Chủ tịch UBND huyện Đô Lương còn tiếp tục “lỡ hẹn” với dân tới bao giờ?
- 14:07 21-09-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Phát thông báo họp giải tỏa nhưng chỉ đề cập hỗ trợ tiền!
PL&DS đã có bài phản ánh Cho xây ki ốt trên đất hành lang ATGT, UBND xã Giang Sơn Đông tự "trói tay" , nội dung phản ánh UBND xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, Nghệ An vào năm 2006 đã “xé luật” cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Y và ông Đỗ Văn H mượn hơn 50 m2 đất thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ QL15A và tỉnh lộ 538 để làm một ki ốt buôn bán.
Điều đáng nói, tại cung đường mà UBND xã Giang Sơn Đông đồng ý cho mượn đất hành lang ATGT để xây ki ốt lại được xem là “điểm đen” luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Việc hộ ông H dựng ki ốt đã khiến gây mất tầm nhìn đối với ngã ba giao nhau. Nếu lưu thông từ đường 538 vào đường QL15A, chỉ cần bất cẩn một chút, với việc công trình xây dựng vi phạm che mất tầm nhìn thì rất dễ dẫn tới tai nạn. Đoạn đường này không chỉ những người đi đường, mà ngay cả người dân sở tại cũng luôn lấy làm bất an.
UBND xã Giang Sơn Đông mời các hộ không liên quan việc giải tỏa công trình vi phạm đã bỏ hoang hóa nhiều năm qua, nhưng điều lạ là chỉ để hỏi xem sẽ hỗ trợ giải tỏa bao nhiêu kinh phí!? |
Nhiều năm trôi qua, chứng kiến mãi cảnh UBND xã “bất lực” với sự việc nên cử tri xã Giang Sơn Đông cũng đã có đơn thư gửi UBND huyện Đô Lương đề nghị Chủ tịch UBND huyện, Ban an toàn giao thông huyện chỉ đạo thực hiện việc tháo dỡ đối với công trình vi phạm, ảnh hưởng ATGT tại cung đường. Thế nhưng đến nay thì sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ” với lý do “khó xử lý”.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2019, sau khi có sự chỉ đạo của UBND huyện Đô Lương, UBND xã Giang Sơn Đông đã có thông báo mời một số công dân đến họp việc giải tỏa ki ốt nói trên trong tháng 8 năm 2019. Nhưng điều lạ là thành phần mời lại là những người không liên quan về ki ốt và nhiệm vụ phải giải tỏa, mà mời những người này chỉ là để…xem hỗ trợ được bao nhiêu tiền cho việc giải tỏa.
“Đáng ra họ nên mời con cái ông H, bà Y lên mà yêu cầu, giao trách nhiệm phải giải phóng ki ốt này, chứ không phải mời chúng tôi lên rồi bàn chuyện chúng tôi sẽ hỗ trợ được bao nhiêu tiền. Sở dĩ xã kêu chúng tôi lên để bàn hỗ trợ tiền cho việc giải tỏa, bởi trước đó, do gia đình tôi sống cạnh ki ốt vi phạm, dù đất đó nguồn gốc là đất ở của gia đình, nhưng sau này được nhà nước đưa vào quy hoạch thuộc hành lang ATGT gia đình cùng hoàn toàn đồng ý.
Nhưng rồi bất ngờ là xã cho mượn đất này để dựng ki ốt, chứng kiến nhiều vụ TNGT xảy ra tại đây, khi thấy xã có thông báo giải tỏa ki ốt gia đình tôi cũng muốn hỗ trợ một chút ít cho gia đình con bà Y, ông H để họ sớm trả lại hành lang ATGT cho nhân dân được nhờ. Nhưng rồi có ai làm được đâu, kiến nghị mãi cũng chán, chả hiểu đúng luật, đúng trách nhiệm mà sao họ cứ làm việc thiếu trách nhiệm tới vậy.
Mới đây, thay vì gọi con bà Y, ông H lên giao trách nhiệm, thì xã lại gọi gia đình tôi và chủ cửa hàng xăng dầu cạnh lên để bàn chuyện hỗ trợ tiền. Đáng nói là trên mức 10 triệu đồng. Tôi thấy rất bất bình với kiểu cách làm việc “mập mờ” này.” – Ông Nguyễn Văn Công bất bình kể lại cuộc họp khi được xã mời lên chỉ để…bàn xin hỗ trợ tiền.
Chủ tịch xã “loanh quanh” rồi kêu “chờ ý kiến huyện”!
Vì sao lại thông báo họp giải tỏa công trình vi phạm hành lang ATGT đường bộ lại không mời những người có liên quan trực tiếp, mà lại mời những người không liên quan và rồi lại chỉ bàn chuyện “hỗ trợ” giải tỏa được bao nhiêu tiền? Trước những câu hỏi này của PV PL&DS, ông Bùi Đăng Thu – Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông cho rằng, xã không phải mời các hộ này lên để bàn việc hỗ trợ, xã không yêu cầu việc các hộ phải hỗ trợ để giải tỏa công trình vi phạm.
Do trước đó hộ gia đình ông Công có đề xuất với gia đình con bà Y là sẽ hỗ trợ cho một khoản tiền nhỏ nếu gia đình tháo dỡ ki ốt vi phạm trả lại hành lang cho con đường, nên đợt này sau khi huyện chỉ đạo thì xã cũng tiến hành mời các hộ lên để họp.
“Xã không chỉ đạo việc hộ gia đình ông Công phải làm như thế, trước hội nghị tôi cũng đã chỉ đạo cái này là trách nhiệm của xã giải tỏa hành lang ATGT. Kể cả gia đình ông Công cũng có đơn thư. Thửa đất này hình thành từ năm 1982, rất phức tạp. Qua rất nhiều đời chủ tịch đã làm, nay cũng đã xin các phòng chức năng của huyện. Việc hộ ông Công xã không liên quan, không phải hỗ trợ, do gia đình có ý kiến, chứ xã không có ý kiến, còn gia đình không hỗ trợ thì không có vấn đề gì, xã không cầm tiền đó làm gì cả. ” – ông Thu giải thích.
UBND xã Giang Sơn Đông "xé luật" cho người dân xây dựng công trình trái phép trên đất hành lang ATGT đường bộ nhưng rồi bất lực khi không thể giải tỏa |
Trong giấy mời họp đề ngày 22/7/2019 nêu rằng họp để bàn giải tỏa ki ốt vi phạm trong tháng 8/2019 nhưng mãi tới nay đã tháng 9 rồi mà địa phương vẫn không có hành động nào cụ thể? Về câu hỏi này, ông Thu cho rằng: Xã đang chờ xin ý kiến các phòng chức năng của huyện, mới có văn bản chỉ đạo của huyện, lúc nào có đầy đủ văn bản, đủ điều kiện mới thực hiện được. Việc giải tỏa, cưỡng chế một trường hợp không đơn giản.
Nhiều lần làm việc với phòng chuyên môn, trực tiếp là phòng hạ tầng của UBND huyện Đô Lương, chúng tôi cũng đã ghi nhận sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ phòng. Đến mức chính cán bộ phòng này còn xin PV một bộ hồ sơ trong đó biên bản với nội dung UBND xã Giang Sơn Đông cho gia đình bà Y mượn đất làm ki ốt vào năm 2006 với lý do không thấy xã cung cấp.
Điều đáng nói, trước đó, tháng 12/2018, sau khi PL&DS có bài phản ánh về vụ việc này, huyện Đô Lương yêu cầu xã Giang Sơn Đông báo cáo. Không hiểu ông Chủ tịch xã này báo cáo thế nào mà UBND huyện chưa chỉ đạo xử lý được.
Đã đến lúc Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, Trưởng ban ATGT huyện phải chỉ đạo xử lý vụ việc một cách kiên quyết, không thể để một công trình vi phạm hành lang ATGT, được UBND xã Giang Sơn Đông cho mượn đất để xây dựng trái luật, bỏ hoang hóa nhiều năm sau khi người mượn đất đã qua đời..nay cử tri kiến nghị xử lý, thu hồi trả hiện trạng vì vấn đề an toàn giao thông nhưng mãi không được xử lý, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Đô Lương sẽ có những động thái nào về vụ việc?