn Tăn, trước kia, để có được nguồn đá lợp nhà, người dân phải tự đi tìm vỉa đá dọc sông Đà, sông Nậm Na và khai thác hoàn toàn thủ công. Công việc này vất vả và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nắng mưa, mực nước sông Đà…

Việc tìm được những vỉa đá không khó, nhưng chẻ được hết vỉa đá thì rất vất vả, dày công. Tuy đá sau khi chẻ ít phải trải qua công đoạn mài dũa, chế tác nhưng việc tạo ra số lượng hàng ngàn viên ngói đá đủ lợp kín diện tích một mái nhà sàn truyền thống phải mất nhiều tháng, nhiều năm.

Cũng theo ông Vàng Văn Thức, bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, nhiều năm nay, nắm bắt cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng nên các cơ sở chẻ đá ngay trong lòng thị xã để bán sản phẩm ngói đá phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong khu vực và xuất sang địa bàn khác.

Hàng ngày, tại các cơ sở chẻ đá này, những “phu đá” là người dân địa phương vẫn miệt mài dùng búa, nêm và dao cắt tạo ra sản phẩm ngói đá. Bởi lẽ đó, thung lũng Mường Lay bao năm qua vẫn vọng đều tiếng búa, tiếng nêm chẻ đá.

Người dân Thái trắng ở thị xã Mường Lay cho hay, khi di dân nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La, lúc bắt tay vào việc dựng lại nhà cửa tại các điểm tái định cư, trước vô vàn kiến trúc nhà ở hiện đại và vô số các loại ngói, tấm lợp xuất hiện trên thị trường, người dân nơi đây vẫn lựa chọn mẫu nhà sàn truyền thống lợp ngói đá của cha ông để làm nhà ở. Việc làm này giúp nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa tiêu biểu của dân tộc Thái trắng Mường Lay.